Để được đứng lớp, giáo viên đang cần phải có những văn bằng, chứng chỉ gì?

22/08/2022 06:48
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau đây là bức tranh tổng thể về các loại văn bằng, chứng chỉ, giáo viên cần phải có trong quá trình giảng dạy, điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm,…

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo trên cả nước cần phải có các loại văn bằng, chứng chỉ gì để đáp ứng chuẩn trình độ, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới?

Bài viết dưới đây sẽ liệt kê các loại văn bằng, chứng chỉ cần thiết đối với từng trường hợp để giải đáp thắc mắc này.

Ảnh minh họa - Tác giả

Ảnh minh họa - Tác giả

Các bằng cấp mà giáo viên cần phải có

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên bao gồm:

“1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;…”

Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là một loại chứng chỉ được cấp cho những người có bằng tốt nghiệp đại học đã đạt trình độ chuẩn của nhà giáo thông qua khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Như vậy, từ ngày 01/7/2020, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc có bằng cao đẳng, đại học kèm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Những giáo viên ở bậc mầm non có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm, giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp trung học, cao đẳng sư phạm; giáo viên trung học cơ sở có bằng tốt nghiệp cao đẳng còn trong lộ trình nâng chuẩn phải học hoàn chỉnh và bổ sung bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học theo Luật Giáo dục để đạt chuẩn trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, giáo viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm phải trải qua quá trình học ở phổ thông đã được cấp bằng tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở (hiện nay là giấy chứng nhận), bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các chứng chỉ mà giáo viên cần phải có trong quá trình dạy học

Dưới đây là một số chứng chỉ mà giáo viên có thể cần phải có trong quá trình dạy học gồm:

Thứ nhất, chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ

Theo quy định mới trong các Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021, các yêu cầu về ngoại ngữ đã không còn bắt buộc phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành yêu cầu “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”. Đồng thời, yêu cầu về trình độ tin học đã trở thành “có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên hạng (…)”.

Tuy nhiên, tại đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên được thực hiện theo Thông tư 20/2018/TT-BGDĐT đối với giáo viên phổ thông vẫn phải đánh giá ở hai tiêu chí là: Tiêu chí 14 sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc và Tiêu chí 15 ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.

Công văn 4530/BGDĐT-NGCBQLGD hướng dẫn đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên còn yêu cầu giáo viên phải cung cấp minh chứng và tải minh chứng lên phần mềm Temis, mà minh chứng cho 2 tiêu chí biết sử dụng ngoại ngữ, tin học, một số nơi mặc định là các chứng chỉ Tin học, Ngoại ngữ.

Thực tế, hiện nay chưa thể bỏ các chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học trong đánh giá viên chức, tuyển dụng, bổ nhiệm giáo viên,…

Thứ hai, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp

Hiện nay, giáo viên các cấp phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tương ứng với các hạng theo quy định tại chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư 01-04 đối với giáo viên ở bậc học mầm non, phổ thông, yêu cầu giáo viên chỉ còn 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (trước đây mỗi hạng phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp) theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức yêu cầu “... Viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.”

Văn bản hợp nhất số: 26/VBHN-VPQH hợp nhất Luật Viên chức 2010 và Luật số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức tại Điều 33 cũng có quy định hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm: “…b) Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp;..”

Do đó, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là một chứng chỉ bắt buộc để được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp.

Thứ ba, chứng chỉ tích hợp Công nghệ và Tin học, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên

Theo các quyết định 2453, 2454, 2455/QĐ-BGDĐT, giáo viên các môn Công nghệ, Tin học ở tiểu học; giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học ở bậc trung học cơ sở phải bồi dưỡng để có chứng chỉ Tin học và Công nghệ; Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên để đủ “điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Công nghệ và Tin học; môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý” theo chương trình mới.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi thì giáo viên các môn học trên phải bồi dưỡng và phải đạt (được cấp chứng chỉ) mới đủ điều kiện đứng lớp giảng dạy các môn trên trong thời gian tới.

Về kinh phí, tùy theo các cơ sở chiêu sinh, mỗi nơi có giá niêm yết chiêu sinh khác nhau, có nơi 150.000 đồng/ tín chỉ, có nơi 200.000 đồng/ tín chỉ.[1]

Kinh phí chương trình bồi dưỡng giáo viên tích hợp nêu rõ:

“Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;

Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; Do người học tự đóng góp.”

Như vậy, kinh phí dành cho việc bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có 2 nguồn là từ ngân sách hoặc do người học tự đóng tiền học.

Thứ tư, chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên

Tại Điều 12 Thông tư số 19/2019/TT-BGDĐT, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên được quy định như sau: “Việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên thực hiện theo quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.”

Như vậy, cùng với các hình thức bồi dưỡng khác, hình thức bồi dưỡng thường xuyên được cấp chứng chỉ.

Cụ thể tại các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 được ghi nhận là mô đun tích lũy điểm để được cấp chứng chỉ.

Thứ năm, chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý

Giáo viên, đảng viên thuộc diện quy hoạch cán bộ quản lý hoặc để được bổ nhiệm chức vụ quản lý phải có thêm chứng chỉ bồi dưỡng cán bộ quản lý, giấy chứng nhận sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị,…

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải tham gia các lớp bồi dưỡng quốc phòng – an ninh (được cấp chứng chỉ), các khóa bồi dưỡng khác,…

Trên đây là bức tranh tổng thể về các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận mà giáo viên cần phải có trong quá trình giảng dạy, điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm,…

Người viết hy vọng trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo có những nghiên cứu để “tích hợp” các văn bằng, chứng chỉ để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm văn bằng, chứng chỉ cho giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/khi-nao-giao-vien-di-hoc-chung-chi-tich-hop-khong-phai-dong-tien-post228745.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam