Năm 2017 đã khép lại với vô vàn những câu chuyện ồn ào và cũng có những câu chuyện lắng lại với biết bao nhiêu những cảm xúc, suy ngẫm về tình thầy trò.
Mỗi câu chuyện là một lát cắt nhỏ của ngành nhưng những lát cắt nhỏ đó đã làm nên những điểm sáng, đầy tính nhân văn từ những người thầy đang mang trong mình một thiên chức cao cả, đó là sự nghiệp “trồng người”.
Chính từ những câu chuyện cảm động về tình thầy trò đã hướng cho chúng ta tin yêu về tình thầy trò, về những con người đang tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Sự ra đi của thầy Văn Như Cương
Sau hơn nửa thế kỉ cống hiến cho ngành giáo dục, thầy Văn Như Cương đã trút hơi thở cuối cùng và ra đi thanh thản trong sự tiếc thương vô hạn của hàng triệu con người Việt Nam.
Đặc biệt là đối với hàng ngàn học trò trường Lương Thế Vinh - nơi thầy Cương đã đặt nền móng đầu tiên và rồi dành hết tâm huyết gây dựng, phát triển thành một ngôi trường tư thục nổi tiếng giữa thủ đô.
Thầy Văn Như Cương (Ảnh minh họa: nld.com.vn). |
Những giọt nước mắt, những đôi mắt đỏ hoe của học trò trong ngày đưa tiễn thầy cho thấy một giá trị lớn về đạo thầy trò.
Sự ra đi của thầy Văn Như Cương có một sức lay động mạnh mẽ đến đội ngũ giáo giới bởi chính sự tử tế, sáng ngời về đạo đức của một người thầy vẫn là cội nguồn của mỗi con người.
Những người thầy sống vì mọi người, luôn đem tình yêu, trách nhiệm của người thầy để truyền đạt, dạy dỗ cho học trò sẽ luôn được học trò khắc ghi trong tâm cốt…
Thầy Hiệu trưởng đứng đón, chào học sinh ở cổng trường
Hình ảnh thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đứng chào học sinh ở ngay cổng trường đã tạo nên sự lay động lớn cho nhiều độc giả.
Hình ảnh bình dị, thân thương đó đã trở thành thói quen của người đứng đầu nhà trường trong nhiều năm qua. Rõ ràng, đây chỉ là một hành động nhỏ của thầy Bình nhưng nó lại là bài học lớn để hình thành nhân cách cho bao thế hệ học trò.
Có lẽ, muốn có một môi trường giáo dục nghiêm khắc nhưng giàu tình thương thì không có gì hơn là sự làm gương của người lớn - trong đó, người hiệu trưởng phải là đầu tàu. Sự thân thiện của người đứng đầu đơn vị sẽ có sức lan tỏa đến toàn thể đơn vị nhà trường.
Từ đó, hướng các em học sinh tự tạo cho mình một thói quen ứng xử, phải biết yêu thương, kính trọng mọi người, phải biết lễ phép với những người đã dạy dỗ, những người xung quanh mình.
Xã hội chúng ta đang phát triển về mọi mặt, nhất thiết phải đào tạo nên một thế hệ tương lai cho đất nước có đủ tri thức, đạo đức và truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
Vì thế, hình ảnh thầy Bình đứng cúi đầu chào học sinh, chào phụ huynh và chắc chắn thầy cũng sẽ không tiếc một nụ cười, lời chào hỏi đối với đồng nghiệp của mình khi vào trường.
Thầy hiệu trưởng đứng cổng trường chào học sinh (Ảnh minh họa: vov.vn). |
Chỉ cần thế thôi cũng là động lực, là niềm vui cho giáo viên, học sinh trong những tiết học sau đó. Và, dĩ nhiên, khi các em ra về, dù căng thẳng, mệt nhọc sau giờ học thì cũng ấm lòng và quên đi những vất vả để trở về nhà.
Lâu nay, ta chỉ nghe, thấy nhiều những hiệu trưởng độc đoán, chỉ thấy cười, xum xoe khi cấp trên về trường còn đối với giáo viên, học sinh trong trường mình thì luôn luôn có thái độ hờ hững, phớt lờ.
Nhiều những hiệu trưởng rất ít khi nở những nụ cười với cấp dưới, với học sinh. Và, có cười cũng là nụ cười nhạt nhẽo, khinh bạc, nhất là những giáo viên không biết nịnh bợ, cung phụng.
Thay vào đó là những mệnh lệnh, những lời đe nẹt bởi họ tự cho mình là người “to” nhất đơn vị. Chuyện chào hỏi, phục vụ là của cấp dưới, của học sinh dành cho mình.
Từ đó, nhiều trường học có môi trường làm việc ngột ngạt, cấp dưới luôn phải dè chừng cấp trên, học sinh khi phải gặp thầy hiệu trưởng thì sợ xanh mặt.
Vậy nên, không có gì cao quý bằng mỗi thầy cô cần nêu cao phẩm chất đạo đức của mình trước học trò. Trong đó, vai trò, vị trí của người hiệu trưởng đơn vị phải là lá cờ đầu trong mọi hoạt động giáo dục.
