Đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều GV xin chuyển công tác về trường vùng khó khăn

21/07/2023 06:36
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban giám hiệu nhiều trường học vùng cao đang lo lắng trước thực trạng thiếu GV giảng dạy, một phần nguyên nhân là do xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, hiện nay một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn hoàn thành nông thôn mới nên nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của giáo viên, học sinh bị cắt giảm.

Mùa hè đến, ngoài công việc được phân công, ban giám hiệu các trường cũng đang chật vật trong công tác đảm bảo nguồn nhân lực cho năm học mới. Nhiều lãnh đạo nhà trường bày tỏ nỗi băn khoăn khi xã đạt chuẩn nông thôn mới là một nguyên nhân khiến giáo viên lần lượt xin chuyển công tác.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết trong 3 năm trở lại đây nhà trường đã có 5 giáo viên xin chuyển đến trường có điều kiện kinh tế khó khăn để công tác.

Theo cô Tuyết Mai, so với nhiều trường thuộc xã nông thôn mới, đây có thể là con số ít nhưng lại đang báo động thực trạng thiếu giáo viên đang xảy ra rất nhiều trường vùng cao.

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Nguồn: Website nhà trường).

Cổng Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ, xã Mường Tè, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

(Nguồn: Website nhà trường).

Cô Mai nhận định, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, đây là chương trình phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt, nhờ đó đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, làm cho đời sống của nhân dân được nâng lên.

Tuy vậy, điều trở ngại là một số chính sách ưu đãi dành cho giáo viên bị cắt giảm. Ví dụ như trước đây các giáo viên tại trường được hưởng mức phụ cấp 70% đứng lớp, nhưng hiện tại lại chỉ còn 50% (đối với cấp tiểu học). Ngoài ra, về chính sách phụ cấp lâu năm và thâm niên, từ được hưởng hai chế độ đến nay lại chỉ được hưởng phụ cấp về thâm niên.

Xét về tâm lý, cô Tuyết Mai khẳng định bất cứ ai cũng sẽ có sự dao động, hụt hẫng nhất định bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày của giáo viên.

Trước thực trạng này, nhiều thầy cô lựa chọn chuyển công tác đến các đơn vị khác, phần do điều kiện hoàn cảnh của gia đình, kinh tế khó khăn, mức lương eo hẹp không đủ trang trải cuộc sống.

Bất cứ giáo viên nào cũng mong muốn được làm việc ở vùng thuận lợi, nhưng với điều kiện này họ buộc phải lựa chọn đến vùng khó khăn hơn để đổi lại đồng lương ổn định. Trên thực tế, có nhiều đơn vị chỉ cách nhau 4-12km nhưng lại có sự chênh lệch đáng kể về mức lương và ưu đãi.

Cô Tuyết Mai phân tích, bản thân cô đang giữ chức vụ là Phó hiệu trưởng tại trường học thuộc xã Mường Tè (xã đạt chuẩn nông thôn mới) với hệ số là 3,99 và phụ cấp chức vụ 0.4, mức lương cô đang hưởng là 10,3 triệu đồng/ tháng.

Khi so sánh với 2 xã giáp ranh là Pa Ủ và Ka Lăng (xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới) được giữ nguyên các chính sách hỗ trợ, giáo viên còn được hưởng thêm phần trăm biên giới nên với một phó hiệu trưởng công tác tại nơi đây thì mức lương có thể dao động từ 17-19 triệu đồng/tháng, trong khi từ điểm trường Pắc Ma thuộc xã Mường Tè đến điểm gần nhất của xã Ka Lăng chỉ cách 4km.

Với phép so sánh trên có thể thấy việc giáo viên vùng cao lựa chọn đi thêm 4-12km để được hưởng thêm các chế độ ưu đãi cũng là điều dễ hiểu.

Cô Mai cho biết thêm, hiện nhà trường không gặp phải tình trạng thiếu số lượng giáo viên, nhưng lại thiếu về cơ cấu. Xét theo nguyên tắc, trường cần đến 2 giáo viên dạy môn tiếng Anh mà đến nay chỉ có 1 cô giáo đảm nhận khiến người lãnh đạo như cô Mai rất trăn trở.

Ngoài ra, vị Phó hiệu trưởng thẳng thắn chia sẻ nhiều giáo viên chuyển đi phần lớn đều là cá nhân có kỹ năng, năng lực chuyên môn rất tốt. Ngược lại, đôi khi giáo viên mới được điều động đến lại chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của nhà trường, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy chung.

