Nghị định 116/2020 Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm từ khi ra đời đã được các cấp quản lý kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề thừa – thiếu giáo viên cục bộ và khuyến khích người giỏi vào ngành sư phạm. Dù vậy, sau hai năm triển khai, việc xác định nhu cầu giáo viên để đặt hàng đào tạo vẫn chưa đạt được những kết quả như kỳ vọng. Trong khi đó, riêng năm 2022, vấn đề thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc vẫn là một áp lực lớn của ngành giáo dục.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh) |
PV: Thưa Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Nghị định 116/2020 đã có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2020, ông có nhận xét gì về ý nghĩa tác động cũng như tính đổi mới liên quan đến công tác đào tạo giáo viên của Nghị định này?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Trước hết, phải khẳng định rằng, Nghị định 116/2020 Quy định về chính sách mới hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt với sinh viên sư phạm là một chủ trương đúng đắn của nhà nước ta.
Tuy nhiên, cần phải làm rõ, quy định về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt ở Nghị định này là khá lớn nên không thể áp dụng cho tất cả sinh viên sư phạm mà chỉ áp dụng với sinh viên chấp nhận được đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.
Còn những sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu thì sẽ chỉ được hưởng chế độ ưu đãi dựa trên Luật Ngân sách Nhà nước cũng như theo tinh thần của Nghị định 60 về tự chủ tài chính, như những sinh viên thuộc các ngành học khác (nghĩa là người học và gia đình người học vẫn có thể phải chịu chi trả một phần học phí).
Theo Công văn 1891/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ có nêu: "Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nguyện vọng của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp, kinh phí đào tạo sẽ do kinh phí của cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp chịu trách nhiệm chi trả (không thuộc ngân sách nhà nước cấp)". |
Nghị định 116/2020 cùng với Công văn hướng dẫn số 1891/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhằm giải quyết hai tồn tại lớn của ngành sư phạm.
Thứ nhất, giúp cho các địa phương chủ động thực hiện việc tuyển dụng và quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông một cách hiệu quả, tránh xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên thường xuyên như trong nhiều năm qua.
Thứ hai, giúp sử dụng nguồn hỗ trợ cho sinh viên sư phạm hiệu quả để tuyển chọn được những người giỏi vào ngành sư phạm.
Hai tồn tại đó lẽ ra đã được khắc phục trong Nghị định 116 bằng việc bổ sung phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên cho chính quyền ủy ban nhân dân của các địa phương .
Trước đó, chúng ta đã có một khoảng thời gian mà chất lượng đầu vào của ngành sư phạm ở mức thấp, điều này rất đáng lo ngại cho công tác đào tạo giáo viên. Sự ra đời của Nghị định 116 đã giúp cho hoạt động tuyển sinh của các trường sư phạm có nhiều khởi sắc, chất lượng đầu vào dần được cải thiện và nâng cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh thừa - thiếu giáo viên cục bộ đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương, việc xác định nhu cầu giáo viên tương lai để đặt hàng đào tạo hiệu quả cũng là một xu hướng tiến bộ. Chúng ta rất kỳ vọng Nghị định 116 sẽ phần nào giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên dựa trên việc tính toán nhu cầu một cách hợp lý.
PV: Qua hai năm triển khai thực hiện Nghị định 116, ông đánh giá như thế nào về những điều đã làm được và những vướng mắc cần tháo gỡ?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Như tôi đã khẳng định về những nét mới của Nghị định 116 trong công tác đào tạo giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ thể hiện tính ưu việt đối với phương thức giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, còn với phương thức đặt hàng và đấu thầu thì hầu như không có tiến triển gì đáng kể. Điều này liên quan đến hai nguyên nhân.
Thứ nhất, các địa phương chưa đủ năng lực để dự báo chính xác, dài hạn về nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên cho chính địa phương mình.
Thứ hai, cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo giáo viên còn lỏng lẻo.
Chính hai nguyên nhân này dẫn tới tình trạng trong hai năm qua, hầu hết các địa phương đều không mặn mà với phương thức đặt hàng và đấu thầu, còn các cơ sở đào tạo cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi chính sách hỗ trợ tài chính cho người học khi Nhà nước xóa bỏ hoàn toàn chính sách bao cấp.
Ngoài ra, lâu nay khi địa phương thiếu giáo viên vẫn tuyển dụng bình thường, vì khâu đào tạo tách ra khỏi khâu tuyển dụng và họ đã quen với việc này.
Trước đây, ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho các trường sư phạm đào tạo, còn địa phương có nhu cầu chỉ cần tuyển dụng nhân sự, không có một sự ràng buộc, liên kết nào. Và hiện nay, các địa phương dù không đặt hàng thì họ vẫn có nguồn tuyển. Đó cũng là nguyên nhân trong hai năm qua, việc đặt hàng đào tạo chỉ mang tính “nhỏ giọt” và chưa được thực hiện thành công.
Còn một tồn tại nữa trong việc triển khai Nghị định 116 là việc chi trả học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm. Việc này cũng chưa được thực hiện đồng bộ, trong khi có trường đã thực hiện hỗ trợ cho sinh viên thì một số cơ sở đào tạo khác vẫn chưa được nhận nguồn kinh phí.
Rõ ràng điều này là thiếu sự công bằng với người học, đồng thời cho thấy chúng ta chưa có sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng giữa các địa phương - Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở đào tạo giáo viên.
Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 116 còn gặp khó vì quy định về việc bồi hoàn kinh phí chưa rõ ràng. Khi địa phương đặt hàng, chi trả học phí, sinh hoạt phí nhưng nếu sinh viên ra trường không công tác cho ngành giáo dục địa phương thì việc bồi hoàn kinh phí phải được thực hiện như thế nào? Đây cũng là điều không ít địa phương quan tâm và băn khoăn trong quá trình thực hiện.
Ví dụ, khi tỉnh Lai Châu đặt hàng đào tạo cho Trường Đại học sư phạm Hà Nội, sinh viên cam kết về tỉnh Lai Châu làm việc sau tốt nghiệp nhưng sau khi tốt nghiệp lại không về làm tại ngành giáo dục địa phương này, vậy thì cơ chế bồi hoàn kinh phí sẽ rất phức tạp.
Như vậy, việc triển khai thực hiện Nghị định 116 như thế nào để đảm bảo công bằng cho người học, đảm bảo đáp ứng trúng nhu cầu của địa phương cũng là điều cần phải lưu tâm.
PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp để khắc phục những hạn chế trên để Nghị định 116 sớm đi vào cuộc sống?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi có hai vấn đề được đặt ra.
Thứ nhất, phải nâng cao năng lực dự báo chính xác nhu cầu nhân lực giáo viên của các địa phương. Muốn thế, từng địa phương phải sớm hình thành các Hội đồng giáo dục (bao gồm đại diện các sở ,ban, ngành liên quan của địa phương, đại diện cộng đồng địa phương,…) làm chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương về quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nói chung cũng như nguồn nhân lực cho giáo dục đào tạo nói riêng, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương qua từng thời kỳ, thậm chí qua từng năm, điều mà các chiến lược/kế hoạch ở tầm quốc gia không thể thực hiện nổi.
Thứ hai, phải có sự phân cấp quản lý rõ ràng và tổ chức lại hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt là các trường sư phạm địa phương.
Như tôi đã nói ở trên, Nghị định 116 chỉ phù hợp với phương thức giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên chứ chưa phù hợp với các phương thức đặt hàng và đấu thầu. Bởi vậy, muốn mở rộng phương thức giao nhiệm vụ, hệ thống các trường sư phạm của chúng ta hiện nay phải được điều chỉnh sao cho có nhiều trường sư phạm trực thuộc quản lý của các địa phương hơn thì chính quyền địa phương mới có điều kiện để thực thi phương thức giao nhiệm vụ.
PV: Vậy hệ thống trường sư phạm hiện nay phải được tổ chức sắp xếp như thế nào để đảm bảo thực hiện thành công Nghị định 116, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Cho tới nay, các địa phương chỉ quản lý trực tiếp một số ít các trường đại học địa phương có đào tạo giáo viên các cấp và khoảng trên 20 trường cao đẳng sư phạm chỉ được đào tạo giáo viên mầm non.
Tuy nhiên cách đây 3 năm, trước khi Luật Giáo dục 2019 ra đời thì hầu như ở tất cả các địa phương đều có trường cao đẳng sư phạm, và những trường này trong nhiều năm qua được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Bởi vậy, muốn tăng cường số lượng các trường sư phạm trực thuộc chính quyền địa phương thì một mặt phải có chiến lược nâng cấp trình độ đào tạo của các trường này lên để đạt chuẩn (trình độ cử nhân theo Luật Giáo dục 2019). Mặt khác vẫn phải cho phép những trường này tiếp tục đào tạo các trình độ dưới chuẩn (cao đẳng) như trước đây trong thời gian những trường này còn chưa đạt chuẩn.
Cần duy trì trở lại việc phân cấp quản lý công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (kể cả việc giao chỉ tiêu và phân công công tác sau tốt nghiệp) cho các địa phương.
Nhà nước không nên xóa đi hệ thống trường sư phạm địa phương. Bởi khi nhu cầu giáo viên phổ thông tăng đột ngột do nhiều lý do khác nhau như thay đổi chương trình, tăng dân số đột biến, đổi mới quy trình giáo dục… (như đã xảy ra nhiều lần trong 60 năm qua) thì chúng ta sẽ không đủ cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu đó.
Chính quyền địa phương cần căn cứ vào nhu cầu thực tế về giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của địa phương để giao chỉ tiêu đào tạo, đồng thời với việc nâng chuẩn cho trường cao đẳng/đại học sư phạm địa phương của mình.
Với đề xuất trên, quyền giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên ở các trình độ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ thuộc chủ yếu về các chính quyền địa phương, ngay cả ở cả những nơi còn chưa có trường đại học địa phương.
PV: Vậy trước mắt cũng như trong tương lai, các trường cao đẳng sư phạm sẽ phải làm gì để có thể đảm bảo vẫn trực thuộc chính quyền địa phương nhưng vẫn hoạt động theo đúng định hướng về chuẩn trình độ của giáo viên phổ thông theo Luật Giáo dục 2019?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước mắt không nên thực hiện giải pháp xóa bỏ các trường cao đẳng sư phạm bằng cách hợp nhất các trường này vào các trường đại học sư phạm trọng điểm hoặc vào các trường nghề như đã dự định tại Nghị quyết số 46-NQ/BCSĐ ngày 2/12/2022 của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thay vào đó, cần cho phép các trường này vẫn được đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở theo cơ chế 3+1: ba năm tại trường cao đẳng sư phạm và một năm liên kết với đại học sư phạm trọng điểm. Tình trạng này sẽ chấm dứt khi các trường cao đẳng sư phạm đủ điều kiện để được nâng chuẩn đào tạo.
Trân trọng cảm ơn ông!
Điểm b, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 116/2020/NĐ-CP:
"Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu): Căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định."