Được thành lập vào năm 1995, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam. Trường có sứ mệnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho xã hội như nghiên cứu và phát triển các công nghệ, phương pháp và ứng dụng mới trong các lĩnh vực như học thuật, công nghệ, kinh doanh,...; góp phần vào sự phát triển và cải thiện xã hội thông qua các giải pháp như cung cấp nguồn nhân lực chất lượng.

Trường có trụ sở chính tại địa chỉ số 736 Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh; Cơ sở 1 tại địa chỉ số 28-30 Ngô Quyền, Phường 6, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện Tiến sĩ Trần Việt Anh là Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường.

Khóa 2017-2021 tốt nghiệp nhưng trường không thống kê tỷ lệ có việc làm sau 1 năm ra trường

Ngày 30/05/2024, đại diện Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam để làm rõ một số thông tin trong báo cáo 3 công khai của nhà trường.

Qua báo cáo công khai thông tin chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm học gần đây được trường đăng tải trên website cho thấy, 2 năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024, trường đều công khai về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường, tuy nhiên, năm học 2021-2022 lại không công khai thông tin về nội dung này.

1.jpg
1.1.jpg
Mục tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường không được Trường Đại học Hùng Vương thông tin trong báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022

Về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Bình – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Nhà trường bắt đầu tuyển sinh trở lại từ năm 2017, chính vì vậy đến năm 2021 mới bắt đầu có sinh viên tốt nghiệp".

Sau 5 năm bị đình chỉ tuyển sinh với lý do mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh mới được phép tuyển sinh bình thường trở lại với 6 ngành là Kế toán, Quản lý bệnh viện, Công nghệ sau thu hoạch, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh và Tài chính - ngân hàng. [1]

Tại Điều 7 về công khai đối với cơ sở giáo dục đại học theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu báo cáo công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế phải có tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 01 năm ra trường.

1.2.jpg
Các mục các cơ sở giáo dục đại học cần phải nêu trong mục b, biểu mẫu 18 theo quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT.

Tuy nhiên, theo cô Bình: "Năm 2021 cũng là năm vào thời điểm đại dịch COVID nên việc sinh viên của trường đi thực tập cũng gặp nhiều khó khăn, do đó, khóa đầu tiên được trường tuyển sinh trở lại này tốt nghiệp vào cuối tháng 10/2021. Vậy nên, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp của khóa này là vào tháng 10/2022.

Trong khi đó, tại khoản 2, Điều 9 về Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo của Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT có nêu rõ “Báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới cho cơ quan chỉ đạo, chủ trì tổ chức kiểm tra và cơ quan chủ quản (nếu có) trước 30 tháng 9 hằng năm”.

Như vậy, vào thời hạn phải đăng tải, báo cáo kết quả thực hiện báo cáo 3 công khai là trước 30/9, khóa sinh viên 2017-2021 của trường có thời gian tốt nghiệp chưa đủ 1 năm nên không có số liệu trên, và khi đủ thời gian tốt nghiệp lại quá hạn để báo cáo trong báo cáo 3 công khai nên nếu trường bổ sung cập nhật thông tin này sẽ không hợp lý”.

Tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nhưng quy mô đào tạo vẫn tăng

Báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế của Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy thông tin, quy mô đào tạo đại học chính quy của trường đang có xu hướng tăng trong 2 năm gần đây từ 1.666 người (năm học 2022-2023) lên 2.282 người (năm học 2023-2024).

Trong khi đó, qua thông tin đề án tuyển sinh năm 2023, 2024 cho thấy, những năm gần đây trường đều tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

1.3.jpg
Chỉ tiêu tuyển sinh và số nhập học của Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 năm gần đây do phóng viên tổng hợp.

Như vậy, qua bảng số liệu trên, năm 2021, trường tuyển sinh chỉ đạt khoảng 37% chỉ tiêu; tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 21% vào năm tuyển sinh 2022 và 32% vào năm tuyển sinh 2023.

Về vấn đề này, Thạc sỹ Nguyễn Thị Mai Bình thông tin: "Quy mô sinh viên bao gồm tất cả các sinh viên đang học tại trường nên sẽ bao gồm cả những sinh viên chưa đủ điều kiện xét tốt nghiệp, những sinh viên đang bị cảnh báo, … Vậy nên, dù trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nhưng lúc đó trường vẫn còn có số lượng sinh viên khá lớn đang học tại trường.

Hơn nữa, đối với khóa sinh viên 2017 - 2018 và khóa 2018 - 2019, trường tuyển sinh số lượng ít nên số lượng sinh viên tốt nghiệp tất nhiên sẽ ít hơn so với số lượng sinh viên tuyển mới của những năm tiếp theo. Điều này đã dẫn tới việc dù trường tuyển sinh không đủ chỉ tiêu nhưng vẫn có quy mô cao hơn so với những năm trước”.

Cũng tại báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế, phóng viên thấy rằng, năm học 2023 -2024, trường mới bắt đầu có quy mô của bậc thạc sỹ và hệ đại học vừa làm vừa học.

Untitled.png
Hai năm học trước trong báo cáo công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế của trường không thấy kê khai về quy mô của hệ thạc sỹ và hệ đại học vừa làm vừa học (Ảnh chụp màn hình).
2.3.jpg
Quy mô người học các hệ của trường từ năm học 2023-2024 mới bắt đầu công khai của hệ thạc sỹ và hệ đại học vừa làm vừa học (Ảnh chụp màn hình).

Trước thực tế trên, cô Mai Bình cho biết: “Hệ đào tạo trình độ thạc sỹ của Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo tuyển sinh từ năm 2020, tuy nhiên đến năm 2021 rơi vào dịch COVID nên trường không “dám” tuyển sinh. Do vậy, năm 2022 trường mới bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên.

Năm học 2022-2023, đối với hệ đào tạo thạc sỹ, trường có báo cáo công khai riêng, không nằm trong báo cáo chung với các hệ đào tạo khác. Đến năm 2023-2024, trường mới bắt đầu cho hệ đào tạo này vào báo cáo chung".

Thông tin thêm, Thạc sĩ Lý Long - Trưởng Phòng Khảo Thí và Quản lý Chất Lượng Trường Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: "Hiện nay không chỉ nhà trường mà nhiều cơ sở giáo dục đại học còn áp dụng thực hiện báo cáo công khai riêng cho từng ngành, từng hệ đào tạo. Vậy nên, không bắt buộc là hệ đào thạc sỹ của trường phải nằm trong báo cáo công khai chung với các hệ đào tạo khác, miễn sao là trường vẫn thực hiện công khai là được".

Đối với hệ đại học vừa làm vừa học, cô Mai Bình thông tin thêm: "Theo quy chế về đào tạo đại học hiện hành của nhà trường, đối với những sinh viên thuộc diện bị thôi học và những sinh viên không thể theo học hệ đại học chính quy có thể chuyển qua học hệ vừa làm vừa học.

Do đó, có một số sinh viên của trường phải chuyển qua học hệ đại học vừa làm vừa học. Chương trình học của các em vẫn được tổ chức học chung với sinh viên hệ đại học chính quy, chỉ khác là được kéo dài thời gian học tập tại trường hơn".

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://giaoduc.net.vn/sau-5-nam-bi-dinh-chi-truong-dai-hoc-hung-vuong-da-duoc-phep-tuyen-sinh-post174967.gd

Tường San