Quyết trả lại “phong bì” cho lớp
35 tuổi, tôi may mắn gặp thầy – Tiến sĩ Nguyễn Văn B., được thầy dạy suốt hai năm cao học. Trong quãng thời gian đó, tôi có nhiều kỉ niệm với thầy, xin được ghi ra đôi dòng nhằm tri ân ngày “mùng 3 Tết thầy”.
Năm 2015, tôi thi tuyển cao học chuyên ngành Ngôn ngữ học của một trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ lúc tốt nghiệp đại học đến thời điểm dự thi cao học, kiến thức ngôn ngữ học của tôi còn lại chẳng bao nhiêu.
Để bổ túc kiến thức, tôi tham gia ôn thi môn Ngôn ngữ học đại cương. Sau buổi học đầu tiên, học viên lớp đã sợ… thi rớt vì được tin thầy B. là người nổi tiếng nghiêm khắc.
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thầy ăn mặc chỉn chu với quần tây, áo sơ mi thắt cà vạt – trông như trí thức Tây học của thế kỉ trước – dù không phải là giờ dạy chính khóa.
“Ngôn ngữ học là ngành học tiệm cận với khoa học tự nhiên nên có người viết nửa câu cũng không ra.
Đây là môn quý tộc, nếu người học không có khả năng đọc tài liệu bằng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh thì chịu thua.
Tôi thì không có sẵn tài liệu tiếng Việt để cung cấp cho các anh chị. Lớp nghe tôi giảng, ghi nhớ và sau đó tự đọc tài liệu để tham khảo thêm”, thầy mở đầu buổi học bằng những câu như thế.
Chúc các thầy cô luôn mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc. (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn) |
Thú nhật nghe thầy nói, chúng tôi toát mồ hôi hột, vô cùng lo sợ như học sinh mới vào lớp 1.
Bởi học hành mà khó thế này thì thi trượt mất, rồi tôi sẽ ăn nói thế nào với học sinh, với Hiệu trưởng đây? Nhưng đâm lao nên phải theo lao, tôi quyết tâm ôn tập để tham dự kì thi tuyển.
Ngày kết thúc môn học, 25 thành viên của lớp đóng mỗi người 500 ngàn đồng, cho vào bì thư, kẹp vào một cuốn sổ (để ngụy trang) gói lại cẩn thận chuẩn bị tặng thầy những mong thầy thương tình mà giới hạn nội dung ôn tập.
Biết tôi là người hay bắt chuyện với thầy vào những giờ giải lao, lớp cử tôi đại diện tặng “cuốn sổ” cho thầy. Nghĩ mình cũng có “bổn phận” nên tôi miễn cưỡng nhận lấy trách nhiệm dẫu trong lòng đầy lo lắng.
Cuối tiết học, tôi đi lên bàn giáo viên và nói dõng dạc (dù chẳng tự tin chút nào), “lớp chúng em có món quà nhỏ kính tặng thầy làm kỉ niệm”.
Vừa nhìn thấy món quà, thầy nói “tôi sẽ nhận cuốn sổ này với điều kiện anh bóc lớp giấy gói ra cho cả lớp xem”.
Ôi thôi, tôi ngượng chín mặt (cả lớp cũng thế) và chết đứng (vài chục giây) như Từ Hải. Khi đã kịp định thần, tôi xin phép thầy cầm “cuốn sổ” xuống lớp để bóc ra.
Cũng may thầy rất tâm lí mà nói rằng, tôi thừa hiểu các anh chị đã làm chuyện gì. “Thôi, chuyện này chúng ta cho qua nhé. Tôi hi vọng sẽ có nhiều anh chị trúng tuyển sau kì thi này và chúng ta lại gặp nhau”, thầy động viên chân thành.
“Anh xé rời từng cuốn đề cương ra cho tôi!”
Kì thi đó, lớp chúng tôi chỉ trúng tuyển 15/25 học viên - trong đó có tôi - vì chuyên ngành Ngôn ngữ học lấy điểm chuẩn khá cao.
Ngày đầu đi học, tôi được thầy B. (lúc này thầy là trưởng chuyên ngành Ngôn ngữ học) bầu làm lớp trưởng với lí do mặc định là thủ khoa đầu vào môn chuyên ngành (tôi thi được 9,5 điểm).
Chúng tôi học với thầy môn thứ nhất về dẫn luận ngôn ngữ học. Để tiết kiệm tiền mua sách, tôi phô-tô cho lớp 15 cuốn tài liệu tham khảo.
Nhìn đống tài liệu tôi mang lên lớp được phô-tô đẹp mắt như những cuốn sách in, thầy nghiêm mặt nói: “Anh xé hết lần lượt từng cuốn, gom lại thành từng chương riêng và ghim lại cho gọn”.
Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì thầy tiếp lời: “Chương nào, bài nào cần tham khảo tài liệu thì anh mới phô-tô. Hơn nữa, anh phô-tô cả cuốn sách như vậy là vi phạm bản quyền tác giả, tức là vi phạm pháp luật, có biết không?”.
Hôm nay là đến Tết thầy |
Tôi đành nhẫn nại làm theo lời thầy (dẫu trong lòng đầy buồn phiền và giận thầy lắm).
Thầy còn dạy chúng tôi một số môn nữa và việc thi hết học phần cũng được thực hiện rất nghiêm túc theo đúng quy chế thi cử. Điểm thi của học viên luôn phân hóa rõ ràng, chứ không có chuyện “cá mè một lứa”.
Cho nên có học viên đã tốt nghiệp cao học, khi xem lại bảng điểm chỉ thấy toàn 5,6 điểm bởi thầy chúng tôi (và thầy cô khác) dạy học nghiêm túc như thế.
Cũng nhờ gặp được người thầy tử tế nên trong thời gian học, tôi đã có 3 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Ngày bảo vệ luận văn thạc sĩ, tôi là học viên duy nhất được thầy phê trong bản nhận xét: “Luận văn này có thể triển khai để trở thành một luận án Tiến sĩ”.
Cầm bằng Thạc sĩ về nộp cho đơn vị, Hiệu trưởng nửa tin nửa ngờ khi nghe tôi nói chi phí cho toàn khóa học khoảng 20 triệu, gồm học phí và tài liệu.
Bởi chúng tôi thực học, thực làm luận văn cùng với người thầy nhiệt huyết, đầy trách nhiệm và không bao giờ toan tính vụ lợi với học viên.
Tôi nhiều lần ghé thăm thầy, cũng có tâm tư với thầy về chuyện mua quan bán chức, chạy bằng cấp rồi tiêu cực trong thi cử…
“Dù cuộc sống có thế nào đi nữa, anh cũng phải làm người thật ngay ngắn!”, thầy dạy tôi như thế.