Đề xuất nhân viên trường học là nhà giáo

22/06/2024 07:05
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều ý kiến đề xuất nhân viên trường học cũng là nhà giáo để giảm bớt sự thiệt thòi cho họ.

Ngày 21/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo tham vấn về chính sách tuyển dụng, sử dụng và quản lý Nhà nước về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Đến tham dự hội thảo này có ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, nhóm chuyên gia biên soạn và lãnh đạo các trường trung học phổ thông, phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố.

Ngành giáo dục thành phố đóng góp hơn 60.000 ý kiến xây dựng Luật Nhà giáo

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Ngọc Thưởng – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đây là một hội thảo rất có ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm của ngành giáo dục thành phố đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, và cũng là trách nhiệm đối với đội ngũ của mình.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đây không chỉ là trách nhiệm đối với thầy cô giáo của Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là trách nhiệm của đội ngũ toàn ngành.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho hay, trong thời gian góp ý cho dự thảo của Luật Nhà giáo, ngành giáo dục thành phố đã đóng góp hơn 60.000 ý kiến đóng góp, thể hiện được ý thức, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh.

gdvn_hoithaoLuatnhagiaobcjpg.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo (ảnh: V.D)

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay, nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, quyết định cho chất lượng của nền giáo dục. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào, phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo.

Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo, chứ không phải để quản lý, để có thêm những ràng buộc, mà phải làm sao để nhà giáo phát triển được lực lượng, môi trường làm việc, chế độ chính sách.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đội ngũ nhà giáo cần phải được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cụ thể là việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cần có 5 nhà xây dựng, đó là: Nhà quản lý (Nhà hoạch định chính sách), nhà khoa học (chuyên gia), nhà đào tạo (cơ sở đào tạo giáo viên), nhà sử dụng (thầy cô hiệu trưởng của các trường), người thụ hưởng (học sinh, sinh viên).

Tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục đã thông tin về quá trình triển khai xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo (dự thảo lần 2) bao gồm 9 chương, 71 điều, được xây dựng dựa trên định hướng với 5 nguyên tắc cơ bản: Thể chế hóa quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục; Xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo; Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần của Nghị quyết số 29/NQ-TW để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng và phát triển con người Việt Nam hội nhập quốc tế.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức nói rằng, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm tạo sự bình đẳng, các cơ hội tiếp cận giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.

Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quản lý nhà giáo như hiện nay.

gdvn_hoithaoLuatnhagiao.jpg
Toàn cảnh hội thảo được tổ chức tại Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/6 (ảnh: V.D)

Dự thảo của luật đề xuất một số các chính sách nổi bật, bao gồm định danh nhà giáo gắn với đặc thù nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định về chế độ, chính sách đối với nhà giáo; Quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; Quy định về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; Quy định về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; Quy định về đào tạo, bồi dưỡng đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo; Quy định về quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong đó, quản lý nhà nước về nhà giáo là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong quá trình phát triển đội ngũ nhà giáo, từ lúc mới vào nghề, thăng tiến trong nghề nghiệp cho đến khi nhà giáo nghỉ hưu.

Nhân viên trường học có được công nhận chức danh nhà giáo không?

Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu tham dự đều thống nhất một quan điểm là phát triển đội ngũ nhà giáo phải được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục.

Đại diện các trường cho rằng, trong thời gian vừa qua, dù đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhưng đội ngũ nhà giáo vẫn còn nhiều bất cập cả về số lượng, cơ cấu và nhất là về chất lượng, hiệu quả công tác chưa đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của tiến trình đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.

Các đại biểu nêu rõ, vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên, nhiều nhà giáo thiếu động lực giảng dạy, chưa yên tâm công tác và cống hiến cho ngành giáo dục ở nhiều địa phương. Các chế độ và chính sách cho nhà giáo như lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ thu hút, sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo vẫn còn chưa tương xứng đối với vai trò, vị thế thực sự của nhà giáo.

Cô Lê Thanh Hương – Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Quận 1 đề xuất, điều chỉnh các quy định về quản lý nhà giáo theo hướng thống nhất quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo trong toàn hệ thống.

