Trước hàng loạt bất cập về đào tạo Tiến sĩ, gây bức xúc xã hội thời gian qua, Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Toán học (Đại học Paris 13, Pháp) Phạm Quốc Hưng, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu về Toán học của một Trường Đại học lớn ở miền Trung.
Đi học như đi làm
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2006, anh Phạm Quốc Hưng đi học thạc sĩ ở Pháp theo đề án 322 (ngân sách nhà nước). Hoàn thành khóa học Thạc sĩ chuyên nghành Toán cơ bản ở Trường Đại học Paris 13 (trụ sở tại thành phố Villetaneuse, Pháp) với tấm bằng hạng ưu, anh Hưng tiếp tục gửi hồ sơ xin học lên Tiến sĩ.
Nhiều bất cấp trong đào tạo Tiến sĩ đã gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
“Khác với chương trình đào tạo Tiến sĩ ở Việt Nam, ở Pháp không quá chú trọng đầu vào. Trường chỉ dựa vào bảng điểm cao học và thư giới thiệu của giáo sư rồi lấy từ trên xuống. Quá trình học cũng không có kiểm tra hay thi giữa kỳ. Quan trọng nhất là kết quả nghiên cứu” anh Hưng nói.
Tại các trường Đại học ở Châu Âu, ngay từ chương trình đào tạo thạc sĩ đã phân ra hai hướng rõ rệt đó là: thạc sĩ chuyên nghành (Master professionnel) và thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu (Master de recherche).
Có cơ sở đào tạo ra "tiến sĩ giấy", gây bức xúc xã hộiGDVN) - Nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, kết quả cho ra lò những “tiến sĩ giấy”, gây bức xúc trong xã hội. |
“Nếu theo chương trình thạc sĩ định hướng nghề nghiệp thì học xong sẽ đi làm ngay với mức lương cao. Còn thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu sẽ tiếp tục học lên tiến sĩ. Việc học của họ chỉ nhằm mục đích nghiên cứu để sau này ra làm việc trong các viện nghiên cứu và trường Đại học”.
Chương trình học Tiến sĩ của Pháp (ở các trường công lập) không có học phí mà toàn bộ số tiền để trang trãi cuộc sống của nghiên cứu sinh được Chính phủ Pháp cấp học bổng dưới dạng lương là 1.350 EURO/tháng. Trường hợp không xin được học bổng thì học viên phải tự túc về kinh phí, phải đi làm thêm.
Ngày mới vào, Trường sẽ ký một hợp đồng với nghiên cứu sinh. Quá trình nghiên cứu sinh đi học thì được tính như một người đang lao động bình thường, có đóng bảo hiểm. Tất nhiên, kết quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh thuộc sở hữu của nhà trường.
“Hàng ngày, tôi vẫn đến trường làm việc như một công chức bình thường. Có một giáo sư về toán hướng dẫn riêng. Người thầy này sẽ theo tôi trong suốt ba năm học” anh Hưng cho hay.
Chương trình đào tạo bắt buộc đến ba năm. Nếu sau ba năm mà nghiên cứu sinh chưa bảo vệ được luận án thì phải tự tìm nguồn kinh phí khác để nghiên cứu tiếp và bảo vệ. Hầu như nghiên cứu sinh nào cũng kéo dài đến năm thứ 4-5 mới xong luận án.
“Hồi đó, mình đi dạy Toán cho sinh viên các trường Đại học. Nhà trường cũng ưu ái cho nghiên cứu sinh để có tiền” anh Hưng cho biết.
“Thầy hướng dẫn là trường học lớn về kiến thức và nhân cách”
“Ở Trường họ không bắt buộc học môn gì, mình phải tự chủ động học, tự trang bị các kiến thức cơ sở. Còn không có khóa (lớp) nào cho nghiên cứu sinh học. Xung quanh trường có rất nhiều trường Đại học khác nên nghiên cứu sinh có thể đến nghe các môn liên quan đến chuyên nghành của mình” anh Hưng nói.
Nhà trường cũng có một quỹ kinh phí để nghiên cứu sinh đi tham dự các hội nghị, hội thảo hoặc các khóa học nâng cao, liên quan đến chuyên nghành.
"Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị"(GDVN) - Người đi làm thạc sĩ hay tiến sĩ của nước ta hầu như chỉ nhằm tiến thân vào chức vụ này nọ, không hề mong muốn có thêm kiến thức để làm việc tốt hơn. |
“Khi có một hội nghị nào đó quan trọng thì mình viết thư cho người quản trị Trường xin đi dự.
