Đề xuất GV công tác vùng khó khăn được hưởng 70% mức trợ cấp trong 5 năm đầu

26/04/2025 08:53
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Dù nhiều chính sách ưu đãi đã được triển khai nhưng việc thu hút giáo viên đến với các vùng khó khăn vẫn là một thách thức lớn với nhiều trường.

Trong bối cảnh nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số hay những khu vực có điều kiện khó khăn vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, việc ban hành các chính sách ưu đãi và thu hút đội ngũ nhà giáo đến công tác lâu dài tại những khu vực này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Không chỉ là lời giải cho bài toán nhân lực giáo dục, đây còn là bước đi chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách chất lượng dạy và học giữa các vùng miền trên cả nước.

Nguyên nhân nào khiến vùng khó thiếu giáo viên?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đắk Nang (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết: Hiện tại, nhà trường đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy và học tập.

Cụ thể, tổng số lượng giáo viên còn thiếu là 13 người. Tình trạng này không chỉ tạo áp lực lớn lên đội ngũ giáo viên hiện tại khi nhiều thầy cô phải kiêm nhiệm, dạy tăng tiết, mà còn ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh.

Trước thực trạng đó, Trường Trung học cơ sở Đắk Nang đã nhiều lần chủ động làm tờ trình, đề xuất bổ sung giáo viên gửi lên cấp trên để kịp thời giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, tất cả việc phân bổ, điều động, tuyển dụng giáo viên đều phụ thuộc vào quyết định của phòng/ban chuyên môn cấp huyện hoặc tỉnh nên đơn vị không thể tự chủ trong công tác nhân sự.

Theo chia sẻ của cô Vân Anh, việc thiếu giáo viên kéo dài khiến công tác sắp xếp thời khóa biểu trở nên chồng chéo, ảnh hưởng đến tiến độ học tập của học sinh, nhất là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi giáo viên phải đảm bảo dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh một cách toàn diện.

Thực tế hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương chứ không chỉ riêng tại tỉnh Đắk Nông. Khoảng hai năm trước, nhà trường từng được bố trí một số giáo viên biệt phái để hỗ trợ và giải quyết tạm thời bài toán thiếu hụt nhân sự. Tuy nhiên, sau khi hết thời gian biệt phái, các giáo viên buộc phải quay trở về trường cũ theo quy định nên hiện nay, nhà trường vẫn chưa tuyển được đủ giáo viên lấp vào khoảng trống đó.

Để tháo gỡ khó khăn trong việc thiếu hụt giáo viên, nhà trường đã phải ký hợp đồng với những giáo viên có trình độ thấp hơn yêu cầu quy định. Cụ thể theo yêu cầu tuyển dụng, giáo viên ứng tuyển phải có bằng đại học chính quy. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể tìm đủ giáo viên đạt yêu cầu này, nhà trường đã phải ký hợp đồng với giáo viên có trình độ cao đẳng.

Bên cạnh đó, Trường Trung học cơ sở Đắk Nang cũng phải tăng giờ dạy của giáo viên để đáp ứng khối lượng công việc. Ví dụ, nếu một giáo viên chỉ dạy 19 tiết/tuần thì sẽ kiêm nhiệm thêm các công việc khác, nâng tổng số giờ lên đến 25 tiết/tuần.

q.jpg
Thiếu giáo viên sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện cho học sinh. Ảnh minh họa: website nhà trường

Tương tự, tại Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu), thời gian vừa qua cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút, tuyển dụng giáo viên đến trường công tác.

Cô Phạm Phương Mai - Hiệu trưởng nhà trường cho biết vì huyện Côn Đảo là một địa bàn cách xa đất liền nên có nhiều giáo viên giữ tâm lý e ngại bởi khoảng cách địa lý xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn. Đồng thời, việc tìm chỗ ở ổn định lại càng khó hơn do chi phí sinh hoạt cao, đặc biệt là giá thuê nhà vốn rất đắt đỏ do đây là khu vực du lịch nổi tiếng.

