Trường ĐH Văn Hiến đầu tư phòng thực hành hiện đại, mở 2 ngành mới về điện ảnh

01/07/2024 06:38
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Văn Hiến sẽ tuyển sinh thêm 2 ngành mới là Công nghệ điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.

Trong Đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Đại học Văn Hiến đã công bố thêm hai ngành đào tạo mới của Khoa Nghệ thuật là Công nghệ điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.

Ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình có 4 chuyên ngành là Sản xuất phim điện ảnh – truyền hình; Dựng phim; Thiết kế mỹ thuật điện ảnh, sân khấu; Công nghệ hoạt hình. Ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình có 2 chuyên ngành là Đạo diễn điện ảnh, truyền hình và Quay phim.

Đây là một hướng đi mới của Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến vì trước đó, khoa chỉ đào tạo ngành Piano và Thanh nhạc.

Mở thêm ngành điện ảnh để đón đầu xu thế

Trả lời Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến cho biết, năm 2015, Trường Đại học Văn Hiến là trường đại học ngoài công lập đầu tiên tuyển sinh và đào tạo ngành Piano và Thanh nhạc trên cả nước.

Từ những kinh nghiệm và thành công trong quá trình đào tạo trong suốt những năm vừa qua, năm 2024, Trường Đại học Văn Hiến đào tạo thêm ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình và ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.

448737760_905425571627236_3705795420049864209_n.jpg
Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư, Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến (Ảnh: NVCC)

“Sự phát triển của các nền tảng giải trí trực tuyến như Netflix, Youtube, Tik Tok khiến cho nhu cầu giải trí nghệ thuật của công chúng ngày càng nâng cao và đa dạng hơn. Không chỉ đơn thuần là nghe nhạc hay xem phim, khán giả giờ đây mong muốn có được những trải nghiệm nghệ thuật trọn vẹn, kết hợp cả âm thanh và hình ảnh, thỏa mãn cả thị giác lẫn thính giác.

Điều này dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật đa phương tiện, kết hợp nhiều yếu tố nghệ thuật khác nhau như âm nhạc, hình ảnh, ánh sáng, công nghệ... để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và ấn tượng cho người xem. Vì lẽ đó mà ngày càng có thêm nhiều “đất dụng võ” cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo, có hoài bão bước chân vào ngành giải trí, nghệ thuật” - thầy Huỳnh Hoàng Cư chia sẻ.

446917213_1212015720070370_4132080539509776086_n.jpg
Sinh viên và giảng viên Khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến trong chương trình biểu diễn báo cáo kết quả tốt nghiệp (Ảnh: NVCC)

Theo Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến, hai ngành đào tạo mới sẽ là lối đi mới cho những "tài năng" nghệ thuật thỏa sức sáng tạo và thể hiện tài năng của mình trong nhiều lĩnh vực như phim ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc… Sinh viên có hứng thú đặc biệt với việc nghiên cứu cách thức tạo ra những kỹ xảo, hiệu ứng chuyển kết hợp cùng âm thanh tạo ra sản phẩm sinh động, thỏa mãn thị hiếu công chúng nên theo học.

Đối với ngành học này, Trường Đại học Văn Hiến tạo điều kiện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp giúp sinh viên có được chuyên môn về kỹ thuật, sản xuất, hậu kỳ... khi bước vào môi trường làm việc thực tế. Điều này mở ra nhiều cơ hội làm việc lý tưởng và tương lai rộng mở cho các bạn trẻ chọn theo đuổi ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình.

Trang bị phòng thực hành hiện đại để đón sinh viên

Để mở thêm hai ngành đào tạo hoàn toàn mới, Khoa Nghệ thuật của Trường Đại học Văn Hiến đã chuẩn bị nhiều cả về giáo án, đội ngũ giảng viên đến trang thiết bị phục vụ các môn học.

Theo Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Cư, chương trình đào tạo ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình tại Trường Đại học Văn Hiến mang tính ứng dụng cao.

Với ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình, sinh viên sẽ được đào tạo về Tổng thể về sân khấu, điện ảnh, truyền hình; Các kỹ xảo làm phim nhiều thể loại, phong cách khác nhau; Thiết kế sân khấu 3D, hoạt hình, Cách dựng phim 3D; Thiết kế bìa, tạp chí dưới dạng 3D; Định luật xa gần và bối cảnh giúp hiểu về quy luật ánh sáng của hình ảnh…

Sinh viên ngành Đạo diễn điện ảnh, truyền hình sẽ được học nghiệp vụ chuyên môn trên các phần mới nhất của thế giới trong lĩnh vực này. Việc thường xuyên làm việc trực tiếp với các đạo diễn, nhà sản xuất phim trực tiếp giảng dạy sẽ cho các bạn những kinh nghiệm thực tiễn và chuyên sâu, có thể làm cộng tác viên cho các hãng phim là đối tác của trường.

