Dân số tăng nhanh khiến TP. Thủ Đức căng thẳng về trường lớp, đội ngũ giáo viên

27/08/2022 06:56
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước những khó khăn do dân số tăng cơ học, thành phố Thủ Đức sử dụng hình thức "chạy phòng", dạy học trực tuyến, tổ chức dạy 7 buổi/tuần và 8 buổi/tuần.

Cũng như các quận, huyện vùng ven của Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Thủ Đức gặp nhiều khó khăn về trường lớp đầu năm học do tình trạng tăng dân số cơ học.

Thành phố Thủ Đức có tổng số dân khoảng hơn 1.040.000 người, dự kiến số học sinh trong độ tuổi đi học (từ mầm non đến trung học cơ sở) trong năm học 2022 – 2023 là gần 185.000 em.

Toàn thành phố Thủ Đức có 394 trường học của tất cả các bậc học trong đó có 236 trường ngoài công lập và 156 trường công lập.

Khó khăn do số học sinh tăng, nhiều trường chỉ dạy 7 buổi/tuần

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức cho biết mức tăng dân số cơ học theo hàng năm khá nhanh và không đồng đều ở các khu vực; sự phát triển của các khu đô thị mới, khu công nghiệp và khu chế xuất làm tăng đột biến dân số cơ học khác với dự báo chỉ tiêu qui hoạch ban đầu của thành phố.

Điều này dẫn đến khó khăn trong xác định nhu cầu quỹ đất cần đầu tư, tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và chỗ học tại một số phường có quá trình đô thị hóa cao, mật độ dân số tăng.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức (ảnh NVCC)

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức (ảnh NVCC)

Cụ thể tại các phường Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Long Trường, Phú Hữu, Hiệp Phú, Long Thạnh Mỹ, Hiệp Bình Chánh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Linh Trung, Linh Tây, Bình Thọ, Bình Chiểu.

Trong đó, một số trường có sĩ số học sinh/lớp cao ở tất cả các khối lớp, đặc biệt là bậc tiểu học đã vượt qui định 45 học sinh/lớp.

Ông Nguyên chia sẻ, mặc dù trường lớp được xây mới hằng năm nhưng vẫn không đáp ứng kịp tốc độ tăng dân số, vì vậy nhiều trường thiếu phòng học phải mượn tạm phòng học của cơ sở khác gần trường để dạy; một số trường phải sử dụng phòng chức năng làm phòng học nên chưa đảm bảo có đủ phòng chức năng theo quy định.

Cũng theo ông Nguyên, năm học này căng thẳng nhất là khối tiểu học, với số lượng học sinh tăng nên tỉ lệ học 2 buổi/ngày (tương ứng 10 buổi/tuần-PV) chỉ đạt 76,8%, số còn lại sẽ học 7 buổi, 8 buổi/tuần. Trong khi đó, khối trung học cơ sở ổn hơn khi tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt 90,7%.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức cho hay, hiện nay, trên địa thành phố Thủ Đức đã đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi) tuy nhiên vẫn mang tính cục bộ do áp lực dân số cơ học cao tập trung tại khu vực Long Trường, Phú Hữu, Hiệp Phú, Hiệp Bình Chánh, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Linh Trung, Linh Tây, Bình Thọ, Bình Chiểu.

Trong một số dự án quy hoạch chi tiết 1/500 chỉ tiêu dành cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục đạt theo quy định, nhưng diện tích khu đất không được lớn, điều này làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế các trường học để theo chuẩn quốc gia, thiếu hiệu quả trong việc tổ chức bộ máy quản lý lãng phí nguồn nhân lực. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các dự án thông qua việc điều phố điều chỉnh hoán đổi để có được những khu đất giáo dục lớn hơn, phục vụ chung theo quy hoạch tổng thể toàn thành phố Thủ Đức.

Để đảm bảo chỗ học cho trẻ trong năm học 2022-2023 và những năm học tiếp theo, Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Thủ Đức đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức lộ trình xây dựng trường lớp theo kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, dài hạn tại từng phường căn cứ trên dự báo quy mô dân số cơ học phát sinh từng năm.

Trên cơ sở tình hình thực tế về quy hoạch phát triển mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Thủ Đức, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức xây dựng Kế hoạch thực hiện, rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho ngành giáo dục và đào tạo.

Nhiều biện pháp được đưa ra như di chuyển, thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên để xây dựng trường học. Đồng thời, bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện để các nhà đầu tư cho giáo dục nhất là qui mô phát triển cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, qua đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng.

Phía phòng giáo dục và đào tạo thành phố cũng xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, phòng chức năng, mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học để tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, bảo đảm chất lượng, số lượng và kịp thời phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2022-2023.

Tuy nhiên trong năm học 2022-2023, trước những khó khăn do dân số tăng cơ học, ngành giáo dục của thành phố Thủ Đức quyết định sử dụng hình thức "chạy phòng", dạy học trực tuyến, tổ chức dạy học 7 buổi/tuần và 8 buổi/tuần thay vì 10 buổi/tuần như chuẩn.

Thành phố Thủ Đức cần tuyển hơn 1.000 giáo viên trong năm học 2022

Năm học 2022 – 2023, các đơn vị cơ bản đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp. Đặc biệt, cấp tiểu học (lớp 1,2,3) và cấp trung học cơ sở (lớp 6, 7) có 100% giáo viên được phân công giảng dạy đều đã tham gia tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngành Giáo dục và Đào tạo dự kiến thành lập mới 3 trường mầm non gồm Mầm non Phước Long B, Mầm non Hiệp Bình Phước và Mầm non An Khánh, do đó số lượng viên chức năm 2022 có tăng lên 54 người so với năm 2021 (theo Quyết định 5086/QĐ-UBND ngày 05/8/2022 về phân bổ số lượng người làm việc).

Trong năm học 2021-2022, mặc dù kế hoạch tuyển dụng lớn nhưng thực tế số lượng tuyển được chưa đáp ứng được nhu cầu và cần thêm khoảng 750 giáo viên từ mầm non tới trung học cơ sở.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, năm học 2021 – 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức đã thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo năm 2021 với số lượng đăng ký nhu cầu cần tuyển 1.328 viên chức, cụ thể: 131 giáo viên mầm non; 532 giáo viên tiểu học; 417 giáo viên trung học cơ sở; 10 nhân viên Văn thư; 22 nhân viên thiết bị - thí nghiệm; 40 nhân viên công nghệ thông tin; 72 nhân viên Kế toán và 88 nhân viên Y tế.

Đến tháng 7/2022, kết quả có 456 viên chức ngành giáo dục trúng tuyển, trong đó có 65 giáo viên mầm non; 160 giáo viên tiểu học; 105 giáo viên trung học cơ sở ; 126 nhân viên ở 3 cấp học.

Sau khi thực hiện kế hoạch tuyển dụng năm 2021, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức vẫn còn nhu cầu tuyển dụng 871 viên chức. Trong đó, giáo viên mầm non: 66 người; giáo viên tiểu học: 372; giáo viên trung học cơ sở: 312 và nhân viên ở các cấp học là 121

Sang năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng 1226 viên chức ở tất cả các vị trí. Trong đó, địa phương này cần 1037 giáo viên chủ yếu ở các bộ môn: Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, Tổng phụ trách Đội và giáo viên mầm non.

Đáng chú ý, khó khăn hơn cả là Trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền không tuyển được giáo viên giáo dục đặc biệt.

Lê Phương