Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) vừa ban hành các chính sách đẩy mạnh phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó có nhiều chính sách về lương, thưởng, phụ cấp cũng như hỗ trợ nhà ở cho các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc và xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh tại trường.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nghiêm Quý Hào - phụ trách Truyền thông và Quan hệ công chúng của trường cho biết: Các chính sách về nghiên cứu khoa học vừa được nhà trường công bố nhằm hướng tới sự phát triển khoa học công nghệ bền vững, thực chất và phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng, phường Tân Phong, Quận 7, Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường) |
Cụ thể, các nhóm nhân sự chất lượng cao nhà trường mong muốn thu hút bao gồm: các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các ngành phù hợp với nhu cầu về đào tạo của trường; chuyên gia, nhà khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên có khả năng nghiên cứu khoa học; nhóm nhân sự thực hiện công tác quản lý theo đề án vị trí việc làm của trường (bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý chuyên môn).
Ngoài thu nhập, các chế độ theo quy định hiện hành của trường, người thuộc đối tượng thu hút trên được hưởng thêm các chế độ về thu nhập, chính sách ưu đãi, chế độ phụ cấp. Cụ thể:
Các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học uy tín được ưu tiên xem xét bố trí phòng làm việc, hỗ trợ chỗ ở tại nhà công vụ của trường.
Bên cạnh mức thu nhập theo quy định thì mức phụ cấp thu hút tăng thêm được áp dụng lên đến 30 triệu đồng/tháng đối với giáo sư, 20 triệu đồng/tháng đối với phó giáo sư và 10 triệu đồng/tháng đối với tiến sĩ, được ap dụng liên tục trong 24 tháng kể từ ngày về công tác tại trường.
Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học là nghiên cứu viên, trợ lý nghiên cứu viên cơ hữu của trường được hưởng phụ cấp học hàm, học vị hàng tháng với mức 8 triệu đồng (giáo sư), 6 triệu đồng (phó giáo sư) và 3,5 triệu đồng (tiến sĩ).
Đặc biệt, trường có chính sách ưu đãi đối với các nhà khoa học có chỉ số trích dẫn cao lên tới 10 triệu đồng mỗi tháng.
Bảng tính phụ cấp trích dẫn theo số lượng trích dẫn (tính trên WoS). Số liệu nhà trường cung cấp. |
Đáng chú ý, các nhà khoa học là giảng viên có đăng ký nghiên cứu cũng được hưởng các mức ưu đãi lớn ngoài lương hàng tháng, với mức thù lao cho mỗi công bố khoa học lên tới 360 triệu đồng;
Cũng theo ông Nghiêm Quý Hào, hiện Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 2 tạp chí khoa học quốc tế bằng tiếng Anh, xuất bản toàn cầu bao gồm:
Tạp chí Thông tin và Viễn thông (Journal of Information and Telecommunication - JIT) của trường đã được liệt kê trong danh mục Emerging Sources Citation Index (ESCI) với chỉ số Impact Factor là 2.7 (Q2).
Tạp chí Công nghệ tiên tiến và Tính toán (Journal of Advanced Engineering and Computation - JAEC) đã được Hội đồng giáo sư ngành Cơ học đưa vào danh mục tạp chí được tính tối đa 1,0 điểm.
Ông Nghiêm Quý Hào - phụ trách Truyền thông và Quan hệ công chúng Trường Đại học Tôn Đức Thắng. (Ảnh: website nhà trường) |
Bên cạnh đó, trường đang triển khai hoạt động các nhóm nghiên cứu mạnh và đầu tư cho các phòng thí nghiệm chuyên sâu và trọng điểm tạo điều kiện cho sinh viên, nhà khoa học trong và ngoài nước đến học tập, làm việc và nghiên cứu.
Ngoài Trường Đại học Tôn Đức Thắng, hiện nay cũng có rất nhiều trường đại học đưa ra các mức đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh quy định giảng viên có trình độ giáo sư phải có hai bài báo quốc tế mỗi năm, phó giáo sư là 1,5 bài, tiến sĩ là một bài và thạc sĩ là hai năm một bài. Giảng viên có công bố khoa học vượt định mức này sẽ được thưởng 1.500 USD (hơn 36 triệu đồng) một bài.
Hay Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng thưởng tới 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế (áp dụng từ năm 2017).
Tương tự, cán bộ khoa học trẻ của Đại học Quốc gia Hà Nội (dưới 40 tuổi), có học vị tiến sĩ trở lên được hỗ trợ 50-100 triệu đồng một bài đăng nếu bài chưa nhận được tài trợ bởi đề tài, dự án nào (áp dụng từ năm 2022). Mức hỗ trợ thực tế cho một bài báo có thể cao hơn, phụ thuộc vào số lượng và vai trò của các tác giả bài báo.