“Đến lúc nghĩ đến việc nhìn nhận tạp chí trong nước vươn ngang tầm quốc tế”

24/07/2021 05:20
An Nguyên (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước phấn đấu, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

LTS: Liên quan đến những thảo luận, góp ý đối với Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh – Giám đốc Đại học Huế.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Đầu tư để có tạp chí khoa học trong nước mang tầm quốc tế

Phóng viên:Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được ban hành?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Tôi không đặt vấn đề so sánh các Thông tư mà Bộ ban hành về đào tạo bậc tiến sĩ. Tôi quan tâm nhiều về bối cảnh tự chủ hiện nay của giáo dục đại học.

Là người quản lý, chúng tôi luôn đau đáu về chi thường xuyên và làm thế nào để nâng thu nhập của người lao động.

Chúng tôi có 10 cơ sở giáo dục đại học đào tạo bậc học tiến sĩ. Mấy năm qua, có một số ngành đào tạo tiến sĩ có xu hướng tăng nhưng cũng có nhiều ngành không tuyển sinh được.

Thực tế không phải do quy chế khó hay dễ mà sinh viên một số ngành ra trường có việc làm nên họ không học thạc sĩ và cả tiến sĩ.

Hơn nữa, mỗi lĩnh vực hay ngành đào tạo có đặc thù như khoa học chính trị, an ninh – quốc phòng hay một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Chúng tôi vẫn luôn luôn duy trì chất lượng thông qua việc bảo đảm người học có chất lượng cao; người thầy có chất lượng tốt; cơ sở giáo dục có đủ điều kiện và chương trình đào tạo được cập nhật thường xuyên và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tuy là, chúng tôi luôn tuân thủ theo quy chế chung của ngành nhưng cũng có những điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, đặc biệt như giai đoạn hiện nay trong tình hình dịch bệnh, ứng phó kịp thời.

Cốt lõi nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay chính là đội ngũ giảng viên hướng dẫn, gắn với nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: AN

Cốt lõi nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay chính là đội ngũ giảng viên hướng dẫn, gắn với nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học. Ảnh: AN

Phóng viên: Gần đây, có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề nghiên cứu sinh cần phải có bài báo ISI, Scopus hay không, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc nhìn nhận Tạp chí trong nước vươn lên để ngang hàng với Tạp chí quốc tế.

Chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt (đạt khung từ 0,75 điểm trở lên) sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Từ đó, việc nâng chất lượng một tạp chí khoa học phải được cụ thể hóa bằng chất lượng của từng nghiên cứu và từng bài báo, của hội đồng thẩm định tạp chí và quan trọng là trình độ của các tác giả có bài được công bố trên tạp chí.

Việc tạo điều kiện các nghiên cứu sinh công bố công trình nghiên cứu của họ trên những tạp chí trong nước có chất lượng cao thực là cần thiết.

So với việc chạy theo thành tích đăng báo quốc tế mà không thực chất, quy trình không có để ứng dụng cấu thành doanh thu của đơn vị hay chuyển giao doanh nghiệp có hiệu quả kinh tế xã hội.

Hiện nay, nước ta cũng có nhiều tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, có số DOI và Citation Index cao, thu hút nhiều công trình nghiên cứu cả nước ngoài tham gia và đã có tạp chí đã được công nhận trên thế giới xếp hạng vào các cơ sở dữ liệu WoS hay Scopus, cần phải lấy tiêu chí này để đánh giá chất lượng của tạp chí.

Tôi cho rằng, để tạp chí của Việt Nam ngang tầm với các tạp chí quốc tế đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà nước hỗ trợ tiếp tục và đầu tư ít nhất 1 cơ sở giáo dục đại học có đào tạo Tiến sĩ phải có 1 tạp chí ngang tầm quốc tế.

