LTS: Viết tiếp câu chuyện về “Tự chủ đại học”, các chuyên gia đã có những phân tích sâu sắc về từng khía cạnh tự chủ.
Đặc biệt trong nội dung bài trước “Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng!”, GS. Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình đã khẳng định tự chủ đại học không thể cào bằng.
Trong bài này ông tiếp tục phân tích và mổ xẻ rõ hơn về trách nhiệm của trường đại học tự chủ Việt Nam so với thế giới.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới bạn đọc.
Giải trình và chịu trách nhiệm là vấn đề hiện đại trong giáo dục đại học (ĐH) đi đối với tự chủ. Khi nhà nước trao quyền tự chủ cho các trường ĐH thì kèm theo là mối lo lắng không kiểm soát được nhà trường.
Nhu cầu từ các nguồn tài trợ, chủ yếu là từ Chính phủ, đo lường năng suất đào tạo, kiểm soát phân bổ kinh phí v.v.. ngày càng là phần trọng tâm của các cuộc tranh luận về giáo dục ĐH.
Giải trình và chịu trách nhiệm như là một “lối thoát” cho các nhà quản lí vĩ mô và như thế luôn được kiến nghị đi kèm với quyền “tự chủ” của các trường ĐH.
Tuy vậy, đối với thể chế của các trường công lập Việt Nam hiện nay thì liệu có được một văn hóa giải trình và chịu trách nhiệm cần thiết đáp ứng mong muốn của những nhà quản lí và xã hội khi trao quyền tự chủ hay không, đặc biệt là tự chủ tài chính, là vấn đề chưa được bàn kỹ.
Đa số ý kiến hiện nay tập trung vào năng lực đảm đương quyền tự chủ (Điều 32 Luật Giáo dục ĐH) mà chưa quan tâm đến tư duy và thể chế. Để đáp ứng đòi hỏi này, các trường ĐH phải chuyển đổi tư duy và phương thức quản lí.
Ở các nền giáo dục ĐH chuyển đổi từ mô hình Liên Xô cũ sang mô hình Hoa Kì thì việc “quản trị hóa” (managerialized) các trường ĐH với các quản trị viên chuyên nghiệp thường dẫn đến sự giảm sút thế lực truyền thống của các giảng viên trong nhà trường và vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía các chức sắc và giảng viên của trường (Albach @ McGill, 1999).
Tự chủ và tự chịu trách nhiệm trước xã hội của các trường đại học là phần đặc biệt quan tâm. Ảnh minh họa NLĐ |
Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một cách hiểu đầy đủ hơn về khái niệm accountability so với cách hiểu cũ là trách nhiệm giải trình.
Muốn được trao quyền tự chủ thì các trường phải có nghĩa vụ báo cáo và giải trình về các hành động và quyết định của mình, phải chịu trách nhiệm cuối cùng, không được đùn đẩy nếu mắc lỗi về các hành động và quyết định đó.
Để đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự chủ cũng như giải trình và chịu trách nhiệm thì không chỉ đơn thuần dựa vào năng lực của mỗi trường mà cần phải thay đổi thể chế dựa trên nền tảng tái cơ cấu giáo dục ĐH và nhà trường.
Từ đó, trên cơ sở so sánh quản trị ĐH công và tư của Việt Nam hiện nay, chúng tôi đề xuất giải pháp tự chủ tài chính cho các trường ĐH công trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam.
Giải trình và chịu trách nhiệm
Khái niệm “tự chủ” dường như là rất quen thuộc với các nhà giáo dục Việt Nam, tuy vậy khái niệm “giải trình và chịu trách nhiệm” (accountability) còn chưa được hiểu thống nhất. Theo Phạm Đỗ Nhật Tiến (2012) accountability là “trách nhiệm giải trình” ... là sự đánh đổi mà nhà trường phải chấp nhận để được giao quyền tự chủ.
Đó chính là cơ chế để Nhà nước thực hiện được quyền kiểm soát từ xa khi dời bỏ quyền kiểm soát trực tiếp trong bối cảnh mở rộng quyền tự chủ ĐH. Đó là trách nhiệm của cơ sở giáo dục ĐH báo cáo với cơ quan cấp trên và với xã hội về kết quả đầu ra trong hoạt động giáo dục vào đào tạo cảu mình.
