Người Việt Nam ta từ xưa đến nay luôn trọng tình thầy trò. Vì thế, từ thuở xưa người Việt luôn có quan niệm: "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy".
Điều này cho thấy vai trò của người thầy luôn được xã hội đề cao, trọng vọng, nhất là trong những ngày đầu năm mới.
Tuy nhiên, ngày nay thì mối quan hệ thầy –trò có nhiều thay đổi, sự thay đổi này có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhiều thầy cô không giữ được hình ảnh của mình, nhiều phụ huynh cũng có những ứng xử chưa phù hợp.
Vì thế, văn hóa truyền thống có lúc bị mai một và có tác động không đẹp đến các em học trò.
Người lớn cần tạo hình ảnh và nêu gương trước học trò ( Ảnh minh họa: Baobacgiang.com.vn) |
Ngày 06/2/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài phỏng vấn Xuân Kỷ Hợi, trò chuyện với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ của phóng viên Thùy Linh, chúng ta thấy rất nhiều trăn trở của người đứng đầu ngành giáo dục.
Trong bài trả lời này, Bộ trưởng Nhạ có nói đến vai trò của nhà trường, gia đình đối với việc học hiện nay và cả những kỳ vọng của xã hội về giáo dục.
Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến những những chia sẻ của vị Tư lệnh ngành:“Giáo dục liên quan đến từng người, từng nhà nên được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng giáo dục cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội.
Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới dựa trên những nghiên cứu căn cơ, có học tập kinh nghiệm nước ngoài và cân nhắc các điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra của xã hội với giáo dục là phải ổn định, vì nếu không ổn định thì khó tạo ra niềm tin. Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong “thế cân bằng động”.
Những gì đã tốt, chúng ta giữ ổn định. Những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới để không bị trì trệ.
Tôi nói như vậy để mong rằng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực”.
Thực tế, giáo dục rất cần sự chung tay, cộng hưởng của nhiều người, nhiều đoàn thể lại với nhau. Trong đó, vai trò rất quan trọng nhất là của nhà trường và gia đình học sinh.
Những năm qua, chúng ta đã từng chứng kiến một số thầy cô giáo chưa làm tốt vai trò của một người thầy. Có những thầy cô giáo đã tự mất hình ảnh của mình, của ngành giáo dục trước xã hội. Và, để lại những điều tiếng, dư âm buồn cho người thầy.
Điển hình nhất là năm 2018 vừa qua, liên tục có những thầy cô áp dụng hình phạt học trò phản cảm, phi giáo dục như: vào lớp không giảng dạy nhiều tháng trời, cho học sinh uống nước lau bảng, đánh vào thân thể học trò…
Những hình ảnh như vậy rõ ràng không thể nào chấp nhận được trong môi trường giáo dục hiện đại.
Đối với phụ huynh cũng vậy, một số phụ huynh có những hành động, lời nói cũng không phù hợp như: Phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối ngay trong nhà trường, phụ huynh vào trường chửi bới, xúc phạm thầy giáo chỉ vì chuyện cái quần của con gái mình, phụ huynh vào trường đòi làm đơn thưa gửi lên Phòng, Sở…
Những trường hợp như vậy không phù hợp và cho thấy sự bất ổn trong mối quan hệ nhà trường- gia đình trong việc chung tay giáo dục học trò.
Vẫn biết rằng đó là những trường hợp cá biệt nhưng nó có tác động xấu đến môi trường giáo dục. Bởi, ngành giáo dục có một vị trí rất riêng và thường rất “nhạy cảm” đối với xã hội.
Ngay cả trong chương trình Gặp gỡ cuối năm tối 30 Tết, chúng ta thấy một câu nói về giáo dục rất chí lí: "Làm hay làm tốt chẳng ai nhắc nhưng làm sai bị cả xã hội lên án".
Đó là thực trạng của ngành của giáo dục những năm gần đây. Trong khi, hàng triệu thầy cô đang phấn đấu, các bậc phụ huynh đang động viên, khích lệ con em mình học tập nhưng những “con sâu” như thế thực sự đã “làm rầu nồi canh” của ngành giáo dục nước nhà.
Muốn học sinh trưởng thành, chắc chắn phải là sự yêu thương, gương mẫu của người lớn- những người đang đóng vai trò nêu gương trực tiếp trước mặt học trò.
Một khi học trò được giáo dục, yêu thương, giám sát, quản lý tốt sẽ tạo ra một thế hệ công dân tốt. Nhưng, sự bất ổn của một số trường hợp trong thời gian qua không tạo ra được những “tấm gương sáng” cho học trò.
Thời kinh tế thị trường, nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị đảo lộn. Mối quan hệ thầy trò; mối quan hệ nhà trường- gia đình bị lỏng lẻo hơn. Cũng bởi vì có nhiều giáo viên sợ phụ huynh nên khi vào lớp cứ dạy, học trò nào học được thì học, không học thì thôi.
Nhắc nhở, la mắng thì sợ phụ huynh, dư luận lên tiếng, liên lụy đến công việc, danh dự của mình.
Một số phụ huynh cũng quan niệm mất tiền đóng học cho con em mình thì có quyền hạch sách, đối xử theo cách riêng của mình. Nhiều người còn có những thách thức, đe dọa, kiện cáo thầy cô đang giảng dạy con mình.
Những lý thuyết sẽ sáo rỗng, viển vông nếu cả thầy cô và phụ huynh không có những tiếng nói chung. Vì thế, thầy cô cũng như phụ huynh cần có sự kiềm chế cảm xúc trước các sự cố giáo dục.
Bởi, suy cho cùng thì người cần giáo dục nhất đó là học trò, là thế hệ tương lai của đất nước. Vì thế, thầy cô cần uốn nắn, nghiêm khắc và bao dung với học trò.
Phụ huynh cũng có sự cảm thông với những khó khăn của thầy cô giáo trong giáo dục những em học trò cá tính để cùng tháo gỡ vấn đề.
Mối xung đột nào cũng để lại hậu quả cho sự việc. Trong đó, xung đột trong giáo dục thường để lại bài học xấu cho các em học sinh.
Vì thế, ngay những ngày đầu năm mới này, mỗi người lớn chúng ta cần có sự cảm thông, thấu hiểu cùng nhau để hướng tới việc giáo dục học trò được tốt nhất.
Hãy xem những sự cố trong năm 2018 là bài học đắt giá nhất mà mỗi người lớn chúng ta không lặp lại những sự cố sai lầm đó nữa.