Muốn làm được việc lớn phải bắt đầu từ những hành động nhỏ. Và, hành động đứng đón, chào học trò khi các em đến trường hay lúc ra về cũng chỉ là một hành vi nhỏ của thầy hiệu trưởng nhưng chắc chắn sẽ là bài học lớn cho bao con người. Bởi, chỉ cần một lời chào hỏi nhau cũng đủ xóa tan đi hết mọi muộn phiền, mệt nhọc.
Những người thầy đi “bắt” học trò đi học
Mỗi lần các thầy cô Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong, xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai vào vận động học sinh đến trường còn phải cho phụ huynh quà để “lấy lòng” mới thấy giáo dục vùng cao của chúng ta còn nhiều gian khó bởi nhiều phụ huynh cả đời chỉ sống quanh nương rẫy.
Người thầy đi “bắt” học trò đi học (Ảnh minh họa: congan.com.vn). |
Vì thế, nhiều em nhỏ nơi đây sống trong rừng quen với tự do nên khi thấy thầy cô vào vận động và đón đi học thì có em vội đi trốn, thậm chí leo lên cây cố thủ hoặc trốn lên rừng…
Vậy mà các thầy cô trong nhà trường đã đưa được hơn 400 học sinh về trường để nuôi dạy hàng ngày. Tập cho các em những thói quen trong sinh hoạt và giáo dục các em nhiều kĩ năng sống để các em hòa nhập và tiến bộ.
Hình ảnh thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng cùng các giáo viên tiểu học Đắk Roong đang tận tụy với công việc giảng dạy của mình đã cho ta thấy được những tình cảm cao cả của những người thầy đang ngày đêm bám trường, bám lớp.
Phải nói rằng khi xem những hình ảnh này, chúng ta cảm nhận được sự phi thường của các thầy, cô giáo ở các vùng sâu, vùng xa.
Trong khi màn đêm núi rừng đang yên giấc thì các thầy cô đã lên đường đón học sinh trở lại trường sau 2 ngày nghỉ cuối tuần. Những con đường mòn ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, những chiếc xe máy ròn rã kêu vang trong đêm khi lên dốc hay trượt xuống bùn sình khiến chúng ta thực sự nhói lòng.
Người thầy, “người cha” của cậu bé tí hon Đinh Văn K'Rể
Hình ảnh thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương và những thầy cô của Trường tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đẹp lung linh như câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Không phải máu mủ, ruột rà nhưng khi đảm nhận thiên chức của những người thầy thì các thầy cô mà đặc biệt là thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã thực sự là những “ông phật” sống giữa thời hiện đại.
Thầy Đặng Văn Cương cùng cậu bé tí hon Đinh Văn K'Rể (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn). |
Bởi, cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể - người dân tộc Hơ rê, khi sinh ra đã mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). Năm nay K'Rể 9 tuổi nhưng em chỉ cao vỏn vẹn 58 cm và nặng 3,9 kg.
Với hình dáng và thể trạng như vậy mà thầy hiệu trưởng cùng hội đồng sư phạm đã đón em về để dạy dỗ, nâng bước em như những người cha, người mẹ mới thấy một nghị lực phi thường của thầy cô nơi đây.
Có lẽ, chúng ta thương cho em Đinh Văn K'Rể một thì cảm phục các thầy cô ở mái trường này gấp mười phần. Bởi, chính thầy cô không chỉ dang tay đón các em vào lòng mà còn nâng bước một em học sinh, một cuộc đời của một con người.
Hình ảnh thầy cô trường Sơn Ba đã có tác động sâu rộng đến hình ảnh người thầy đang trực tiếp làm công việc trồng người.
Những người thầy trong Series phim tài liệu đặc biệt của kênh VTV7: Thầy cô chúng ta đã thay đổi
Nhân dịp ngày 20/11, kênh truyền hình VTV7 đã phát 8 tập phim về 8 giáo viên đã chấp nhận thử thách để thay đổi chính bản thân mình để có thể thay đổi lớp học mà mình giảng dạy.
8 thầy cô đã chấp nhận để đài truyền hình quay lại toàn bộ những sự việc đang diễn ra trong tiết học trên lớp, cùng tất cả các cung bậc cảm xúc khác nhau trong mỗi giờ dạy của thầy cô.
Mỗi câu chuyện của mỗi thầy cô là một bức tranh mang một ý nghĩa đích thực của những người làm nghề dạy học hiện nay.
Hình ảnh trong Series phim tài liệu đặc biệt của kênh VTV7: Thầy cô chúng ta đã thay đổi (Ảnh minh họa trên kênh VTV7). |
Khi xem các tập phát sóng của từng giáo viên đang chấp nhận làm nhân vật chính cho bộ phim tài liệu thì mỗi giáo viên trên cả nước có thể thấy được một phần nào của hình ảnh của mình ở trong đó.
Và, có lẽ ai cũng có thể tự rút ra một bài học cho riêng mình. Chỉ khi nào thầy cô chấp nhận thay đổi, chấp nhận làm mới mình thì những bài dạy mới có thể cuốn hút được học trò, làm cho học trò thích thú.
Năm cũ khép lại, có những việc mà ngành giáo dục đã làm được, có những việc chưa làm được. Nhưng, chúng ta tin năm mới 2018 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới và chúng ta lại tin, lại hi vọng vào sự đổi thay của đất nước, vào sự khởi sắc của ngành giáo dục.
Và, những thầy cô giáo lại tiếp tục viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đó là câu chuyện của yêu thương, của tình nhân ái mà các thầy cô đang dành cho học trò.