Xuyên suốt quá trình học, đội ngũ thầy cô giảng viên giàu kinh nghiệm và các chuyên gia sẽ đồng hành cùng các bạn trong các kỳ thực tập, đồ án thực hành xử lý background, xử lý hòa âm, phát triển thương hiệu trên nền tảng số…

“Không giống các ngành học khác, giảng đường của ngành điện ảnh, truyền hình thường là các phim trường, đài truyền hình, xưởng phim. Điểm hấp dẫn khác chính là tất cả thao tác sẽ diễn ra trên máy quay 3D, máy tính, cả phần mềm hỗ trợ hiệu ứng 3D như 3Dmax, Maya, 4D studio…

Việc chú trọng đầu tư về hệ thống phòng thực hành với các máy tính có cấu hình cao, phù hợp với các phần mềm làm phim mới nhất cùng phòng studio ngay tại cơ sở trường sẽ là điều kiện rất tốt cho sinh viên vừa học tập, thực hành và tham gia trực tiếp những công đoạn của một nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng số, truyền hình và điện ảnh” - thầy Cư cho biết.

Có thu nhập tốt nếu vững chuyên môn

Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường Đại học Văn Hiến cho hay, với ngành học hấp dẫn được vận dụng rất nhiều trong thời đại 4.0 thì sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể đảm nhận các công việc như đạo diễn phim, chương trình tạp kĩ, sự kiện âm nhạc; chuyên gia thiết kế sân khấu, hoạt hình, trò chơi điện tử; nhân viên đài truyền hình, xưởng phim, cơ quan báo chí, truyền thông…

Sinh viên ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình và Đạo diễn điện ảnh, truyền hình có cơ hội tuyển dụng vào những công ty, tập đoàn giải trí lớn hàng đầu trong và ngoài nước cùng mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đạo diễn Tạ Đức Anh, người có 10 năm kinh nghiệm làm quay phim, đạo diễn hình ảnh cho các sản phẩm truyền thông, quảng cáo nhãn hàng cho biết sinh viên ngành điện ảnh, truyền hình không khó tìm việc.

Các bạn mới ra trường có xuất phát điểm ở mức lương 7-10 triệu/ tháng, sau đó có thể tăng thêm tùy thuộc vào kỹ năng và khối lượng công việc. Khi được bổ nhiệm vào vị trí quản lý sẽ đạt mức lương trên 1000 đô/tháng (tương đương 25 triệu đồng).

z5578562378628_69ca3bc1a5d2092389e1b1189e8319b1.jpg
Anh Đức Anh trong một buổi tác nghiệp (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang vô cùng phát triển, người làm nghề cần học hỏi không ngừng, nâng cao gu thẩm mỹ, biết những xu hướng mới trong ngành, những “trào lưu” thịnh hành nhất trong xã hội.

Anh Đức Anh chia sẻ: “AI đang gây áp lực lớn, yêu cầu về sự sáng tạo và chất lượng hình ảnh ngày càng cao, điều này yêu cầu nhân sự phải có trình độ, sử dụng thành thạo công nghệ và phải có sự đầu tư lớn cho trang thiết bị.

Bên cạnh chuyên môn cứng, sinh viên khi ra trường cần phải có kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm, vì người làm nghề này luôn làm việc theo nhóm chứ ít khi làm việc độc lập. Việc giao tiếp là rất cần thiết để cho ra sản phẩm như ý”.

448876884_873023604858892_4838679953611759751_n.jpg
Phía sau hậu trường một buổi quay (Ảnh: NVCC)

Anh Nguyễn Gia Nghĩa, giám đốc Youth Studio - một công ty truyền thông tư nhân chia sẻ thu nhập hiện tại của anh là từ 40 - 70 triệu đồng/ tháng. Dù vậy, người làm nghề phải có sức khỏe tốt và chịu được áp lực công việc.

“Nghề này đặc thù là kỹ thuật cao, nên kiến thức và kinh nghiệm là rất quan trọng. Yêu cầu phải có sức khỏe tốt thì mới có thể đáp ứng được nhiều dự án khác nhau, vì có khi phải dậy sớm quay cả ngày đến đêm.

Tôi lập công ty thì khó khăn nhất là tìm đối tác, áp lực từ lịch làm việc và yêu cầu của đối tác còn thu nhập thì nghề này không thấp” - anh Nghĩa tâm sự.

Trần Trang