Cơ sở đào tạo quyết định chất lượng Tiến sĩ

Phóng viên: Theo nhiều ý kiến đánh giá thì quy chế mới có chuẩn thấp hơn so với các quy định về đào tạo Tiến sĩ trước đây như: việc tăng số lượng Nghiên cứu sinh được hướng dẫn hay quy định về chuẩn ngoại ngữ… Ông nhìn nhận về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Các vấn đề được nêu ở trên là liên quan trực tiếp đến chất lượng của đào tạo tiến sĩ.

Theo tôi, chất lượng của 1 người có bằng tiến sĩ phải tương ứng với năng lực thực tiễn và trình độ hiểu biết. Chịu trách nhiệm về chất lượng trong bối cảnh tự chủ đại học là do cơ sở đào tạo phải coi trọng và có chất lượng cao mới tồn tại được, do xã hội sàng lọc.

Chúng ta đang hướng đến cạnh tranh về chất lượng thực và phải phát huy nội lực. Khi được Nhà nước giao tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học phải coi chất lượng là hàng đầu để cạnh tranh.

Vậy bàn về các thước đo mang tính định lượng này là khó thật, vậy hãy để các cơ sở giáo dục đại học quyết định cho chính họ nhưng không được tự do.

Nhà nước đưa ra các chính sách chung và xã hội sẽ kiểm chứng. Chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực trình độ ngoại ngữ quốc gia là tốt và vẫn phải tiếp tục đầu tư để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nghiên cứu sinh.

Phóng viên: Thực tiễn việc đào tạo tiến sĩ tại Đại học Huế đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh: Chúng tôi đang đào tạo các bậc học khác nhau, không chấp nhận ai đó nhận xét mà thiếu cơ sở và minh chứng.

Chúng tôi luôn tự soi mình có bảo đảm chất lượng không? Công việc này phải được rà soát thường xuyên.

Cốt lõi nâng cao chất lượng trong đào tạo tiến sĩ hiện nay chính là đội ngũ giảng viên hướng dẫn, gắn với nhóm nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học (Đại học Huế có 35 nhóm và đang tiếp tục xem xét đủ điều kiện có 50 nhóm trong năm 2021).

Họ chính là người truyền cảm hứng cho nghiên cứu sinh với đạo đức nghề nghiệp và chuẩn mực khoa học. Chính họ cũng chịu trách nhiệm lớn nhất cho chất lượng của các tiến sĩ tốt nghiệp.

Về giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ thì Đại học Huế là một đại học định hướng nghiên cứu, do đó yếu tố nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học được coi trọng, trong đó đào tạo tiến sĩ được quan tâm của nhiều nhà khoa học.

Việc lựa chọn những người thầy giáo hướng dẫn tốt có khả năng tìm kiếm hay đấu thầu nguồn kinh phí để tổ chức các nghiên cứu là quan trọng hàng đầu, tiếp đó là lựa chọn những sinh viên tốt và có khát vọng về khoa học.

Phải xem nghiên cứu sinh là lực lượng nghiên cứu khoa học công nghệ quan trọng trong cơ sở giáo dục đại học.

Vì vậy cần có chính sách học bổng, hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh yên tâm hơn trong nghiên cứu; tạo môi trường nghiên cứu tốt;

Các nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học chính là giải quyết được nhưng vấn đề trên và để cứu sinh có nhiều điều kiện tiếp cận được trình độ quốc tế.

Nhóm nghiên cứu mạnh là tế bào nòng cốt của hoạt động đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo sau đại học với nghiên cứu;

Các cơ sở giáo dục đại học cần thu hút nhân tài, mời đội ngũ giáo sư ở các trường đại học trong và ngoài nước về làm việc với các nhóm nghiên cứu mạn;

Có tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới, gắn với các nhân tố mới của cuộc cách mạng khoa học công nghệ thời đại và khởi nghiệp, thay đổi các tư duy khoa học truyền thống sang các tư duy khoa học mới, đột phá;

Các chính sách phải có sự thống nhất, công bằng để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu trong bối cảnh tự chủ và tự quyết định đến chất lượng của mình, cũng như chịu trách nhiệm trước xã hội và người học.

An Nguyên (thực hiện)