Lý do cần phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp và chưa thể "trả về" cho địa phương

04/07/2023 06:40
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần phải có giải pháp công nghệ để kiểm soát công nghệ, nhưng xa hơn, đúng bản chất giáo dục hơn là phải kiểm soát từ nhận thức.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa kết thúc, cũng để lại những cảm xúc với mọi người như mọi năm. Toàn ngành giáo dục cũng đã nỗ lực cùng với các bên có liên quan, để tổ chức kì thi chung được an toàn.

Mặc dù vậy, vẫn còn “lợn cợn” những hiện tượng vi phạm quy chế thi, lợi dụng công nghệ để gian lận hay vấn đề chất lượng đề thi cũng được bàn tán. Có lẽ khó có thể “tròn trịa” đối với một kì thi quy mô toàn quốc như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Xuất phát từ những hiện tượng “lặp đi lặp lại” sau nhiều năm như “tỉ lệ tốt nghiệp 100%” hay “lộ đề thi”… nên một số người vẫn đặt lại câu hỏi dù không mới đó là “có nên giữ kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không?” và “có nên “trả về” cho địa phương tự tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không?

Nên như thế nào là hợp lí nhất và “hội nhập” ra sao với thế giới đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì quả là câu hỏi khó.

Bởi vì ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển nhưng có nước vẫn giữ kì thi chung (như Anh, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc…) và có quốc gia giao cho địa phương (như Hoa Kì, Nhật, Úc…).

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Ảnh minh họa: Ngọc Mai

Nếu căn cứ vào Điều 34 của Luật Giáo dục (Luật số 43/2019/QH14): “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Như vậy, rõ ràng trước mắt kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn phải tồn tại. Vì Luật Giáo dục cũng mới ban hành, lúc bấy giờ cũng đã bàn thảo kĩ, nên nếu có thay đổi cũng phải chờ sửa đổi ở lần sau.

Căn cứ vào Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương thì “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Theo đó, rõ ràng kì thi này vẫn phải thực hiện để “công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông”.

Vấn đề là làm thế nào để “giảm áp lực, tốn kém và đảm bảo tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực” mà thôi.

Đối với kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông có nên “trả về” cho các địa phương tự lo như trước đây hay không cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Quay lại với mục tiêu của kì thi tốt nghiệp phổ thông trước kia (từ năm 2014 trở về trước) thì đó là một kì thi hoàn toàn không “làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” mà chỉ phục vụ cho xét công nhận tốt nghiệp, nên các địa phương tổ chức độc lập, không nhiều áp lực.

Khi đó kì thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng được tổ chức công phu, chất lượng chỉ để tuyển chọn người học có chất lượng, phù hợp với đặc điểm từng trường.

Ngày nay, một kì thi vì mục tiêu “giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” vừa để công nhận tốt nghiệp vừa một phần “làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, nên áp lực nhiều hơn và với tình hình thực tế như hiện nay, “trả về” cho địa phương là hoàn toàn không khả thi.

Về chất lượng đề thi, mặc dù vẫn còn có ý kiến băn khoăn, nhưng cơ bản cũng đã có nhiều cải tiến đáng kể trong những năm gần đây.

Hiện tượng tiêu cực mặc dù còn tồn tại và phức tạp khi có nhiều phương tiện, thiết bị hiện đại đã được sử dụng nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Vấn đề này rất khó xử lí dứt điểm ngay lập tức, nhất là việc dùng giáo viên kiểm soát công nghệ cũng không khả thi. Cần hướng tới đó là có giải pháp công nghệ để kiểm soát công nghệ, nhưng xa hơn, đúng bản chất giáo dục hơn là phải kiểm soát từ nhận thức.

Bản chất của giáo dục là vì sự mục tiêu phát triển bản thân, hướng đến chân – thiện – mĩ, chứ không phải là những chiêu trò gian lận, tiêu cực trong thi cử… và khi cộng đồng, xã hội cùng tham gia giám sát, lên án cái xấu, ủng hộ cái tốt thì mới dẹp bỏ được những hiện tượng như từ việc “ném bài thi qua tường rào”, “giấu tài liệu trong người” đến áp dụng “công nghệ, kĩ thuật cao”…

Khi mà trong phòng thi các giám thị được giao nhiệm vụ là cố kiểm soát tài liệu và thiết bị đủ kiểu, còn lực lượng bên ngoài vẫn tìm mọi cách để giúp con em mình gian lận thì gian lận trong thi cử vẫn khó mà trừ khử được.

