Độc đáo sản phẩm “áo dành cho trẻ tự kỷ” của nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng

27/08/2022 07:00
THANH PHƯƠNG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Áo được thiết kế độc đáo với nhiều thiết bị hỗ trợ giúp trẻ tự kỷ lấy lại cảm giác thoải mái, tâm lý ổn định để sớm trở lại trạng thái cân bằng.

Sản phẩm “áo dành cho trẻ tự kỷ” của nhóm sinh viên Đại học Đà Nẵng gồm: Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phan Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thiên Nga, Nguyễn Văn Kiên, Phan Thị Hoài Giang (Trường Đại học Bách khoa) và Nguyễn Thảo Nhi (Trường Đại học Kinh tế) đã xuất sắc đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng lần thứ II (InTE UD - 2022).

Sản phẩm áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm Mạnh Dũng giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng lần thứ 2. Ảnh: TN

Sản phẩm áo dành cho trẻ tự kỷ của nhóm Mạnh Dũng giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên Đại học Đà Nẵng lần thứ 2. Ảnh: TN

Xuất phát từ thực tế khảo sát tại các trung tâm nuôi dưỡng và cộng đồng trẻ tự kỷ trên cả nước, nhóm của Dũng đã có những đánh giá về tần suất trẻ tự kỷ bị kích động.

“Trẻ tự kỷ bị kích động khá nhiều, trung bình khoảng 4-5 lần/tuần. Khi đó, trẻ sẽ mất kiểm soát hành vi, có biểu hiện la hét, đập phá, làm hại bản thân…

Để kiểm soát cảm xúc của trẻ, phụ huynh hoặc người chăm sóc sẽ phải ôm trẻ vào lòng, dỗ dành để trấn tĩnh các em. Với mong muốn phụ huynh, giáo viên đỡ vất vả trong việc nuôi dạy trẻ tự kỷ, nhóm đã lên kế hoạch, ý tưởng tạo ra áo thông minh nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề trên”, Mạnh Dũng cho biết.

Sau khi đã có những tìm hiểu thực tế, Dũng cùng nhóm bạn bắt tay vào triển khai thiết kế, chế tạo áo.

Áo được thiết kế làm bằng vật liệu vải (hai tà, hai vạt rời dễ mặc), bên trong có hệ thống túi khí và thiết bị massage ở hai bờ vai.

Mục đích là nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ tự kỷ có thêm công cụ nuôi dưỡng, chăm sóc giảm bớt thời gian dỗ dành, ôm trẻ vào lòng, qua đó giảm tần suất khi trẻ bị kích động cần được vỗ về, trấn tĩnh”, bạn Phan Thanh Tùng giải thích.

Theo Tùng, nhờ cơ chế kích thích ép sâu (deep pressure stimulation), khi trẻ có dấu hiệu bị kích động, áo sẽ tự động bơm phồng các túi khí ôm chặt cơ thể trẻ. Đồng thời, thiết bị massage trên hai vai sẽ kích hoạt, thư giãn cho trẻ tạo cảm giác thoải mái, tâm lý ổn định để sớm trở lại cân bằng.

Nguyên lý kích thích ép sâu được sử dụng rộng rãi và được các nhà khoa học công nhận có thể giúp trẻ giảm trạng thái kích động. Nguyên lý này hoạt động tựa như cái ôm, dỗ dành của phụ huynh, giáo viên dành cho trẻ.

Sản phẩm "áo dành cho trẻ tự kỷ" được thiết kế độc đáo như một cái ôm dành cho trẻ. Ảnh: TN

Sản phẩm "áo dành cho trẻ tự kỷ" được thiết kế độc đáo như một cái ôm dành cho trẻ. Ảnh: TN

“Tuy trên thị trường hiện đã có một số sản phẩm hỗ trợ giảm kích động cho trẻ tự kỷ như máy ép tạo áp lực sâu, áo trọng lượng, chăn nặng... cũng được thiết kế ứng dụng cơ chế kích thích ép sâu.

Song các sản phẩm này khiến trẻ bị gò ép, khó thoải mái, thậm chí có trường hợp vẫn khiến trẻ bị kích động hơn. Sản phẩm của nhóm đã chú trọng cải tiến, hoạt động theo cơ chế tự động, điều khiển từ xa bằng sóng RF để chăm sóc trẻ tự kỷ tốt hơn”, Mạnh Dũng cho hay.

Chia sẻ thêm về sản phẩm áo độc đáo này, bạn Nguyễn Thị Thiên Nga cho biết, cả nhóm đã phải làm việc rất chăm chỉ, nghiêm túc từ khâu thiết kế, mua sắm vật liệu đến chế tạo và thử nghiệm.

“Khi tiến hành thử nghiệm ở một số trẻ tự kỷ thì sau khoảng 10 phút mặc áo, các biểu hiện la hét, giận dữ của các em đã dần bình thường trở lại. Các phụ huynh, giáo viên cũng đánh giá cao công dụng của chiếc áo này khiến cả nhóm rất vui”, Nga chia sẻ thêm.

Sắp tới, Nga cùng các bạn sẽ hoàn thiện, phát triển thêm mẫu mã, có thể theo hướng áo khoác để tăng thêm diện ôm trọn cơ thể của trẻ, tăng thêm hiệu quả. Đồng thời nghiên cứu tích hợp thêm các cảm biến theo dõi thể trạng, sức khỏe các bé tốt hơn.

THANH PHƯƠNG