Ngày 4/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp, Bộ Giáo dục cần tập trung vào việc xây dựng chính sách, hàng lang pháp lý, các chuẩn đầu ra để cơ sở chủ động thực hiện theo điều kiện, tình hình cụ thể.
Một số phương án đề xuất
Với những địa phương bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh Covid-19, người viết xin đề xuất một số phương án cho năm học mới sau đây.
Thứ nhất, nên dừng dạy học trực tuyến đối với học sinh lớp 1, lớp 2, bởi vừa mất nhiều thời gian, công sức cho phụ huynh vừa không hiệu quả. Các em chưa đọc thông viết thạo, chưa biết sử dụng các thiết bị công nghệ và không phải lúc nào phụ huynh cũng rảnh để đồng hành cùng con trong những tiết học online.
Phụ huynh chỉ cần dạy con em đọc thông, viết thạo, biết làm một số phép tính cơ bản, hướng dẫn các em học thêm tiếng Anh trên Internet, đọc thêm truyện thiếu nhi… Những phạm vi kiến thức khác, lúc học sinh trở lại trường thì học cũng chưa muộn.
Như thế, với cấp tiểu học có thể khai giảng vào tháng 10 năm nay, kết thúc năm học vào tháng 7 năm sau. Cùng với đó, nhà trường vẫn tiến hành dạy online cho học sinh lớp 3, 4, 5, có kiểm tra đánh giá ở mức độ nhẹ nhàng giúp các em có ý thức học tập hơn.
(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến) |
Thứ hai, Bộ Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, đảm bảo mọi học sinh đều được học. Các Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục đóng góp thêm bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình.
Bộ Giáo dục thẩm định, lựa chọn thêm nội dung dạy học phát sóng trên các kênh của VTV: VTV7 và K+, thông báo để các Đài truyền hình địa phương tiếp sóng.
Ngoài ra, người viết gợi ý một số phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí tốt nhất cho đến thời điểm này, giáo viên, học sinh có thể dễ dàng sử dụng như: Zoom Cloud Meeting (lưu ý, tính bảo mật không cao); Microsoft Teams; Hangouts meet (chỉ cho phép cuộc gọi video tối đa 10 người);
Workplace Facebook (khó kiểm soát được lượng học sinh có tham gia xem hay không); VNPT E-Learning (chỉ có thể giao bài tập để học sinh làm ngay trên phần mềm rồi chuyển lại cho giáo viên chấm).
Muốn được như vậy, cá nhân người viết cho rằng, Bộ Giáo dục cần xây dựng chương trình chung về dạy và học online cho các địa phương. Thực tế cho thấy, hai năm qua các địa phương dạy học online theo kiểu mạnh ai nấy làm, dẫn đến hiệu quả học tập nhiều nơi chưa cao.
Thứ ba, Bộ Giáo dục cần nghiên cứu giảm tải chương trình cho học sinh các cấp. Trước đó, tháng 3/2020, Bộ Giáo dục đã có công văn hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020. Năm học tới, chỉ cần giảm tải thêm nội dung dạy học ở học kì 1 là được.
Theo đó, việc cắt giảm theo nguyên tắc yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản.
Nhiều giáo viên dạy bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, có thể giảm tải từ 25-30% nội dung chương trình học mà không ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Giả sử ở Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh khai giảng vào tháng 10 nhưng ai dám chắc sau đó năm học sẽ thông suốt, bởi dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Vậy nên, giảm tải chương trình vừa giúp học sinh học tập nhẹ nhàng, hiệu quả vừa có thêm thời gian dự phòng cho năm học. Nếu năm học mới diễn ra suôn sẻ, khoảng thời gian đó dành cho việc luyện tập, củng cố, mở rộng bài học… thì sẽ thiết thực hơn nhiều.
Thứ tư, giáo viên cần hướng dẫn học sinh tự học bằng cách gợi ý những loại sách cần tham khảo, tài liệu học tập sao cho phù hợp. Tự học không có nghĩa là giáo viên giao khoán cho học sinh mà cần tổ chức hoạt động học theo hình thức: thầy giao việc - trò làm việc. Thầy là người hướng dẫn - trò tự học, tự chiếm lĩnh kiến thức.
Thầy không giảng giải, truyền thụ một chiều - trò không thụ động tiếp thu mà tích cực, chủ động, tự học. Muốn thế, nhà trường cần quan tâm và chú trọng hơn phương pháp dạy học tích cực của giáo viên.
Thứ năm, Bộ Giáo dục cần quán triệt với các Sở Giáo dục trong việc siết chặt kỉ luật học tập online. Học sinh phải tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc, đúng giờ, làm bài tập, bài kiểm tra theo quy định.
Những tiết học sinh vắng, trễ phải có xác nhận của phụ huynh. Nếu học sinh vi phạm, sẽ bị đánh giá về học tập, hạnh kiểm theo quy chế. Như vậy, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải chủ động, tích cực hơn trong dạy học và phối hợp nhịp nhàng với phụ huynh học sinh.
Những học sinh không thể tham gia học tập online, có lí do chính đáng thì nhà trường cần có kế hoạch dạy bù cho các em sau khi đi học trở lại. Nếu không có quy chế siết chặt dạy học online thì có thể thầy trò sẽ hoài công.
Thay lời kết
Nhìn chung, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tạm dừng đến trường là nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh và cả người lớn.
Hơn nữa, từ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên triển khai. Vậy nên, ngành giáo dục cần bắt nhịp chuyển đổi số nhằm nâng cao lượng giáo dục ở thời điểm này.
Tài liệu tham khảo:
[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-tro-ca-nuoc-se-khai-giang-vao-ngay-5-9-post219997.gd
[2] //giaoducnghe.edu.vn/5-pham-mem-day-hoc-truc-tuyen-mien-phi-tot-nhat-2020/
[3] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-hoc-day-manh-chuyen-doi-so-20210211152228854.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.