Để Lịch sử không là "nỗi sợ" của học sinh, chương trình phải thật tinh gọn

26/07/2022 07:00
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Lê Đình Hiển, nếu muốn môn Lịch sử không còn là “nỗi sợ” của nhiều học sinh thì việc tinh gọn chương trình, giảm tải kiến thức là rất cần thiết.

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch 770 /KH- BGDĐT về việc thực hiện môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2022-2023.

Theo đó, Bộ xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp trung học phổ thông phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy cho tất cả học sinh thay vì là môn lựa chọn như kế hoạch trước đó.

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, việc đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc là cần thiết với một môn học có vị thế đặc biệt.

Tuy nhiên, thầy Lê Đình Hiển cũng bày tỏ lo ngại việc sửa chương trình môn Lịch sử bao gồm cả xây dựng lại chương trình, thẩm định tài liệu, tập huấn giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà trên cả nước trong khi phải chuẩn bị nhiều điều kiện khác cho chương trình giáo dục phổ thông mới có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Đông Bắc Ga (Thanh Hóa). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Theo tôi, trong thời gian tới, những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, văn bản hướng dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu kỹ lưỡng và lắng nghe phản hồi của dư luận", vị giáo viên này chia sẻ.

Phân tích thêm về chương trình môn Lịch sử khi điều chỉnh, thầy Hiển cho biết, nếu mỗi năm, học sinh trung học phổ thông học 52 tiết học bắt buộc, tức là trung bình mỗi tuần có khoảng 1,5 tiết.

Ngoài ra, học sinh có nguyện vọng học nâng cao được học thêm 35 tiết chuyên đề. Như vậy, với 52 tiết bắt buộc cùng 35 tiết chuyên đề thì những em thực sự có năng lực học bộ môn này sẽ có 87 tiết.

Thầy Lê Đình Hiển cho rằng, vấn đề ở đây không phải là học sinh học nhiều tiết học hơn mà là các em sẽ được học và biết về lịch sử nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu muốn môn Lịch sử không còn là “nỗi sợ” của nhiều học sinh thì việc tinh gọn chương trình, giảm tải kiến thức là rất cần thiết.

“Đối với lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên đặt nặng kiến thức mà chỉ cần truyền đạt cho các em hiểu những nội dung căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Còn những học sinh chọn thêm 35 tiết chuyên đề, đây là những học sinh có năng lực học tập với nhu cầu tìm hiểu thông tin cao hơn, các em có niềm yêu thích, say mê nên mới chọn học Lịch sử nâng cao. Để đáp ứng được nhu cầu học tập của các em, với 35 tiết chuyên đề giáo viên không thể cung cấp kiến thức thụ động theo kiểu truyền thống đọc, chép mà nên đan cài các hoạt động trải nghiệm, tham quan, làm việc nhóm, thuyết trình... nhằm tăng hứng thú cho học sinh", giáo viên này nêu quan điểm.

Cũng chia sẻ về vấn đề trên, thầy Đặng Văn Nam - giáo viên dạy môn Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông Thái Nguyên (Thái Nguyên) cho hay: "Theo tôi, thời lượng chương trình môn Lịch sử vẫn còn khá dài và cần phải điều chỉnh để phù hợp với tình hình dạy học thực tế.

Hiện nay, kiến thức lịch sử ở cả 3 bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo đều nặng, nặng cho cả người học lẫn người dạy. Ví dụ ở ngay chương đầu tiên về lý luận sử học, phần nội dung này phù hợp dạy các sinh viên chuyên ngành lịch sử hơn là học sinh cấp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá làm sao để tiếp cận năng lực học sinh cũng là vấn đề các thầy cô cần lưu tâm.

Trước đây, giáo viên thường ra đề kiểm tra, cho học sinh làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, cuối kỳ. Nhưng bây giờ, các thầy cô cần chủ động tìm những cách làm mới, phù hợp với đối tượng học sinh của mình, có thể là hỏi đáp, chấm điểm qua thuyết trình, quan sát từ những sản phẩm của học sinh, cho các em làm bài tập nhóm và đánh giá…"

Còn khoảng hơn một tháng nữa năm học mới sẽ bắt đầu, thầy Nam hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc để các trường phổ thông xây dựng kế hoạch dạy học.

Theo thầy Nam, Bộ cũng nên thường xuyên kết nối, khảo sát ý kiến của các giáo viên dạy Lịch sử ở cấp trung học phổ thông để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế, thông qua đó có những điều chỉnh phù hợp.

Trong khi đó, Thầy Trương Tuấn Nam - giáo viên dạy Lịch sử tại Trường Trung học phổ thông Thạch Thành 1 (Thanh Hóa) nêu quan điểm: "Việc đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc tại cấp trung học phổ thông là đặt đúng vị thế, đánh giá đúng thực chất vai trò của môn học này.

Theo tôi, tiến tới môn Lịch sử nên là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các ra đề thi phải thay đổi. Môn Lịch sử vẫn thi dưới hình thức trắc nghiệm, mức độ phân hóa đề vừa phải, hỏi đúng và trúng kiến thức, không nên đưa các đáp án nhiễu để "đánh lừa" thí sinh".

Thiên Nhi