Nếu được chấp thuận thì Trường sẽ cấp kinh phí ăn, ở khách sạn cho học viên đi dự. Đó là cách họ tạo điều kiện cho mình tiếp cận tri thức” anh Hưng nói.
Cũng tại các hội nghị này mà học viên có thể giao lưu, trò chuyện với các giáo sư, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Góp phần quyết định khi cho “ra lò” một Tiến sĩ là người thầy hướng dẫn. Họ có sức ảnh hưởng rất lớn đến kết quả nghiên cứu cũng như nhân cách sống của học viên.
“Thầy hướng dẫn tôi là một giáo sư Toán học nổi tiếng của trường Đại học Paris 13. Ông rất tâm huyết và tận tụy, giúp đỡ nghiên cứu sinh. Mỗi khóa như vậy, ông chỉ nhận hướng dẫn cho 2-3 người” anh Hưng nói.
Trong suốt bốn năm học Pháp, anh đã được người thầy của mình nhiệt tình chỉ bảo. Ông còn quan tâm đến cả đời sống riêng của nghiên cứu sinh, giúp tìm việc làm thêm để có đủ kinh phí học tập.
“Thầy hướng dẫn là một Trường học lớn cả về kiến thức và nhân cách sống. Ông xem việc giúp đỡ nghiên cứu sinh là trách nhiệm, bổn phận của mình chứ không nghĩ đến chuyện tư lợi, đòi hỏi quà cáp này nọ” anh Hưng chia sẻ.
Phải đề cao tính phản biện trong từng đề án
Việc nghiên cứu sinh có được bảo vệ luận án hay không cũng tùy thuộc vào người thầy hướng dẫn. “Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển cho thầy hướng dẫn xem. Nếu thầy đồng ý thì mới được gửi ra hội đồng đánh giá. Họ rất coi trọng khâu ‘kiểm duyệt’ này vì bản luận án của mình cũng thể hiện uy tín của thầy” anh Hưng nói.
"Đào tạo tiến sĩ đang chạy theo số lượng, buông lỏng chất lượng"(GDVN) - “Năm 1976, Việt Nam lần đầu tiên đào tạo phó tiến sĩ trong nước. 6 năm sau đào tạo tiến sĩ trong nước. Khó khăn thế nhưng chất lượng rất tốt, không ai kêu ca". |
Việc thẩm định, phản biện luận án cũng trãi qua rất nhiều khâu, nhiều chuyên gia. “Luận án của tôi được gửi đến Hội đồng khoa học của Trường đánh giá. Trường đồng ý thì chuyển luận án này đến Hội đồng phản biện gồm nhiều chuyên gia bên ngoài trường đánh giá, phản biện”.
Khoảng hai tháng sau, Hội đồng này mới chuyển trả kết quả phản biện lại cho Hội đồng khoa học trường. Với kết quả nghiên cứu tốt, anh Hưng mới được chấp thuận ra bảo vệ trước một Hội đồng gồm: thầy hướng dẫn, các chuyên gia phản biện trong và ngoài trường.
“Khi đã ra bảo vệ luận án thì chỉ còn mang tính hình thức thôi. Vì bảng đánh giá của Hội đồng chuyên gia phản biện ngoài trường mới có tính quyết định. Hầu hết các thành viên trong hội đồng này đều là những giáo sư, nhà nghiên cứu đầu ngành” anh Hưng thông tin.
Cũng theo anh Hưng, đối với các Trường Đại học ở Châu Âu, vấn đề đạo văn là vi phạm đạo đức nghiêm trọng.
“Mặc dù tôi không rõ hình thức xử lý đạo văn như thế nào nhưng mỗi người đều tự ý thức được vấn đề này. Quan trọng nhất là luận án đã qua tay người hướng dẫn thì người thầy phải có trách nhiệm xem luận án có đạo văn hay không? Uy tín và năng lực của người thầy có thể giúp tránh được tình trạng đạo văn”.
Còn về tài liệu khoa học cơ bản thì không thể nói Việt Nam thiếu thốn được. Vì nước ta đã có Cục thông tin khoa học công nghệ quốc gia (mua bản quyền để truy cập các tạp chí khoa học) để các nghiên cứu sinh có thể truy cập, tham khảo.
Anh Hưng cũng cho rằng, việc phản biện luận án khoa học không nên chỉ giới hạn ở trong nước. Nghiên cứu sinh có thể viết bằng tiếng Anh và gửi ra các nhà khoa học ở nước ngoài để phản biện, đánh giá. Như vậy, chất lượng của các nghiên cứu sẽ tốt hơn.