Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên tiền thân là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 18/7/1966 của Hội đồng Chính phủ. Đến năm 1994, Chính phủ thành lập Đại học Thái Nguyên thì nhà trường trở thành cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên. Trường có chức năng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học, sau đại học cho các địa phương trong cả nước, đặc biệt là khu vực trung du, miền núi phía Bắc; bồi dưỡng chuẩn hoá và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các cấp; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn.
Theo thông tin ở website nhà trường cho thấy, sứ mệnh của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức - công nghệ phục vụ sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Trần Phương là Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Xuân Trường là Hiệu trưởng.
Ngày 31/5, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã ban hành đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024 trên trang thông tin điện tử của trường
Theo thông tin trong đề án tuyển sinh, năm nay, nhà trường sử dụng 7 phương thức xét tuyển, gồm:
Đối sánh với mẫu kê khai Đề án tuyển sinh tại Phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho thấy, đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên có đầy đủ các đề mục theo yêu cầu. Tuy nhiên vẫn còn 1 số thông tin chưa được kê khai đầy đủ.
Cụ thể, tại mục 7, phụ lục III, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng kê khai tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp. Trong đó có các đầu mục như: Lĩnh vực/ngành đào tạo; Trình độ đào tạo; Chỉ tiêu tuyển sinh, Số sinh viên trúng tuyển nhập học, Số sinh viên tốt nghiệp, Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm.
Tuy nhiên, thông tin về tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp tại đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên lại thiếu hoàn toàn các mục: Trình độ đào tạo; Chỉ tiêu tuyển sinh, Số sinh viên trúng tuyển nhập học.
Bảng kê khai cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm/tổng số sinh viên phản hồi của ngành Sư phạm Vật lý là thấp nhất, đạt 90.91%. Ngành Giáo dục Chính trị và Giáo dục Tiểu học lần lượt có tỉ lệ là 94.44% và 99.23%. Những ngành còn lại đều có tỷ lệ 100%.
Cũng trong đề án tuyển sinh của trường, tiểu mục 1.9 về danh mục ngành được phép đào tạo liệt kê 20 ngành đào tạo trình độ đại học. Tuy nhiên, thông tin về năm tuyển sinh và đào tạo gần nhất với năm tuyển sinh của 17 ngành đều là 2022.
Trong khi đó, vào năm 2023, nhà trường vẫn công bố tuyển sinh 17 ngành này, chỉ tiêu và điểm chuẩn của từng ngành đều đã được thống kê ngay trong đề án.
Trong năm 2022 và 2023, nhà trường thực hiện xét tuyển các phương thức: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông; xét tuyển thẳng theo quy định Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Điều 8); xét kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; xét kết quả đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (áp dụng từ năm 2023).
Tuy nhiên, bảng kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất được kê khai trong đề án tuyển sinh cho thấy, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên chỉ kê khai thông tin về chỉ tiêu, số nhập học, điểm trúng tuyển của từng ngành chứ không công bố điểm cụ thể của từng phương thức xét tuyển.
Bên cạnh đó, theo thông tin tại bảng thống kê điểm trúng tuyển của 2 năm gần nhất, căn cứ chỉ tiêu và số trúng tuyển cho thấy ở một số ngành của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên số thí sinh trúng tuyển nhập học cao hơn chỉ tiêu tuyển sinh.
Năm 2022 có 8/17 ngành có số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu. Năm 2023 có 10/17 ngành có số thí sinh nhập học cao hơn chỉ tiêu.
Ngoài ra, ngành Giáo dục học và ngành Tâm lý học giáo dục lại có số sinh viên nhập học ít hơn chỉ tiêu.
Cụ thể, năm 2022, ngành Giáo dục học tuyển 40 chỉ tiêu nhưng chỉ có 19 sinh viên nhập học, năm 2023 chỉ tiêu ngành này giảm xuống còn 30, tuy nhiên số sinh viên nhập học chỉ đạt 18 em.
Ngành Tâm lý học giáo dục tuyển được 11 sinh viên trong năm 2022 (40 chỉ tiêu) và tăng lên 29 sinh viên vào năm 2023 (30 chỉ tiêu)
Trong đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái nguyên, thông tin chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học cũng chưa đúng quy định theo mẫu tại Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
Tại Mẫu số 01, Phụ lục III về Tuyển sinh đào tạo vừa làm vừa học trong Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT có quy định mẫu về bảng kê khai chỉ tiêu tuyển sinh, gồm các đầu mục như: Trình độ đào tạo; Mã ngành xét tuyển; Tên ngành xét tuyển, Mã phương thức xét tuyển; Tên phương thức xét tuyển; Chỉ tiêu; Số văn bản đào tạo vừa học vừa làm; Ngày tháng năm ban hành văn bản; Cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc trường tự chủ ban hành; Năm bắt đầu đào tạo.
Thế nhưng đề án tuyển sinh của nhà trường chỉ có ngành, mã ngành, phương thức xét tuyển, chỉ tiêu (dự kiến). Tức là còn thiếu nhiều cột so với mẫu của Thông tư 08.
Về cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu, theo thông tin tại đề án tuyển sinh, tổng diện tích đất của trường là 15.8 hecta; số chỗ ở ký túc xá sinh viên là 3000 chỗ ở.
Ngoài tổng diện tích đất, Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT yêu cầu cơ sở đào tạo phải kê khai “diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy", tuy nhiên thông tin này không được kê khai trong đề án tuyển sinh 2024 của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên.
Tiêu chí 3.2 tại Tiêu chuẩn 3 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT Chuẩn cơ sở giáo dục đại học nêu rõ: “Diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2; ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.”
Về học phí, sinh viên các ngành sư phạm được hưởng hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/09/2020 của Chính phủ. Nhà trường sẽ cho sinh viên đăng ký được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP (có hướng dẫn và tổ chức cho sinh viên đăng ký ngay sau khi sinh viên nhập học).
Sinh viên các ngành không phải đào tạo giáo viên (ngành Giáo dục học và ngành Tâm lý học giáo dục) không thuộc diện hỗ trợ học phí tiền đóng học phí và sinh hoạt phí theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm học từ năm học 2024-2025 đến năm học 2026-2027 của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên như sau:
Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cũng kê khai danh sách giảng viên toàn thời gian và giảng viên thỉnh giảng của trường tại báo cáo điều kiện đảm bảo chất lượng.
Theo đó, số lượng giảng viên toàn thời gian của trường là 257 giảng viên, trong đó có 168 giảng viên trình độ tiến sĩ (1 giáo sư, 44 phó giáo sư), 84 giảng viên có trình độ thạc sĩ và 5 giảng viên có trình độ đại học.
Số lượng giảng viên thỉnh giảng của trường là 12 giảng viên, gồm 8 tiến sĩ (4 phó giáo sư) và 4 thạc sĩ.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 8, Mục 2 của Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ:
"Điều 8. Vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành;..."