Trước những bất cập đó, Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc đã rất nỗ lực, chủ động tìm kiếm nguồn giáo viên thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Khi đã kết nối được với ứng viên, nhà trường sẽ tư vấn và hỗ trợ toàn diện để giúp giáo viên yên tâm ra công tác tại Côn Đảo.

Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ thông tin về điều kiện làm việc, sinh hoạt tại địa phương, nhà trường còn hỗ trợ mua vé tàu, vé máy bay và khi giáo viên đến nhận nhiệm vụ, đơn vị sẽ bố trí chỗ ở tạm thời.

Bên cạnh đó, trường cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban Nhân dân huyện trong việc sắp xếp chỗ ở tập thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên ổn định cuộc sống ban đầu.

z6515658753435_d23d1c5a2a04fd03910102527c44ec3f.jpg
Vấn đề về chỗ ở chính là trở ngại khiến giáo viên e ngại đến dạy học tại những vùng khó. Ảnh minh họa: NVCC

Tuy nhiên, cô Mai cũng trăn trở rằng hiện nay, phần lớn giáo viên được tuyển dụng ra công tác tại Côn Đảo đều là giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm. Nguyên nhân là bởi những giáo viên đã có thâm niên, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy thường sẽ lựa chọn các trường ở đất liền, nơi có điều kiện làm việc và cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Theo đó, nhiều giáo viên mới đến công tác tại trường vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy.

Trước tình hình đó, nhà trường phải hỗ trợ giáo viên không chỉ về mặt tinh thần và vật chất, mà còn đặc biệt trong việc hỗ trợ chuyên môn để đảm bảo chất lượng giáo dục tại trường.

Hàng năm, nhà trường đều có gửi văn bản đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Côn Đảo để tham mưu mời lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, cũng như hiệu trưởng các trường trong tỉnh thành lập đoàn công tác chuyên môn đến hỗ trợ nhà trường.

Các đoàn này sẽ tổ chức các buổi hỗ trợ chuyên môn định kỳ 2 lần mỗi năm, giúp giáo viên nắm bắt những đổi mới trong giáo dục, đặc biệt là về công nghệ thông tin và phương pháp dạy học mới. Nhờ sự hỗ trợ này, chuyên môn của đội ngũ giáo viên nhà trường đã từng bước được cải thiện, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cũng theo chia sẻ của cô Mai, tại Côn Đảo, do thiếu hụt các doanh nghiệp lớn và mạnh thường quân, nguồn lực hỗ trợ cho nhà trường còn khá hạn chế. Theo đó, nhà trường chủ yếu nhận sự hỗ trợ từ Ủy ban Nhân dân huyện để cải thiện điều kiện dạy và học tại trường, nhưng do tình hình kinh tế của huyện còn gặp khó khăn, sự hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng đủ các nhu cầu cần thiết.

Ngoài ra, tình trạng hạn chế về số lượng nhà công vụ dành cho giáo viên cũng gây áp lực không nhỏ cho nhà trường trong việc bố trí nơi tạm trú cho giáo viên đến công tác tại đảo. Việc phải chi trả thêm một khoản chi phí lớn cho việc thuê nhà ở, đặc biệt tại địa bàn có chi phí sinh hoạt cao như Côn Đảo đã và đang trở thành gánh nặng đáng kể đối với đội ngũ nhà giáo. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống vật chất, mà còn tác động đến tâm lý, tinh thần và động lực làm việc của thầy cô.

