Điều tối kị nhất của môn Ngữ văn là ép học sinh phải học thuộc

27/05/2022 06:55
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kỳ thi tuyển sinh vào 10 năm học 2022- 2023 sắp diễn ra, không ít học sinh đang gặp áp lực về điểm số của môn Ngữ Văn trong kỳ thi này.

Kỳ thi năm nay khá đặc biệt, bởi hầu hết học sinh đều học trực tuyến trong đợt dịch Covid-19 khiến cho một số em bị sa sút trong học tập, cũng như giáo viên không sát sao được với học sinh của mình trong việc kiểm tra đánh giá năng lực hay theo dõi quá trình học tập.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Xuân hiện đang công tác tại trường Trung học Cơ sở Cộng Hòa, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho biết, đối với môn Ngữ Văn năm nay không nên đòi hỏi ở học sinh phải đạt điểm quá cao, mà chỉ mong muốn thang điểm có thể giữ ở mức độ như mọi năm.

Theo đó cô Xuân cho hay, muốn học sinh được điểm cao trong kỳ thi sắp tới, cốt lõi vẫn là làm thế nào để truyền đạt kiến thức cơ bản một cách hiệu quả nhất, sau đó mới tính đến việc rèn kỹ năng làm bài.

Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới.

Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới.

Mỗi dạng bài sẽ có một kỹ năng riêng biệt, nên khi học sinh có kiến thức nền tảng, lúc đấy mình bắt đầu rèn kỹ năng học sinh sẽ dễ dàng vận dụng những kiến thức một cách linh hoạt cũng như có thể tự mình giải quyết một số dạng bài cụ thể.

Đồng thời mỗi cán bộ giáo viên nên chú trọng sưu tầm đề thi của các huyện cũng như các dạng đề thi của những năm gần đây, để học sinh được làm quen, rèn luyện khả năng tư duy với các dạng đề bài, cũng như chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào 10 sẽ không bị bỡ ngỡ khi gặp phải các dạng đề bài tương tự.

“Ngay từ khi tiếp nhận ôn thi cho học sinh, cô đã dạy các em những kiến thức cơ bản trong các văn bản, sau đó mới tới phần ôn tiếng việt, khi đã có kiến thức rồi mình sẽ chia từng dạng bài, tiếp đến là sẽ luyện đề và nếu học sinh học đuối quá cô sẽ phân loại để giảng lại các bài học sinh yêu cầu”, cô Xuân cho hay.

Điều tối kị nhất của môn Ngữ văn là ép học sinh phải học thuộc tài liệu, cũng như chuẩn bị từng lời văn, câu chữ theo mẫu của giáo viên, bởi lẽ văn chương là sự sáng tạo của tâm hồn, những áng văn hay là những áng văn được viết ra từ tâm hồn của người cầm bút.

“Giáo viên nên khuyến khích học sinh tham khảo cách viết, cách dùng từ trong bài cũng như nên đọc nhiều văn mẫu, nhưng không được học tủ bởi nếu lệch tủ sẽ loay hoay trong phòng thi và không biết xử lý, vô tình tạo thói quen không tốt cho học sinh, từ đó hình thành thói quen chỉ học những bài mà cho là sẽ có trong đề thi mà bỏ qua những bài khác”, cô Xuân nói.

Để tránh học sinh học tủ theo cô Xuân, trước hết giáo viên cần rèn cho học sinh các kỹ năng làm bài và tạo hứng thú học tập, nên tránh việc giao quá nhiều bài tập gây áp lực, khiến các em chỉ tập trung vào học một bài mà không được trải đều.

“Bình thường theo cách dạy của cô, là sẽ sử dụng và dùng sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức đã học, hơn nữa còn kích thích hứng thú học tập, ngoài ra một số buổi tối cô tổ chức trò chơi tri thức thông qua ứng dụng quizzi để các em học sinh vừa học vừa chơi”, cô Xuân cho biết thêm.

Có hai yếu tố để kích thích học sinh yêu thích môn Ngữ văn, đầu tiên chính là hứng thú môn học, phải yêu thích môn học này, điều thứ hai chính là giáo viên có truyền được lửa tới các em học sinh hay không, vì đôi khi chính việc cảm mến giáo viên nên mới có động lực để học môn Ngữ Văn.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng, hiện đang giảng dạy Ngữ văn cấp trung học cơ sở tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thăng Long cho biết năm nay là một kỳ thi khá là thiệt thòi đối với các em học sinh, bởi trong bốn năm học cấp 2, các em đã phải học trực tuyến từ năm lớp 7 cho đến cuối năm học lớp 9 mới có thể quay trở lại trường học trực tiếp.

Để các em học sinh năm nay có thể ôn tập đạt hiệu của cao trong kỳ thi, cô Xuân cho biết các em cần phải có kỹ năng ôn tập cũng như nắm chắc kiến thức cơ bản có trong chương trình.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Chỉ còn gần khoảng một tháng nữa để các em chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh vào 10, đây là giai đoạn nước rút nên đầu tiên phải nắm chắc được những kiến thức nền, và sử dụng sơ đồ tư duy theo đặc trưng cụ thể của từng bài.

Điều thứ hai để các em cần lưu ý chính là phải luyện đề cụ thể, phải ôn lại kiến thức cũng như nắm được các kỹ năng làm các dạng đề như các dạng câu hỏi có trong đề thi hay các dạng đề đặc trưng có trong chương trình đã học.

Điều thứ ba các em cần chính là thực hành làm đề cụ thể và căn theo đúng thời gian, để luyện tốc độ làm bài của mình, sau đó hãy tự soi lại đáp án, tự chấm điểm cho bản thân hoặc nhờ thầy, cô trực tiếp chấm cho mình, từ đó các em sẽ tự nhìn ra được lỗ hổng kiến thức của bản thân và lấp đầy lại”, cô Xuân chia sẻ phương pháp ôn tập.

Các em học sinh nên học các dạng kỹ năng cơ bản của môn Ngữ văn sau đó thu hẹp lại, thông thường mỗi một dạng bài giáo viên sẽ cho các bạn một quy trình học ví dụ như một bài nghị luận sẽ có 5 bước, bài hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lý sẽ có 6 bước.

Cũng như vậy đối với riêng môn Ngữ văn, học sinh không nên học tủ, học vẹt hay học thuộc lòng, vì hiện nay mỗi một dạng đề sẽ có phần nghị luận xã hội, nó sẽ luôn luôn thay đổi và có nhiều góc nhìn khác nhau do vậy nếu học tủ học sinh sẽ không đủ kiến thức để đáp ứng.

Để tránh tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, giáo viên nên chú ý đến phương pháp dạy học của mình không nên lựa chọn cách an toàn cho học sinh là học thuộc, nên hình thành thói quen tạo sơ đồ tư duy theo từng kỹ năng và từng thể loại, cũng như đối với học sinh nên tự phân tích các tác phẩm văn học theo đúng đặc trưng, yêu cầu, bởi trong chương trình lớp 9 chủ yếu có hai kỹ năng cơ bản là kỹ năng phân tích thơ, kỹ năng phân tích truyện.

Thời điểm này đang là giai đoạn nước rút thế nên giáo viên cần chú ý đến việc dạy phân hóa, bởi kiến thức của học sinh không đồng đều, do vậy nên cho học sinh làm các dạng đề tổng hợp độc lập trong vòng 45 phút, sau đó đánh giá năng lực dựa trên thang điểm có trong đề, từ đó học sinh sẽ tự đánh giá được năng lực của mình.

Thái Hồng