Đi dạy 13 năm, tôi chưa hiểu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp để làm gì?

14/03/2021 06:48
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Đã được đào tạo trong ngành sư phạm ra mà lại còn cần đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp làm gì".

Câu chuyện yêu cầu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên đã gây nhiều tâm tư cho giáo viên. Cô Lê Hương Lan, giáo viên tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đi dạy đã hơn chục năm, vậy mà giờ còn phải đi học để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì quá vô lý”.

Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Quang, giáo viên tại Đà Nẵng cho biết: “Tôi hiện đang là giáo viên hạng II. Theo quy định mới ban hành của Bộ, nếu muốn giữ hạng và hưởng bậc lương mới có hiệu lực từ ngày 20/3, tôi phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Không phải "thăng hạng", mà chỉ đơn thuần là "giữ hạng".

Gần đây, đồng nghiệp của tôi rủ nhau đăng ký một lớp bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tại một trường đại học. Một khóa học theo hình thức E-Learning gồm 5 buổi học với giá 2.500.000 đồng.

Nhiều đồng nghiệp “rỉ tai” tôi về việc trong 5 buổi học này chỉ cần có mặt điểm danh 1-2 buổi và nộp tiền đủ là chứng chỉ về tay”.

Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Long Thành, Đồng Nai. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thu Hiền, giáo viên Trường Trung học cơ sở thị trấn Long Thành, Đồng Nai đã nêu quan điểm thẳng thắn về vấn đề này.

Có bằng đại học ở ngạch giáo viên trung học cơ sở hạng II, cô Hiền cho biết là chưa đi học và cũng không có ý định đi học lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II, mặc dù có thể hệ số lương mới của cô sẽ thấp hơn do chưa có “giấy phép con” này.

“Tôi vào nghề và đi dạy đến nay đã tròn 13 năm, cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của giáo viên chúng tôi dùng để làm gì.

Vấn đề về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, nhưng khi đó chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.

Vừa rồi, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư mới số 01, 02, 03 năm 2021 thì lại khác. Giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp hơn so với hệ số lương mới.

Do sợ bị ảnh hưởng đến công việc nên nhiều đồng nghiệp của tôi đã rủ nhau đi học các lớp bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp ở một số trường trên địa bàn tỉnh”, cô Hiền chia sẻ.

Với thời gian học rất ngắn, cô Hiền cho biết rằng không giúp ích được gì cho việc bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên:

“Đồng nghiệp của tôi có phản ánh lại rằng nếu đi học để bồi dưỡng về chuyên môn thì còn được, đằng này, kiến thức không liên quan gì đến chuyên môn hết.

Bản thân tôi nghĩ rằng, nếu nói là bồi dưỡng thì chỉ cần phát tài liệu cho giáo viên tự nghiên cứu ở nhà, nếu muốn kiểm tra đánh giá thì nhà nước tổ chức các lớp để giáo viên đăng ký trên tinh thần tự nguyện. Việc bỏ ra hơn 2 triệu để đi học một vài buổi, tiếp thu những kiến thức không liên quan đến chuyên môn như vậy theo tôi là quá lãng phí.

Việc học chứng chỉ này không phải nâng cao nghiệp vụ, mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư”, cô Hiền nhấn mạnh.

Học hay không học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là sự băn khoăn của hầu hết giáo viên lúc này. Bởi hơn ai hết, họ hiểu được giá trị thực của những chứng chỉ đó. Tuy nhiên, nếu không học thì liệu sẽ đi về đâu? Thế là giáo viên lại tiếp tục cuộc hành trình hoàn thiện những văn bằng, chứng chỉ mà không biết đến bao giờ mới dừng lại.

Theo cô Hiền, luật lệ đặt ra cũng phải dựa vào từ thực tiễn cuộc sống và phù hợp với từng chuyên ngành:

“Những người học ngành ngoài sư phạm, khi ra trường, họ làm nghề khác ngành học thì họ mới cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Ví dụ như học ngành triết học nhưng sau vào làm trong bảo tàng hay làm trong các khu di tích thì cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp liên quan đến bảo tàng, các khu di tích. Chúng tôi học sư phạm, ra trường là giáo viên đi dạy mà lại còn phải cần học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp à”, cô Hiền nhấn mạnh.

Cô Hiền cho rằng, với những sự bất cập trên, bên cạnh Luật Viên chức, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một luật riêng cho giáo viên giống như với công an và bộ đội.

“Tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ hẳn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vì nó gây tốn kém công sức và tiền bạc của giáo viên.

Để làm được điều đó, với những đặc thù riêng, viên chức ngành sư phạm không thể đánh đồng với viên chức những ngành khác trong khối sự nghiệp công lập được. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đề xuất có luật chuyên ngành cho giáo viên giống như với công an và bộ đội”.

Đình Hùng