Lãnh đạo trường ĐH nêu các hạng mục cần ưu tiên khi ngân sách của GDĐH tăng

15/11/2023 06:41
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lãnh đạo trường ĐH đề xuất cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, thực hành,... phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học ở nước ta hiện mới chỉ đạt từ 0,25-0,27% GDP (giai đoạn 2018-2020, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo), con số này thấp hơn rất nhiều so với mức chi của các nước trong khu vực và thế giới. Yêu cầu nâng cao chất lượng trong bối cảnh nguồn tài chính hạn chế là một trong những thách thức lớn của giáo dục đại học hiện nay.

Tại Hội thảo Giáo dục 2023, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là điều cần thiết, tuy nhiên cần tính toán tăng ngân sách như thế nào cho hiệu quả. [1]

Tránh cơ chế xin-cho

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là cần thiết.

“Chi ngân sách nhà nước cần đảm bảo nguyên tắc phân bổ hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm theo cơ chế cạnh tranh dựa trên sứ mạng, gắn với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tránh cơ chế xin-cho như trước đây chúng ta đã từng làm”, lãnh đạo Trường Đại học Điện lực nhấn mạnh.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Ảnh: cea.vnu.edu.vn

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Ảnh: cea.vnu.edu.vn

Theo đó, thầy Đinh Văn Châu đề xuất, cần có khoản đầu tư xứng đáng để nâng cao cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình thực hành, thực tập và nghiên cứu của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh và đội ngũ giảng viên. Tránh để người học phải học tập, nghiên cứu trên những trang thiết bị đã lỗi thời, không có tính đổi mới theo yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp.

“Hiện nay, ngân sách chi đầu tư cho cơ sở vật chất chỉ mới tập trung xây dựng cơ bản như tăng cường diện tích phòng học, diện tích sử dụng để đáp ứng quy mô. Tuy nhiên, những đầu tư cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp cho đào tạo, nghiên cứu vẫn còn khá hạn chế”, thầy Đinh Văn Châu chia sẻ thực tế.

Ngoài ngân sách nhà nước, Phó giáo sư Đinh Văn Châu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế, việc đẩy mạnh xã hội hóa là điều cần thiết nhằm giảm bớt áp lực chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Thực tế, nhà nước ta cũng đã có nhiều chính sách để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục đại học, tuy nhiên việc triển khai vẫn gặp một số khó khăn và chưa thực sự tạo được hấp dẫn với các nhà đầu tư.

“Nhà nước cần có thêm các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trường học, đặc biệt đầu tư trang bị cơ sở vật chất hiện đại, thông qua các ưu đãi về thuế, tài chính với doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp gắn chặt với nhà trường”, thầy Đinh Văn Châu đề xuất.

Đề xuất chi ngân sách nhà nước theo kết quả đầu ra

Cũng cho rằng tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là việc làm cấp thiết, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội chia sẻ:

“Nhìn từ thực tế các nước trên thế giới và ở nước ta, nếu chỉ để các trường đại học tự đầu tư cơ sở vật chất cho mình thì không thể cập nhật đầy đủ các phòng thực hành hay phòng thí nghiệm hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo được. Mà chi phí của những hoạt động đầu tư này rất lớn, đặc biệt những ngành đào tạo gắn với công nghệ 4.0, công nghệ xanh,… vì vậy rất cần sự đầu tư, quan tâm từ nhà nước”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: HUST

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Ảnh: HUST

Về vấn đề nên tăng ngân sách vào đâu, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, nên ưu tiên đầu tư đặt hàng đào tạo những ngành nghề cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước nhưng hiện đang “kén” người học. Hiệu trưởng Trường Đại học dệt may Hà Nội nhấn mạnh thêm, các khoản chi nên tập trung chi theo kết quả đầu ra để nhằm nâng cao trách nhiệm của người học và nhà trường.

Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất (các phòng thí nghiệm, thực hành phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy và nghiên cứu) cho những cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt ở các trường đại học tự chủ.

Về cách thức đầu tư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp cho rằng, nên thực hiện đầu tư cho các trường nghiên cứu và ứng dụng theo sứ mệnh của từng đơn vị; trong đó ưu tiên những ngành nghề đang có nhu cầu lớn về nhân lực để phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, chính sách để chia sẻ nguồn tài nguyên (như trang thiết bị, phòng thí nghiệm,...) của các trường đại học với nhau. Điều này giúp khai thác, sử dụng tối ưu các nguồn lực hiện có, tránh lãng phí khi không sử dụng tối đa công suất.

“Thực tế, nhiều trường đại học, cao đẳng đang có những cơ sở, phòng thí nghiệm, phòng thực hành hiện đại. Nhưng hiện nay, nếu không chia sẻ những cơ sở vật chất đó với cơ sở đào tạo khác, thì mức sử dụng những phòng thí nghiệm, thực hành này sẽ không cao. Có khi 1 năm chỉ sử dụng được 20%, 30% hoặc dưới 50% so với công suất, như vậy sẽ rất lãng phí”, lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội chia sẻ.

Do đó, thầy Hiệp đề xuất, Luật sử dụng tài sản công cần có lối mở để các cơ sở giáo dục có thể khai thác hiệu quả những nguồn lực có sẵn, giúp đa dạng hóa nguồn thu, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/ong-nguyen-dac-vinh-neu-tang-ngan-sach-dau-tu-cho-gddh-thi-tang-vao-cai-gi-post239044.gd

Minh Chi