Khi những nhu cầu thiết yếu chưa được đảm bảo, việc duy trì sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến và mong muốn gắn bó lâu dài với nghề sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Về lâu dài, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng luân chuyển giáo viên thường xuyên, ảnh hưởng đến chất lượng và tính ổn định trong công tác giảng dạy của nhà trường.

z6515620684495_0aa3f7fcea31beb1e599403da6cb8c49.jpg
Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (Côn Đảo) đặc biệt hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên để đảm bảo chất lượng giáo dục tại trường. Ảnh: NVCC

Việc tăng lương của giáo viên diễn ra rất chậm

Nghị quyết 51/NQ-CP của Chính phủ nhằm triển khai thực hiện Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thu hút, trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Đặc biệt, Nghị quyết yêu cầu ban hành và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các chính sách trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục.

Đánh giá về những chính sách dành cho giáo viên hiện nay, cô Nguyễn Thị Vân Anh cho biết tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút giáo viên về công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Đặc biệt, Nghị định 76/2019/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đặc biệt khó khăn quy định rõ giáo viên công tác tại các vùng miền núi được hưởng trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương cơ sở khi nhận công tác. Đây là một khoản hỗ trợ ban đầu giúp giáo viên có thêm thu nhập để duy trì cuộc sống nơi có nhiều thiếu thốn, vất vả.

H1.png
Hơn 90% học sinh tại Trường THCS Đắk Nang (Đắk Glong, Đắk Nông) là đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: website nhà trường

Tuy nhiên, theo cô Vân Anh, dù khoản phụ cấp này là cần thiết, nhưng chỉ có khả năng thu hút giáo viên trong giai đoạn đầu, khi điều kiện sống vẫn còn nhiều khó khăn. Trên thực tế, mặc dù đã hết giai đoạn hỗ trợ, các trường ở vùng sâu, vùng xa vẫn tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn.

Hiện nay, nhà trường có khoảng ⅓ số giáo viên đến từ các tỉnh khác. Hàng ngày, thầy cô phải di chuyển từ 30-50 km để đến trường giảng dạy. Việc di chuyển trong khoảng cách khá xa không chỉ tiêu tốn thời gian, chi phí mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần làm việc lâu dài của giáo viên, đặc biệt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

Khi có quá nhiều khoản chi phí phát sinh, mức lương cơ bản của giáo viên sẽ không đủ để nhà giáo trang trải cuộc sống. Vậy nên, cô Vân Anh cho rằng cần có sự điều chỉnh về chính sách thu hút giáo viên để đảm bảo có sự hỗ trợ lâu dài hơn. Chẳng hạn, có thể áp dụng trong 5 năm đầu, giáo viên được hưởng 70% mức trợ cấp, sau đó giảm dần tỷ lệ phần trăm hỗ trợ theo từng năm.

Bởi, không giống như trong khối doanh nghiệp, việc tăng lương của giáo viên hiện nay diễn ra rất chậm, mỗi lần tăng chỉ khoảng 700.000 đến 1 triệu đồng và phải sau 3 năm mới được điều chỉnh. Vậy nên, nếu chính sách thu hút ban đầu được điều chỉnh theo hướng giảm dần thì phần chênh lệch này có thể được bù đắp bằng mức lương tăng theo bậc của giáo viên.

“Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, chất lượng giáo dục khó có thể so sánh với những trường ở khu vực thuận lợi, nhất là khi phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số. Trên thực tế, giáo viên nơi đây không chỉ phụ trách dạy học mà còn phải kiêm luôn việc vận động học sinh đến trường. Vậy nên, Nhà nước cần quan tâm, xây dựng thêm các chính sách đãi ngộ, khuyến khích giáo viên công tác ở vùng khó để thầy cô có thêm động lực gắn bó với trường học.

Đối với Trường Trung học cơ sở Đắk Nang, nhà trường cũng đã nỗ lực hết sức để có thể đảm bảo điều kiện làm việc cho đội ngũ giảng viên. Theo đó, cơ sở vật chất của nhà trường đang từng bước được cải thiện, có đủ phòng học cho học sinh và 6 nhà công vụ cho giáo viên được sửa chữa từ phòng học cũ.