Từ thực tế của nhà trường, cô Mai mong muốn Nhà nước cần sớm có chế độ ưu đãi phù hợp hơn đối với thực tế tình hình của từng vùng miền. Đặc biệt, đối với giáo viên vùng núi, vùng khó khăn khi thực hiện thay đổi, cắt giảm phần phụ cấp thì cần có chính sách ưu đãi khác, thực hiện trong khoảng thời gian nhất định để giáo viên làm quen với điều kiện mới, tránh tâm lý hẫng hụt, không yên tâm bám nghề.

Ngoài ra, cô Mai cho rằng cần cải cách chế độ tiền lương với giáo viên vùng cao. Theo đó, để nâng lương cần xét trên nhiều yếu tố khác như vấn đề tinh giản bộ máy. Vị Phó hiệu trưởng cho rằng giáo viên cấp tiểu học có thể đứng lớp gần như tất cả các môn, thay vì 1,5 giáo viên/lớp theo quy định hiện nay có thể quy vào 1,2 giáo viên/lớp để họ có mức lương ổn định, phù hợp với công sức hơn.

Để giữ chân nguồn giáo viên, cô Mai cho biết vai trò của lãnh đạo nhà trường rất quan trọng đặc biệt là phải làm tốt công tác tư tưởng. Trong đó, ban giám hiệu cần chủ động giảm thiểu áp lực công việc cho giáo viên như hồ sơ, số sách, tạo điều kiện về thời gian, những buổi họp không quá quan trọng có thể thay bằng hình thức trực tuyến hoặc chỉ đạo bằng văn bản hướng dẫn, giúp giáo viên có thời gian nghỉ ngơi, có chủ nhật xanh để dành cho gia đình, tăng gia sản xuất,...

Tuyên truyền điểm mạnh của nhà trường như cơ hội phát triển chuyên môn, có uy tín đối với xã hội, phụ huynh và học sinh, … Theo cô Mai đây là cách để giữ chân giáo viên ở lại trường, tránh trường hợp giáo viên lần lượt xin chuyển trường, chuyển vùng để hưởng ưu đãi.

Cùng chung nỗi niềm trên, cô Ong Thị Hiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sapa, Lào Cai chia sẻ rất lo lắng và trăn trở về vấn đề nhân sự trước thềm năm học mới. Để đảm bảo được giáo viên giảng dạy, ngay trong hè cô phải báo cáo tình hình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo để được sắp xếp, bổ sung giáo viên.

Vị Hiệu trưởng thông tin, thực hiện theo đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao đã khiến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của các giáo viên trong nhà trường đều bị cắt giảm.

Điều này khiến một số giáo viên trong trường lần lượt làm đơn xin chuyển công tác đến các đơn vị có chính sách ưu đãi, dẫn đến tình trạng mất cân bằng về tỷ lệ giáo viên đứng lớp.

Hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của thầy và trò Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sapa, Lào Cai. (Nguồn: Nhà trường cung cấp).

Hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của thầy và trò Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sapa, Lào Cai. (Nguồn: Nhà trường cung cấp).

Cô Hiên khẳng định dù xã có lên nông thôn mới nhưng về sâu xa lĩnh vực giáo dục tại các trường vùng cao vẫn đang gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, giáo viên tại các trường vùng núi vốn đã rất vất vả trong việc giảng dạy cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục.

Với vai trò là người lãnh đạo nhà trường, cô Hiên bày tỏ mong muốn giữ lại một số chính sách ưu đãi nhất định cho các giáo viên ngay ở xã đạt chuẩn nông thôn mới để họ có thể yên tâm công tác, sống bằng nghề giáo và cống hiến cho nhà trường.

Đặc biệt là hiện nay tình trạng thiếu giáo viên đang là vấn đề "nóng" tại các trường nên chính sách thu hút giáo viên cần được đẩy mạnh và quan tâm hơn. Cô Hiên cho biết trong năm học 2023-2024 nhà trường dự thiếu 6 giáo viên.

Ngoài ra, cô Hiên cũng kiến nghị cần có chính sách đặc thù đối với giáo viên của từng vùng miền. Đơn cử như vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, dù đạt chuẩn nông thôn mới nhưng vẫn tồn tại khó khăn nhất định và cần được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ mới thu hút được giáo viên, học sinh mới được hưởng lợi.

Vị Hiệu trưởng bày tỏ lo lắng trước thực trạng đáng buồn khi nhiều trường học thuộc xã đạt chuẩn nông thôn mới, số lượng giáo viên đã thiếu nay chất lượng chuyên môn cũng chưa thực sự đảm bảo khiến chất lượng giảng dạy giảm sút.

Với những khó khăn chồng chéo của trường học vùng cao và thầy cô giáo giảng dạy, việc cần một chế độ, chính sách riêng để hỗ trợ đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, hay chế độ thu hút vẫn luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Phương Nga