Trong lịch sử “accountability” bắt nguồn từ tiếng Latinh accomptare (to account – giải thích, quyết toán) có thêm tiếp đầu ngữ ac-, và từ này được dẫn ra từ computare (to reckon – tính, đếm).
Tự chủ đại học: Làm gì có tự chủ như nhau, hay tự chủ cào bằng!
(GDVN) - Quan điểm của GS.Đặng Ứng Vận, nguyên Chánh Văn phòng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục, Hiệu trưởngTrường Đại học Hòa Bình về chủ đề tự chủ.
Theo Từ điển mở Wikipedia trong quản lí nhà nước, accountability đã mở rộng vượt ra ngoài định nghĩa cơ bản của nó: “được gọi để giải thích cho hành động của mình – called to account for one’s actions”.
Nó thường được mô tả như một mối quan hệ: thông báo (về hành động và quyết định), biện minh cho chúng và chịu trách nhiệm/hình phạt trong trường hợp có hành vi sai trái.
Reuven Ben-Shalom trong tờ báo Bưu điện Jerusalem (2013) đã khuyến cáo “accountability không phải là tự chặt đầu mỗi khi phạm lỗi (!). Nếu chúng ta lật đổ các nhà lãnh đạo của chúng ta khi họ phạm sai lầm, hệ quả là chúng ta sẽ có các nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm và những sai lầm tồi tệ hơn”.
Như vậy, từ “account” đa nghĩa (kế toán, thanh quyết toán, giải thích) tuy làm chúng ta bối rối nhưng nếu suy nghĩ kĩ thì thấy rằng trong nhiều từ có ý nghĩa giải thích, giải trình như là: account, analyse, explain, clarify thì duy nhất từ account là có liên quan đến những vấn đề tài chính và chịu trách nhiệm.
Trong giáo dục là việc chịu trách nhiệm cho sự tiến bộ của học sinh bằng cách gắn những tiến bộ như vậy với sự tài trợ, tiền lương, tiền bảo dưỡng, vv.
Vậy nên “trách nhiềm giải trình” như một số học giả Việt Nam đã sử dụng cũng tương tự như Achrayut Divuach không phản ánh đầy đủ nghĩa của từ: Không chỉ giải trình mà còn phải chịu trách nhiệm về hậu quả nữa.
Vì thế, trong bài viết này chúng tôi đã sử dụng nhóm từ “giải trình và chịu trách nhiệm” để diễn đạt accountability.
Việc thực hiện giải trình và thể chế ở trường đại học
Tùy theo quan hệ giữa nhà nước và nhà trường trong việc trao quyền tự chủ mà các hệ thống giải trình có thể khác nhau. Tuy nhiên, theo John (2008), thường có ba hệ thống giải trình:
1/ Giải trình theo chiến lược đã được phê duyệt;
2/ Giải trình theo hợp đồng đã kí kết giữa nhà trường và nhà nước;
3/ Giải trình theo quy chế về kết quả hoạt động của nhà trường.
Cách giải trình thứ ba phổ biến hơn cả. Đó là việc báo cáo định kì theo quy định, trong đó nhà trường giải trình với cơ quan quản lí việc thực thi và hoàn thành các nhiệm vụ đã được giao.
Bản khuyến nghị của UNESCO về vị thế giảng viên ĐH, sau khi đưa ra định nghĩa về tự do học thuật và tự chủ ĐH, đã đặc biệt đưa ra nội dung chi tiết liên quan đến giải trình (UNESCO 1997), Có thể gom 16 khuyến nghị của UNESCO thành 3 nhóm vấn đề:
- Giải trình các điều kiện đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, như cầu học tập, học suốt đời của cá nhân, đảm bảo công bằng xã hội đối với sinh viên, phụ nữ và người thiểu số, loại trừ xâm phạm tình dục và sắc tộc; đảm bảo giảng viên không bị bất kì sự đe dọa, trù dập hoặc bạo lực nào trong việc thực thi nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu của mình; bảo vệ hữu hiệu quyền tự do học thuật và những quyền cơ bản của con người.