Đồng thời, cô Lê Thanh Hương đề nghị, cần tăng cường phân cấp, khẳng định vị thế, vai trò quản lý nhà nước của ngành giáo dục, chủ động điều tiết nhà giáo trên phạm vi từng tỉnh/toàn quốc theo như dự thảo của Luật Nhà giáo quy định tại các Điều 55,56,57 và 58.

Trong khi đó, nhiều giáo viên cũng đánh giá, hệ thống các văn bản quy định về chế độ chính sách đối với nhà giáo vẫn còn chưa đồng bộ, chưa rõ đối tượng, dẫn đến việc hiểu và áp dụng các chính sách dành cho nhà giáo vẫn còn có sự chưa nhất quán.

gdvn_hoithaoLuatnhagiaob.jpg
Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: V.D)

Song song đó, một vấn đề khác cũng được các nhà giáo quan tâm và đưa ra thảo luận tại hội thảo này, đó là lực lượng nhân viên trường học như nhân viên thư viện, văn thư, kế toán, giáo vụ…có được công nhận chức danh “nhà giáo” hay không?

Theo thầy Lê Văn Chương – Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, nhân viên trường học chính là lực lượng thầm lặng nhưng luôn thiệt thòi về các chế độ về lương, phụ cấp (gần như không có), thời gian làm việc, xét thi đua, khen thưởng.

Nhiều nhân viên trường học sau nhiều năm gắn bó với nghề, nay đã bỏ việc vì thu nhập không đủ sống, áp lực nhiều.

“Có nhân viên trường học công tác 20 năm, mức lương chỉ từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng, quá thấp so với mặt bằng chung. Nếu không có các nhân viên trường học, thì các cơ sở giáo dục không thể hoạt động, vận hành.

Do đó, thầy Lê Văn Chương đề nghị, trong dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung nhân viên trường học cũng là nhà giáo.

Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 3 nêu lên tại hội thảo, có một tình trạng là giáo viên tham gia tuyển dụng ở nhiều địa phương trong cùng lúc.

Ví dụ: Giáo viên có thể tham gia đăng ký tuyển dụng tại địa phương A, sau đó lại tiếp tục tham gia ứng tuyển ở địa phương B, có thể sẽ gây là xáo trộn, khó khăn trong công tác nhân sự.

Chính vì thế mà Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa đề nghị, giáo viên chỉ có thể tham gia tuyển dụng ở một địa phương. Ngành giáo dục cần được tự chủ trong việc sắp xếp, bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng giáo viên miễn sao thực hiện đầy đủ biên chế được giao.

Từ thực tế của bản thân mình, Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa nói rằng, cần làm sao thu hút được giáo viên giỏi nghề, có kinh nghiệm lên đảm nhận công việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Lý do là khi nhà giáo lên công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo thì sẽ bị cắt phụ cấp, thâm niên và cuối cùng là thu nhập bị giảm, nên cần có chính sách phù hợp để thu hút các thầy cô giỏi.

Cũng giống quan điểm nói trên, ông Trịnh Vĩnh Thanh – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp thông tin, một năm chỉ nên tuyển dụng từ 1 đến 2 lần, trước khi năm học bắt đầu và trước khi học kỳ 2 bắt đầu. Danh sách trúng tuyển sẽ được công bố cho toàn thành phố.

Như thế thì giáo viên đã trúng tuyển sẽ không được tham gia tuyển dụng ở những địa phương khác trong vòng 1 năm.

Trong Điều 31 của dự thảo Luật Nhà giáo, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Gò Vấp nói rằng, vấn đề thuyên chuyển công tác mới chỉ đề cập đến việc chuyển từ tỉnh, huyện này sang tỉnh khác được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh, nếu nhà giáo có nhu cầu thuyên chuyển sang cùng một quận, huyện thì sao. Do cùng một địa phương nhưng có thể khoảng cách địa lý rất xa, nên họ có nhu cầu thuyên chuyển công tác cho về gần nhà thì cũng nên tạo điều kiện.

“Vì thế tôi đề nghị bổ sung thêm điều này vào dự thảo của Luật Nhà giáo” – ông Trịnh Vĩnh Thanh nhấn mạnh.

Việt Dũng