Vừa qua, tại Hội thảo Giáo dục 2023 với chủ đề “Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Nguyễn Đắc Vinh đề xuất rằng, cần tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên gấp đôi, chiếm khoảng 0,5% GDP (hiện nay ngân sách chi cho giáo dục đại học ở nước ta chiếm 0,25%-0,27% GDP).
Cụ thể, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học lên khoảng 0,5% thì mức chi chỉ tăng thêm khoảng 300 triệu đô, tức khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu tính 20% chi ngân sách cho giáo dục thì tổng ngân sách khoảng 350 nghìn tỷ đồng/năm. Tăng ngân sách chi cho giáo dục đại học về cơ bản chỉ là điều chỉnh cơ cấu đầu tư trong giáo dục và đào tạo. Ông Nguyễn Đắc Vinh đánh giá con số 7.000-8.000 tỷ đồng trong số 350.000 tỷ đồng không phải là quá lớn.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) bày tỏ, mức chi ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học tăng lên, chiếm khoảng 0,5% GDP như đề xuất của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là đúng đắn, cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.
Bởi, muốn giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, vì sự nghiệp trăm năm trồng người, việc đầu tư trọng điểm với nguồn ngân sách phù hợp là rất cần thiết, chúng ta không thể hô hào khẩu hiệu chung chung được.
Và trong ngân sách đầu tư chung cho giáo dục, rõ ràng đầu tư cho giáo dục đại học có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là bậc học đào tạo nhân lực lao động, sản xuất, nghiên cứu ở trình độ cao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Website Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế). |
Theo thầy Võ Thanh Tùng, đầu tư vào giáo dục đại học là con đường ngắn nhất giúp đất nước hội nhập quốc tế, chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, phải có những hội thảo về những vấn đề sâu để Nhà nước thấy rõ nên đầu tư cho giáo dục đại học theo hướng ra sao.
Theo thầy Võ Thanh Tùng, hiện nay, còn rất nhiều bất cập bởi sự đầu tư vào mỗi ngành nghề là không giống nhau.
“Chúng ta nói đến tự chủ đại học nhưng chưa bàn nhiều đến đầu tư cho giáo dục đại học, thiết nghĩ, cần phải xem lại vấn đề này, đặc biệt cần phải thấy rõ tự chủ không có nghĩa là các trường đại học phải lo hết mọi thứ, từ cơ sở vật chất đến chi thường xuyên, ...
Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cho mỗi ngành nghề cũng khác nhau. Vì vậy, cần có khảo sát cụ thể để tăng cường việc đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo, chuyển đổi số, các chính sách đào tạo nhân lực dành cho giảng viên và các chính sách hỗ trợ người học. Đó đều là những vấn đề bức thiết, cấp bách và còn vô số khó khăn hiện nay của giáo dục đại học nước nhà”, thầy Võ Thanh Tùng chia sẻ.
Cũng theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế), hệ thống những trường đại học đang đào tạo theo định hướng nghiên cứu, đào tạo khoa học cơ bản và công nghệ cần được quan tâm, đầu tư đúng mức với những chính sách cụ thể, rõ ràng. Bởi, khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ luôn là nền móng của mọi thể chế giáo dục và khoa học quốc gia.
Đặc biệt, hệ thống những ngành nghề mới cần có nhiều sự đầu tư về hạ tầng như công nghệ thông tin, bán dẫn, thiết kế vi mạch, truyền thông số, an ninh mạng… Đây là những ngành cần được chú trọng đầu tư phát triển bởi đó những ngành nghề mà cả trong nước và trên thế giới có nhu cầu nhân lực cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hóa đất nước.
Chính vì vậy, nếu tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học trước hết cần chú trọng đến những cơ sở đang có sứ mạng đào tạo các lĩnh vực trên.
Về phía nhà trường, một đơn vị đào tạo về các lĩnh vực khoa học cơ bản cùng một số ngành kỹ thuật, công nghệ, thầy Võ Thanh Tùng cho rằng, nhà trường rất cần thiết được đầu tư thêm vào cơ sở hạ tầng với những hệ thống phòng máy, phòng thí nghiệm, phòng thực hành hiện đại; có đủ những máy móc, thiết bị, hoá chất phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo những ngành nghề trọng điểm mà xã hội có nhu cầu cao như kiến trúc, công nghệ thông tin, báo chí truyền thông, thiết kế vi mạch, bán dẫn, …
Ngoài ra, việc phải có chính sách đãi ngộ, thu hút và giữ chân nhân tài cũng là vấn đề cấp bách; quá trình chuyển đổi số, xây dựng đại học số cũng cần được quan tâm đúng mức; các học bổng hỗ trợ sinh viên cũng là vấn đề cần chú trọng đầu tư.
“Việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là bài toán lớn, nó phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu tương lại gần và xa của Chính phủ. Vì vậy, trước khi thực hiện việc này, cần có khảo sát, điều tra xã hội học, có chuyên gia tư vấn, học hỏi mô hình từ những quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phù hợp với Việt Nam. Việc giám sát, kiểm tra của Quốc hội, chính quyền, nhân dân và báo chí cũng rất quan trọng để tránh lãng phí.
Không những vậy, cần xác định chiến lược và sách lược, chính sách dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, những vấn đề cấp bách cần làm ngay và các ngành mũi nhọn, trọng điểm để tiến hành đầu tư trước”, thầy Võ Thanh Tùng bày tỏ.
Cùng bàn về vấn đề trên, theo chủ tịch hội đồng của một trường đại học cho rằng, việc tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học là cần thiết nhằm thúc đẩy chất lượng cho giáo dục đại học. Do đó, nên tổ chức nghiên cứu thực trạng tại các cơ sở đào tạo để tập trung vào đầu tư những ngành mũi nhọn, đúng cái xã hội cần, để tránh lãng phí.
Theo quan điểm của vị này, ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học trước hết nên tăng cho việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua xây dựng hệ thống học liệu, bài giảng đầy đủ, đảm bảo. Bởi, hệ thống học liệu phục vụ cho công tác giảng dạy ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo, tuy nhiên, nhiều trường hiện nay có hệ thống học liệu rất “lèo tèo”.
Chúng ta hay nói nhiều về việc tăng cơ sở vật chất, thế nhưng, hiện nay, nhiều trường đại học đang đầu tư cơ sở vật chất rất dàn trải, chưa sát với nhu cầu, một số đơn vị mua về không dùng đến.
Mặt khác, vị này cũng cho rằng, việc tăng ngân sách đầu tư dành cho cán bộ, giảng viên cũng rất cần thiết, tất nhiên, không phải đầu tư đồng loạt mà chỉ nên dành cho những người có đóng góp lớn, những nhà khoa học giỏi, có các công trình lớn, …