Dịch bệnh phức tạp, Bộ nên nghiên cứu bổ sung hình thức học Homeschooling

21/07/2021 09:13
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu và bổ sung hình thức học Homeschooling (tự học ở nhà).

Cho dù năm học 2019 – 2020, 2020 - 2021 dịch bệnh khá phức tạp, tuy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều nỗ lực cố gắng để cơ bản hoàn thành mục tiêu năm học là vừa hoàn thành chương trình học vừa phòng chống dịch bệnh, góp phần cùng nhà nước đẩy lùi dịch bệnh, tạo niềm tin trong nhân dân.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Thông tư Số: 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Với việc ban hành Thông tư trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp nhận, công nhận hình thức dạy học trực tuyến, về hình thức, nội dung, phương tiện và kiểm tra, đánh giá đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo từng bước hoàn thiện, triển khai trong thời gian tới.

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã có nhiều người không qua khỏi, cộng với việc xuất hiện nhiều biến thể mới, việc đẩy lùi dịch bệnh sẽ là một chặng đường dài, khó khăn ở phía trước.

Năm học này, việc dạy - học trực tuyến, dạy - học qua truyền hình… nên tiếp tục được phát huy, về các hình thức kiểm tra, đánh giá rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện để có thể triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đảm bảo công bằng.

Vấn đề khó khăn hiện nay là ở các vùng có điều kiện khó khăn, đường truyền còn hạn chế thì các hình thức trực tuyến chưa phát huy hiệu quả, điều này có thể khắc phục bằng các hình thức khác như là các bài dạy được phát qua các công cụ miễn phí như tivi, các kênh phát Youtube, các bài giảng trên phần mềm, trang web khác,…

Do đó, đa dạng hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá sẽ là một vấn đề rất lớn trong thời gian tới khi mà dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp.

Bên cạnh hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nghiên cứu và bổ sung hình thức học Homeschooling (tự học ở nhà).

Homeschooling - giáo dục tại nhà được áp dụng ở nhiều quốc gia. (Ảnh minh hoạ: iStockphoto)

Homeschooling - giáo dục tại nhà được áp dụng ở nhiều quốc gia. (Ảnh minh hoạ: iStockphoto)

Homeschooling là gì?

Thật ra khái niệm Homeschooling không có gì mà mới so với các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.

Homeschooling khi được dịch sang tiếng Việt thì nó đem đặc biệt ý nghĩa chính là “giáo dục tại gia”, hay còn gọi là “giáo dục tại nhà”.

Tại các nước trên thế giới, giáo dục tại nhà (giáo dục tại gia hoặc giáo dục tự chọn tại nhà) là hình thức dạy học cho con cái hay trẻ em tại nhà hoặc nhiều nơi khác mà không đến trường học. Giáo dục tại nhà có thể theo hoặc không theo tiêu chuẩn và giáo trình theo quy định của đất nước.

Trong khi "giáo dục tại nhà" là thuật ngữ thường được sử dụng ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác ở Bắc Mỹ, "giáo dục tại nhà" được sử dụng chính ở Vương quốc Anh, Châu Âu và nhiều quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung.

Trên thế giới có rất nhiều nhà bác học nổi tiếng nhờ tự học như Michael Faraday (1791–1867) là một nhà thiên tài được cả thế giới biết với biệt danh “thiên tài không bằng cấp”, Albert Einstein (1879 - 1955) là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại, người khai sinh ra “Thuyết tương đối” hay Edison là nhà khoa học tiêu biểu nhất của nước Mỹ và thế giới, sở hữu 1907 bằng phát minh - một kỷ lục trong giới khoa học,… đó là những nhà bác học nổi tiếng trên thế giới nhờ tự học.

Như vậy, có thấy việc học bằng hình thức tự học ở nhà ở một số nước đã được triển khai từ rất lâu.

Việt Nam có cho dạy theo hình thức Homeschooling chưa?

Pháp luật nước ta đã quy định trẻ nhỏ có quyền được đến trường, chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện tại các cơ sở giáo dục phổ thông, vì thế theo người viết thì nhiều năng việc giáo dục và đào tạo tại nhà này còn đang thiếu một hành lang pháp lý.

Học sinh được học tại trường ngoài học kiến thức còn học giao tiếp, hòa đồng, hội nhập với bạn bè để phát triển toàn diện là mục tiêu của giáo dục của ta. Nên hình thức học tại nhà chưa được áp dụng.

Bên cạnh đó, trong tại Điều 15 Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định:

“Học sinh thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì không được lên lớp:

1. Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại);…”

Như vậy, hiện nay nếu học sinh nghỉ học quá 45 ngày trong một năm học kể cả trực tiếp, trực tuyến (hiện nay quy định về điểm danh học trực tuyến chưa được ban hành), nên học sinh phải đến trường học, không được nghỉ quá 45 ngày, nên hình thức dạy học ở nhà chưa được phép thực hiện ở ta hiện nay.

Bộ Giáo dục nên nghiên cứu cho việc tự học tại nhà kết hợp tại trường và trực tuyến

Trong điều kiện của nước ta hiện nay, thì nên kết hợp cả trực tuyến, trực tiếp và tự học ở nhà một cách linh hoạt, bổ sung, tương hỗ cho nhau để thúc đẩy quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, lẫn năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống,…

Đối với các hình thức giáo dục và đào tạo tại nhà nó sẽ có các ưu điểm nhất định, thế nhưng cũng có các có hạn nhất định đó chính là nó giới hạn môi trường học tập, giao lưu và tiếp xúc của các em với thế giới bên ngoài. Các em sẽ thiếu tự tin khi giao tiếp, vào đời, thiếu kỹ năng sống,…

Vì thế mà hãy kết hợp cả 2 hình thức giáo dục và đào tạo tại nhà và nhà trường để gần gũi với con hơn và cho con được phát triển toàn diện nhất, phụ huynh có kiến thức, điều kiện và học sinh có thái độ học tập tốt.

Việc học tại nhà, có thể được áp dụng ở một số môn học mà phụ huynh có điều kiện gần gũi tự dạy con học ở nhà mà không phải đến lớp, ví dụ như học một vài môn nào đó tại nhà khi cha mẹ có điều kiện và học sinh có năng khiếu.

Điều này sẽ giảm áp lực về sĩ số cho nhà trường, giảm áp lực về tiếp xúc nhiều,… tạo điều kiện cho học sinh tự học, đạt mục tiêu của bộ môn, chương trình trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Việc tự học ở nhà, sau khi kết thúc chương trình học sinh có thể làm các bài kiểm tra đánh giá trên máy tùy thời điểm, nếu chưa đạt có thể thực hiện lại, công cụ này có thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng thông qua các phần mềm một cách đơn giản, dễ dàng. Đó là hình thức kiểm tra chuẩn đầu ra bằng hình thức tự học, tự bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, việc học tại nhà sẽ kích thích khả năng tự học, tự tìm tòi phát triển tư duy, đảm bảo tiêu chí học để làm người, học để đáp ứng nhu cầu cuộc sống,… không phải học vì bằng cấp hay điểm số.

Học sinh không đến trường, đạt chuẩn kiến thức một số môn, vẫn được lên lớp, vẫn được tiếp tục học cao hơn là một xu hướng tiến bộ, phù hợp thực tiễn, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét để học sinh có thêm một hình thức học, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến còn phức tạp bên cạnh áp lực hoàn thành chương trình, nhiệm vụ năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM