Liên quan đến việc Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình) chi trả hơn 16,5 tỷ đồng cho 354 sinh viên sư phạm của trường này đang gây được sự chú ý của dư luận, xác nhận với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Văn Trường - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Lư cho biết là có sự việc trên.
Vị Hiệu trưởng này cũng nhấn mạnh rằng: "Đây là khoản chi trả chính sách hỗ trợ cho sinh viên theo học ngành sư phạm tại trường theo Nghị định 116 (Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ - phóng viên). Việc chi trả này nhà trường đã thực hiện xong. Mọi việc, chúng tôi làm theo đúng với yêu cầu trong Nghị định và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra.
Cụ thể, với mỗi sinh viên theo học ngành sư phạm tại trường, ngoài việc các em không phải đóng tiền học phí, mỗi tháng các em được hỗ trợ thêm là 3.630.000 đồng".
Các sinh viên sư phạm của Trường Đại học Hoa Lư trong buổi nhận chi trả chế độ hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Ảnh: nbtv.vn |
Ngoài ra, thầy Trường cũng nêu rõ, sẽ có 2 loại đối tượng được hưởng chính sách này, tương ứng với 2 nguồn ngân sách chi trả gồm: Đối tượng theo đặt hàng của tỉnh sẽ lấy ngân sách của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình để chi trả.
Còn đối tượng đào tạo theo nhu cầu xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu, sau này các Bộ sẽ phải làm việc để thống nhất việc chi trả ngân sách cho đối tượng này.
"Trong buổi chi trả, chúng tôi nhận thấy được sự phấn khởi, vui mừng của các sinh viên khi được cầm khoản chi trả chế độ trong tay.
Nói như vậy không có nghĩa đánh đồng rằng, điều kiện của các sinh viên này quá khó khăn, đến mức không có tiền để theo học các ngành sư phạm. Mà qua đó để thấy được, đây là một chủ trương, chính sách hết sức tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, khiến cho các đối tượng là sinh viên học sư phạm cảm thấy được quan tâm, giúp đỡ.
Khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 là khóa đầu tiên khi Nghị định 116 có hiệu lực, cũng là năm đầu tiên Trường Đại học Hoa Lư thực hiện việc chi trả này. Quan điểm của chúng tôi là, nếu hàng năm vẫn có nhu cầu đặt hàng từ các đơn vị thì nhà trường cũng sẽ tiếp tục nhận nhiệm vụ đào tạo và thực hiện các công việc chi trả tương tự, theo đúng các quy định đã đề ra", thầy Trường cho hay.
Theo đó, số tiền chi trả trên 16,5 tỷ đồng vừa rồi của Trường Đại học Hoa Lư là hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong 3 tháng cuối năm 2021 và 10 tháng của năm 2022 cho 354 sinh viên sư phạm, khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ và theo nhu cầu xã hội.
Được biết, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có hiệu lực từ ngày 15/11/2020 được áp dụng đối với các đối tượng: Sinh viên học trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức đào tạo chính quy, liên thông chính quy và sinh viên học văn bằng thứ 2 theo hình thức đào tạo chính quy trình độ đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên có kết quả học lực văn bằng thứ 1 đạt loại giỏi.
Ngoài ra, các sinh viên được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan trực thuộc được ủy quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm; các cơ sở đào tạo giáo viên và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo cũng được hưởng chính sách này.
Tuy nhiên, Nghị định này không áp dụng đối với giáo viên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Với mức hỗ trợ được quy định như sau:
Với sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học.
Với sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ.