Để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” có nên giảm chỉ tiêu đào tạo ĐH?

03/01/2024 09:39
Tiến sĩ Trần Thị Lan Thu và Thạc sĩ Phan Thị Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần đảm bảo cho chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” tại NQ 29 sớm trở thành hiện thực.

Sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, đất nước ta đã vượt qua giai đoạn thử thách gay go, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và đang có những bước đi vững vàng.

Bước sang thời kỳ mới, các văn kiện Đại hội Đảng nhiều khoá vừa qua cũng như Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đều khẳng định phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá để từng bước thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là hướng đi tất yếu

Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) nêu rõ: “... tạo nền tảng để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…”, “... rút ngắn quá trình công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa...”.

Nguồn lực con người đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Viễn Đông

Nguồn lực con người đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Ảnh minh hoạ: Trường Cao đẳng Viễn Đông

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi phải có nguồn lực. Đối với Việt Nam, cả hai loại nguồn lực tài chính và tài nguyên thiên nhiên đều hạn chế nên, theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đi trước, nguồn lực con người đương nhiên sẽ đóng vai trò quyết định.

So với các nước láng giềng, Việt Nam có lợi thế đông dân, lại đang ở thời kỳ “dân số vàng”. Tuy nhiên, nếu không được qua đào tạo thì dân đông sẽ là gánh nặng về dân số, còn nếu qua đào tạo chu đáo thì sẽ trở thành nguồn nhân lực đồng bộ, lành nghề tác động trực tiếp lên tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của toàn quốc gia.

Một đội ngũ nhân lực lành nghề và đồng bộ cũng tạo nên sức hấp dẫn to lớn để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt nam. Vì thế, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đã chỉ rõ: “...Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; phương hướng chung của lĩnh vực giáo dục và đào tạo là phát triển nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước...”.

Điều 17, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 cũng nêu “...Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển...Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục…”

Từ những định hướng như trên, Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo: “…Hình thành hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp…” và “…Hoàn thành mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…”.

Tuy nhiên thời điểm mốc năm 2020 để đạt mục tiêu này cho tới nay đã được điều chỉnh lại tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: “…Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; ...Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại…”.

Vì sao chúng ta đã không thể hoàn thành mục tiêu “đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020". Về vấn đề này có nhiều nguyên nhân.

Có nhiều nguyên nhân liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau nhưng xét về phương diện chuẩn bị nguồn lực con người thì ngành giáo dục và đào tạo phải chịu trách nhiệm chính do cho tới nay chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo ra nói chung còn chưa đạt chuẩn cũng như do cơ cấu đội ngũ nhân lực còn rất bất hợp lý, thiếu đồng bộ.

Kết quả là làm cho năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam bị thua kém nhiều lần so với thế giới và khu vực. Có thể thấy nhận xét đó qua Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2021 của Tổng Cục Thống kê: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (50,561 triệu) thì 73,9% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trung cấp, 3,6% cao đẳng và 11,7% đại học.

Để biện minh cho cơ cấu nhân lực quá dở như vậy có không ít nhà hoạch định chính sách vin vào lý do “thừa thầy, thiếu thợ” để đề xuất kéo tụt tiếp chỉ tiêu tuyển sinh đại học hàng năm, chứ không chịu thừa nhận để đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá với cơ cấu nhân lực như thế thì “thầy” vẫn rất thiếu, còn “thợ” lại càng thiếu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, cơ cấu nhân lực như vậy đương nhiên ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động trung bình cũng như GDP của Việt Nam, ngăn cản không cho Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào cuối thập niên này.

Có một số lý do dẫn tới tình trạng bất hợp lý đó :

Một là, không có sự phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở để đi vào trung cấp nghề (với thời gian đào tạo 1-2 năm, chủ yếu là dạy nghề) là lối đi vào “ngõ cụt” vì người học khi tốt nghiệp còn chưa đủ tuổi lao động.

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Ảnh minh hoạ: Phạm Linh

Hơn nữa, người học cũng không có hướng học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông), chưa nói tới học lên trình độ đại học . Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau trung học cơ sở người học đều cố đi vào trung học phổ thông (70-80%).

Hai là, theo luồng trung học phổ thông, nội dung của chương trình học trước đây cũng như hiện nay (Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành tại Thông tư số 32/2018TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo) còn chưa thật sự thể hiện đúng tính chất “định hướng nghề nghiệp“ như đã nêu ở phần mục tiêu của chương trình mà chỉ mang đặc trưng “phân ban hướng nghiệp”.

Do đó nếu sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông mà người học (phần đông) gia nhập ngay thị trường lao động thì họ sẽ gần như “trắng” về chuyên môn-kỹ thuật.

Chính nhận ra nguy cơ đó từ rất sớm mà chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; phấn đấu đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương” đã được khởi xướng từ năm 2013 tại Nghị quyết 29-NQ/TW, nhằm chủ động tăng nhanh lực lượng “nhân lực cơ bản”, tức là lao động có học vấn đạt cấp độ 3 của ISCED-2011 (trung học nghề) và tay nghề ở bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cũng như đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ cao đẳng đồng thời hạn chế tới mức tối đa tỉ lệ lao động không có chuyên môn-kỹ thuật. Tuy nhiên qua các số liệu điều tra đã đưa ra ở trên, có thể nhận thấy cho tới nay, chủ trương trên vẫn chưa đi được vào cuộc sống .

Bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Để đảm bảo cho chủ trương “Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông” tại Nghị quyết 29 sớm trở thành hiện thực, dựa trên kinh nghiệm của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên khẩn trương bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những ý tưởng chính như sau:

Thứ nhất, chấp nhận vẫn có phân hệ giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chương trình dạy nghề đang có (theo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đều thuộc bậc Giáo dục nghề nghiệp).

Thứ hai, bổ sung luồng trung học hướng nghiệp vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian đào tạo 3 năm, chấp nhận phần nội dung bắt buộc của Chương trình trung học phổ thông 2018 (6 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - an ninh), do các trường trung học phổ thông thực hiện.

Thứ ba, bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn. Phần nội dung tự chọn này cũng do các trường trung học phổ thông chịu trách nhiệm tổ chức, trên cơ sở phối hợp với các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp sản xuất cùng thực hiện.

Thứ tư, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi thi tốt nghiệp chỉ phải thi 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán). Bằng trung cấp (nghề) có thể thay cho 2 môn thi tự chọn (cũng tương tự như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến cho phép học sinh được lấy chứng chỉ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để thay cho kết quả môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).

Thứ năm, học sinh học luồng trung học phổ thông được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; học luồng trung học hướng nghiệp được cấp bằng trung học phổ thông hướng nghiệp (theo các nghề khác nhau). Cả hai loại bằng này đều có giá trị học vấn ngang nhau nên người học đều được quyền liên thông lên cao đẳng và đại học (theo các ngành đào tạo phù hợp) mà không cần phải học thêm bất cứ nội dung bổ sung nào.

Riêng học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi tốt nghiệp được công nhận đạt chuẩn đầu ra của bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được quyền hành nghề phù hợp.

Ngoài ra cần phục hồi lại hệ cao đẳng chuyên nghiệp (đào tạo kỹ thuật viên) thuộc bậc giáo dục đại học để dạy trong các trường đại học định hướng ứng dụng do cho tới nay các trường cao đẳng vẫn chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo loại nhân lực này.

Nhà nước nên kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông cấm chợ”: nếu các trường nghề hiện được quyền triển khai dạy khối kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì các trường trung học phổ thông cũng được quyền dạy các chương trình trung cấp, nếu bảo đảm đủ điều kiện quy định; các trường đại học cũng phải được đào tạo các chương trình cao đẳng.

Nếu như kiến nghị này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận thì sẽ mở ra cơ hội vô cùng to lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục – đào tạo, sẽ huy động được thêm hơn 2400 trường trung học phổ thông và gần 1000 trung tâm giáo dục - dạy nghề mới thành lập (theo chủ trương sắp xếp lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề cấp huyện) nhằm khắc phục “lỗ hổng” về nguồn “nhân lực cơ bản” và lực lượng kỹ thuật viên trong đội ngũ lao động nước ta hiện nay.

Chủ trương định hướng nghề nghiệp ở bậc trung học phổ thông đã được khẳng định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên không phải qua thủ tục trình xin ý kiến Quốc Hội. Việc phê duyệt bổ sung các môn học tự chọn trong Chương trình này cũng chỉ thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là giải pháp hoàn toàn khả thi trong điều kiện hiện nay.

Tiến sĩ Trần Thị Lan Thu và Thạc sĩ Phan Thị Ngọc Mai