- Đảm bảo sự trong sạch và liêm chính trong kế toán;
- Bảo đảm sử dụng hữu hiệu các nguồn lực.
Nói cách khác, yêu cầu chung nhất là: xác lập và đảm bảo niềm tin của nhà nước và xã hội đối với trường ĐH một khi trường được giao quyền tự chủ trong tổ chức, hoạt động, tài chính và nguồn lực.
Việc tiến hành giải trình phải tin cậy, đúng đắn và công bằng. Cả phương pháp luận và kết quả phải công khai” (UNESCO 1997).
Để đảm bảo yêu cầu nêu trên, các trường ĐH đều phải xây dựng và bảo trì các cơ sở dữ liệu phù hợp và cập nhật, cần thiết cho những chứng minh định lượng trong báo cáo.
Tự chủ đại học: Chất đã thay đổi như thế nào?
(GDVN) - Các điều khoản trong Luật Giáo dục đại học cho thấy quyền tự chủ thực sự khó trở thành hiện thực vì nhiều điểm trái với tinh thần tự chủ đại học hoặc mơ hồ.
Đó là các chứng minh nhằm chỉ ra việc hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện (về giảng dạy, học tập, nghiên cứu, quy mô phát triển, kết quả đầu ra, thu chi v.v...), sự phát triển của nhà trường trên những phương diện nhất định từ năm này sang năm khác, sự đánh giá so sánh trong tương quan giữa trường này với trường khác.
Đi theo hướng được UNESCO khuyến nghị, các trường ĐH của Việt Nam đang thực hiện ba công khai: công khai cam kết chất lượng và chất lượng giáo dục thực tế, công khai về các điều kiện đảm bảo chất lượng và công khai tài chính.
Bên cạnh đó còn phải kể đến hệ thống kiểm định chất lượng và kiểm toán cả trong nội bộ và từ bên ngoài, tuy rằng việc kiểm toán hiếm khi được thực hiện.
Về nguyên tắc, nội dung, phương thức và hiệu quả giải trình gắn liền với thể chế. Cho đến nay, khái niệm thể chế hiện đại thường được hiểu là thể chế được xây dựng trên nguyên tắc phân cấp, trao quyền, nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm.
Từ điển tiếng việt định nghĩa thể chế là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải noi theo, là những ràng buộc mà con người tạo ra để định hướng cho những tương tác giữa người với người.
Hoặc nói một cách khác, thể chế là những “luật chơi trong một xã hội”, nếu tốt thì sẽ khích lệ con người hành động theo hướng tạo ra những kết quả tốt, và ngược lại.
Những “luật chơi”này bao gồm các thể chế chính thức (chẳng hạn như luật pháp) và những thể chế phi chính thức (chẳng hạn như tục lệ, truyền thống, và chuẩn mực ứng xử trong xã hội).
Những thể chế không chính thức cũng rất quan trọng, chúng có ảnh hưởng đối với sự thành công hay thất bại của những thể chế chính thức.
Ví dụ, cho dù nhiều luật tốt được ban hành nhưng thiếu vắng tinh thần sống và làm việc theo pháp luật thì hiệu quả của chúng chẳng là bao.
Ngày nay, trong mối tương quan giữa phát triển kinh tế và thể chế, hiếm thấy ai bác bỏ tầm quan trọng của thể chế. Nhưng vấn đề là làm thế nào để thiết lập được những thể chế cần thiết?
Trường hợp của giáo dục ĐH Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Con đường phát triển của giáo dục ĐH Việt Nam đang đòi hỏi sự đồng hành của cải cách thể chế.
Tuy nhiên, sự khó khăn trong việc đẩy mạnh những thể chế phù hợp vẫn đang là một nút thắt cần phải gỡ. Xây dựng thể chế là trách nhiệm của Nhà nước. Đồng thời phát triển, định hướng, điều chỉnh các thể chế bất thành văn là việc của xã hội. Các thể chế bất thành văn này tạo nền tảng cho văn hóa giải trình và văn hóa chịu trách nhiệm.
Bài tới, GS. Đặng Ứng Vận mổ xẻ và đưa ra giải pháp tự chủ tài chính cho giáo dục công, thực hiện và hoạt động như thế nào sẽ hiệu quả nhất?