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 là năm cuối cùng của một chương trình giáo dục phổ thông theo tiếp cận kiểu cũ, nên duy trì và ổn định như năm 2023 để không gây lo lắng cho thí sinh, phụ huynh.

Bắt đầu từ năm 2025 - năm đầu tiên áp dụng đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018, kì thi nên là một “bước ngoặt”, được nghiên cứu kĩ, công bố sớm và nên “ổn định” về phương thức tổ chức thi lâu dài, để công tác dạy – học – thi được đảm bảo.

Một là, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, do vậy cần loại bỏ ngay việc dạy và thi kiểu “cát cứ” môn chính và môn phụ như trước đây.

Cần thiết phải thiết kế đề thi theo hướng đánh giá năng lực. Việc này cần phải được đầu tư bài bản, chuẩn bị công phu ngay từ bây giờ và công bố sớm để mọi thứ được diễn ra đúng mục tiêu của chương trình.

Đồng thời “khép lại” một chặng đường 10 năm nghiên cứu, thay đổi, điều chỉnh theo từng năm trong bối cảnh giao thời giữa 2 hướng tiếp cận trong giáo dục phổ thông.

Thứ hai, cần nhất quán quan điểm về phân cấp quản lí nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung nghiên cứu ban hành hướng dẫn, xây dựng đề thi, lịch thi và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

Việc tổ chức dạy và thi là trách nhiệm của địa phương. Việc “giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh” vẫn phải do các địa phương chủ động thực hiện cho phù hợp với điều kiện của địa phương và chịu trách nhiệm với xã hội.

Điều này là hoàn toàn phù hợp với việc phân định nhiệm vụ được Luật Giáo dục khẳng định tại Điều 105.

Thứ ba, về việc ứng dụng công nghệ và kiểm soát gian lận bằng công nghệ trong thi cử là vấn đề cần phải được chủ động nghiên cứu và áp dụng.

Tuy nhiên, sẽ không bao giờ dừng lại nếu chúng ta vẫn chạy theo công nghệ mà xa rời mục tiêu, bản chất của giáo dục.

Cần phải kiên trì làm giáo dục từ mục tiêu, chứ không phải chỉ chạy đua theo thành tích hay thậm chí chỉ là việc cố giữ cho an toàn một kì thi.

Đổi mới giáo dục và đổi mới thi cử luôn cần thiết. Vấn đề là cái gì cần ổn định, cái gì cần phải thường xuyên đổi mới.

Có lẽ trong giai đoạn tới, một kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông chung và một đề chung là cần giữ ổn định, còn chất lượng đề thi thì được cải tiến hàng năm.

Việc này cần phải được chuyên nghiệp hóa, tiếp cận đúng bản chất của khoa học giáo dục; phải bắt đầu từ phân tích mục đích, nội dung chương trình phổ thông, cũng như phân tích tình hình thực tế giảng dạy trong cả nước của một thế hệ trong cả chu kì học tập để thiết kế đề thi và tuyệt đối không nên “ngẫu nhiên” lựa chọn “chuyên gia” và trông chờ vào sự khách quan và sự an toàn.

Xã hội luôn mong muốn chất lượng giáo dục quốc gia được cải thiện tốt hơn, nguồn lực lao động ngày càng mạnh hơn nên cũng cần cùng chung sức xây dựng nền giáo dục.

Giáo dục là một quá trình hoạt động có mục đích, có kế hoạch, có nội dung, có phương pháp được diễn ra trong một thời gian dài và việc kiểm tra đánh giá cũng cần phù hợp.

Chúng ta cần kiên trì bền bỉ làm giáo dục dựa trên nền tảng văn hóa và khoa học, đừng quá cảm xúc và nóng vội thay đổi một cách chủ quan.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hướng Sáng