Đôi điều băn khoăn về kỳ thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở hiện nay

24/03/2024 06:42
HƯƠNG GIANG
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có những tỉnh chỉ lấy tỉ lệ dưới 30% học sinh đạt giải/ môn thi. Vì thế, 10 em tham dự kỳ thi, có hơn 7 em sẽ rớt- cho dù đạt điểm không thấp.

Nhiều năm ôn thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, bản thân người viết bài cũng có rất nhiều những trải nghiệm vui buồn qua mỗi kỳ thi, mỗi năm học. Những niềm vui thì nhanh chóng thoáng qua nhưng những nỗi buồn nhiều khi đọng lại mãi.

Bản thân người viết bài không phủ nhận những mặt tích cực trong kỳ thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở vì nó giúp cho thầy cô ôn tập trau dồi thêm chuyên môn, tìm tòi những cái hay, cái mới để truyền đạt cho học trò.

Những em thi học sinh giỏi (nếu đậu) cũng có được niềm vui và định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Nhiều em, đã thi đậu vào trường Trung học phổ thông chuyên để tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy đam mê của mình.

Tuy nhiên, mặt trái của các kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay đang khiến cho thầy và trò mất quá nhiều thời gian để “luyện gà”. Từ đó, cũng khiến cho nhiều em bắt buộc phải học lệch vì phải đầu tư quá nhiều cho môn mình ôn thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, nếu không đạt giải học sinh cấp huyện, cấp tỉnh thì nỗi buồn có thể còn đeo bám các em mãi về sau.

GDVN_HƯƠNG GIANG.jpg
Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh ở một địa phương năm học 2022-2023 vừa qua chỉ lấy trung bình 29,85%
số lượng học sinh tham dự đạt giải (Ảnh: H.G.)

Những lí do không nên duy trì kỳ thi học sinh giỏi ở cấp Trung học cơ sở

Bên cạnh một số mặt tích cực của kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở hiện nay, chúng ta cũng thấy kỳ thi này luôn đan cài nhiều những hạn chế, bất cập mà chỉ những thầy cô trực tiếp ôn thi, những học sinh trực tiếp tham gia đội tuyển mới tường tận hơn cả.

Thứ nhất: kể từ ngày 03/ 5/2019, Bộ đã ban hành văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Tại văn bản này, chế độ cộng điểm khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 đã được hủy bỏ.

Vì thế, từ năm 2019 đến nay, học sinh cấp Trung học cơ sở khi tham gia thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải Nhất, Nhì, Ba đã không còn được cộng điểm khuyến khích như trước đây.

Điều này cũng đồng nghĩa, quyền lợi những học sinh cấp Trung học cơ sở thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh (nếu đậu) thì được thưởng vài trăm ngàn đồng tượng trưng và giấy khen. Nếu không, xem như công cốc suốt nhiều tháng trời. Nhiều em học sinh còn mặc cảm với bạn bè, gia đình mình.

Thứ hai: tỉ lệ học sinh đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh ở nhiều địa phương hiện nay đang lấy rất thấp. Có những tỉnh chỉ lấy tỉ lệ dưới 30% học sinh đạt giải/môn thi. Vì thế, 10 em tham dự kỳ thi, có hơn 7 em sẽ rớt.

Có những em rớt vì điểm thấp nhưng cũng không ít em đạt điểm cao vẫn rớt như thường vì phòng, sở giáo dục sẽ lấy từ trên xuống dưới cho đến đủ tỉ lệ % đã được ấn định từ trước. Việc một số địa phương lấy tỉ lệ đạt giải thấp sẽ dẫn đến những thiệt thòi cho học sinh tham gia dự thi và giáo viên ôn tập ở các nhà trường.

Một giáo viên Trung học cơ sở ở một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, ở địa phương cô, kỳ thi cấp huyện thường diễn ra vào cuối tháng 1 và kỳ thi cấp tỉnh sẽ diễn ra vào khoảng cuối tháng 3 hằng năm.

