Ngày tôi mới ra trường, về dạy ở một xã “khỉ ho cò gáy”, toàn dân “kinh tế mới”, dân “tha hương cầu thực”; ngày Tết ở trong khu tập thể, mùng ba Tết học trò đến thăm thầy cô nườm nượp, không phân biệt “thầy phụ thầy chính”.
Có những phụ huynh dẫn theo con đến, mang theo cái mâm son, phủ vải đỏ, trong mâm là “cút rượu” trắng và đĩa lạc rang (đậu phụng), sao mà quý giá đến thế; thời xưa ơi, cho tôi xin một vé quay về!
Cuộc sống của thầy cô cũng đạm bạc chẳng thua kém dân làng, thế nhưng được sống trong tình cảm trìu mến thân thương của học trò, phụ huynh; xa nhà, không về Tết, nhưng không cảm thấy xa nhà, thấy như đang đón xuân cùng gia đình mình.
Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. (Ảnh minh hoạ: Giadinhmoi.vn) |
Ngày nay, nếu ở cùng khu tập thể, không ít thầy cô “môn phụ” đành ngậm ngùi “tỵ nạn Tết”; không còn cảnh “ngày xưa ơi” nữa.
Cuộc sống của những giáo viên dạy thêm được, cán bộ quản lý đã ở “đẳng cấp” khác so với nhân dân và đồng nghiệp; thế nhưng việc “Tết thầy” không còn “lấp lánh ánh sao khuê”, nó đã bị đám mây “thị trường” phủ mờ nhật nguyệt.
Mai một truyền thống tôn sư trọng đạo cũng có một phần do chính “người thầy” đánh mất bản thân mình. Thời gian qua biết bao chuyện “xấu xí” của các nhà giáo “được” nêu lên mặt báo, từ bạo hành học trò, ăn bớt khẩu phần, ăn chặn tiền hỗ trợ đến tham ô, tham nhũng.
Cay đắng nhất có lẽ là “những chiêu mời” học trò đi học thêm; người ta phải thốt lên “Thầy cô dạy thêm chẳng qua vì tiền”, “thầy cô dạy thêm không phải vì nghèo”, “Cảm ơn thầy cô đã đì con tôi” v.v...
Mùng ba tết thầy, mấy ai còn nhớ? |
Không ít học trò chẳng còn biết câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”, dẫu có biết cũng chỉ là để “biết” khi viết bài luận hay viết CV gửi cho công ty nào đó xin việc.
Thế nhưng, cũng còn đó không ít thầy cô vẫn sống trong lòng nhân dân và học trò; họ vượt qua “đồng lương hợp đồng” để bám trường, bám lớp; thầy cô coi học trò như con; chăm học trò như chăm cháu của mình; ngày Tết có thể không có học trò “Tết thầy cô”, thế nhưng trong tình cảm nhân dân, với họ luôn là “Tết”.
Mùa xuân, trăm hoa đua nở, mùa của trưởng thành, mùa của những bắt đầu; hạnh phúc nào hơn khi là nghề giáo mà được học trò nhớ đến, nhắc đến với những ký ức hạnh phúc.
Trong thời đại công nghệ mới, có thể người máy sẽ thay thầy giáo dạy, nhưng có những bài học chỉ có người thầy mới dạy được.
Vì thế mỗi giáo viên cần trau dồi phẩm chất đạo đức, gieo mầm nhân ái từ trong trái tim mình; mầm nhân ái, yêu thương sinh ra quả ngọt cho đời và cho cả chính mình.
Sẻ chia, yêu thương là “giáo cụ trực quan” sinh động và cần thiết nhất mà mỗi giáo viên cần trang bị cho mình; có sẻ chia, yêu thương, với giáo viên sẽ có 365 ngày Tết thầy cô.