Tuy nhiên, số lượng nhà công vụ hiện nay chỉ đủ cho giáo viên hiện có của trường. Trong tương lai, nếu nhà trường tuyển được giáo viên thì số lượng phòng thực tế sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu”, cô Vân Anh trăn trở.

Trong khi đó, ông Lê Đại Thành - Phó trưởng Ban thường trực, Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông lại cho rằng: Hiện nay, các chính sách ưu đãi dành cho giáo viên công tác tại vùng sâu, vùng xa mới chỉ tập trung vào chế độ tiền lương, phụ cấp, trong khi các hình thức hỗ trợ khác vẫn chưa đa dạng, chưa thực sự toàn diện để giải quyết khó khăn thực tế của giáo viên vùng đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, giáo viên vùng khó hiện chưa được tạo điều kiện nhiều trong việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Việc tiếp cận các chương trình bồi dưỡng, đào tạo tại các trường đại học hoặc trung tâm chuyên môn còn gặp nhiều trở ngại do khoảng cách địa lý, điều kiện kinh tế và thiếu các chính sách hỗ trợ đi kèm.

Mặt khác, do chưa có chính sách hỗ trợ luân chuyển giáo viên sau một thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đã dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên chần chừ hoặc e ngại khi quyết định về vùng khó công tác lâu dài.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đắk Glong (Đắk Nông), hầu hết các trường tiểu học và trung học cơ sở vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên so với định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này thể hiện rõ qua việc các trường phải chi trả thêm tiền dạy ngoài giờ cho giáo viên và chủ động hợp đồng thêm giáo viên theo Nghị quyết 111 của Chính phủ.

z5595015865185-a5108d90670783b0ca9d025af5c25b14-4439.jpg
Ông Lê Đại Thành - Phó trưởng Ban thường trực, Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: NVCC

Theo đánh giá của ông Lê Đại Thành, tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy, đặc biệt là ở các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật – những môn học đòi hỏi chuyên môn riêng, không phải giáo viên nào cũng có thể kiêm nhiệm.

Hay môn Ngoại ngữ cũng là một trở ngại lớn khi nhiều trường chỉ có 1–2 giáo viên tiếng Anh nên không đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho toàn trường, dẫn đến việc gây áp lực lớn cho giáo viên và ảnh hưởng đến chất lượng dạy – học.

Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glong đã triển khai một số giải pháp nhằm khắc phục khó khăn. Trước hết là động viên giáo viên tăng cường dạy thêm giờ bên cạnh số tiết quy định để khắc phục tình trạng thiếu giáo giáo viên. Thứ hai, tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bổ sung biên chế hợp đồng theo diện Nghị quyết 111 để các trường chủ động tuyển thêm giáo viên phục vụ công tác giảng dạy.

Thứ ba, triển khai các trường tích cực tìm kiếm giáo viên để hợp đồng diện 111. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh sĩ số học sinh/lớp ở mức tối đa cho phép, nhằm hạn chế tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay.

Ngoài ra, Phó trưởng Ban thường trực, Ban tổ chức Huyện ủy Đắk Glong cũng cho rằng để nâng cao hiệu quả quản lý và phân bổ đội ngũ giáo viên, cần giao quyền quản lý biên chế ngành giáo dục về cho Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo. Khi đó, ngành giáo dục mới có thể chủ động trong việc điều chỉnh, luân chuyển giáo viên giữa các vùng thuận lợi và vùng khó khăn, đảm bảo phân bổ hợp lý, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như hiện nay.

“Khi Bộ, Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đóng vai trò đề xuất với Bộ Nội vụ dẫn đến sự bị động trong công tác quy hoạch, bố trí giáo viên thì với quyền quản lý biên chế, ngành giáo dục sẽ có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển sinh ngành sư phạm sát với nhu cầu thực tế – dựa trên dự báo số lượng học sinh tăng hàng năm”, ông Thành cho hay.

ĐÀO HIỀN