Vì thế, nếu học sinh ôn từ đầu năm học đến lúc thi cấp huyện là gần 5 tháng, những em lọt vào đội tuyển thi cấp tỉnh tính đến thời điểm thi là gần 6 tháng. Tuy nhiên, nhiều trường học đã phân công giáo viên ôn thi từ ngay những ngày đầu tháng 8 nên đến thời điểm thi cấp huyện, cấp tỉnh là ròng rã 6-7 tháng trời.

Với một quãng thời gian dài đằng đẳng như vậy quả là không hề ngắn và rất áp lực bởi thầy trò phải bố trí tối đa thời gian để dạy và học trên lớp cũng như những lúc ở nhà. Vì thế, nếu học sinh không đậu xem như thầy trò cùng công cốc bởi nhiều môn có rất ít học sinh tham gia đăng ký, chỉ 1-2 em/môn/trường mà thôi.

Thứ ba: kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ở nhiều địa phương hiện nay chưa rạch ròi giữa người ôn thi, ra đề, chấm thi. Có không ít giáo viên đang đóng nhiều vai trò khác nhau ở kỳ thi này. Vì thế, nhiều em học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi đạt giải đương nhiên là giỏi nhưng cũng không hiếm học sinh đang “nhờ” vào thầy cô của mình.

Chẳng hạn, một giáo viên ôn thi cho học trò suốt 6-7 tháng trời, thuộc từ chữ viết, câu chữ của học trò. Khi chấm, bài dù có dọc phách cũng dễ dàng nhận ra “gà” của mình. Bởi vậy, trường nào có giáo viên đi chấm thi, thường có nhiều học sinh đạt giải, thậm chí là giải cao của kỳ thi.

Chính vì thế, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay đang có rất nhiều chuyện đáng bàn và báo chí cũng không ít lần phản ánh về tình trạng lộ đề thi khi giáo viên vừa ôn thi, vừa được sở điều động tham gia ra đề học sinh giỏi. Riêng chuyện đi chấm thi, cũng gây ít nhiều băn khoăn.

Nếu tiếp tục duy trì kỳ thi học sinh giỏi…

Thực ra, kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh đối với học sinh Trung học cơ sở hiện nay không nằm trong hệ thống thi cử của Bộ. Kỳ thi này đang do các địa phương tổ chức hằng năm.

Nhiều địa phương không chỉ tổ chức kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh đối với học sinh lớp 9 mà còn tổ chức cả lớp 6, lớp 7 và lớp 8. Vì thế, nhiều học sinh đã trở thành “gà luyện” từ ngay khi mới bước vào lớp 6.

Việc duy trì kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở cần phải được các địa phương tính toán lại cho hợp lý- nếu tiếp tục duy trì, tổ chức hằng năm.

Thứ nhất: các địa phương cần tham mưu, đề xuất với Bộ tiếp tục duy trì cộng điểm khuyến khích cho những em đạt giải Nhất, Nhì, Ba ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong kỳ thi tuyển sinh 10.

Việc cộng điểm khuyến khích cho các em đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi sẽ giúp cho học sinh bớt thiệt thòi vì những em tham gia đội tuyển học sinh giỏi phải đầu tư quá nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho kỳ thi.

Thứ hai: các địa phương khi tổ chức thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở cần linh động lấy tỉ lệ nhiều hơn hiện nay- nhất là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Bởi, kỳ thi này đã được sàng lọc từ các huyện, thị nên những em đại diện đội tuyển của huyện phần nhiều là những em có năng lực thực sự.

Cơ cấu giải nên dao động khoảng 50% số học sinh tham dự kỳ thi là phù hợp. Tất nhiên, cũng phải khống chế mức điểm đậu. Nếu thang điểm 20 thì tối thiểu phải đạt 10 điểm mới có thể công nhận giải.

Chẳng hạn, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cho học sinh Trung học phổ thông năm học 2023-2024 này được công bố ngày 25/1/2024, Bộ đã lấy tỉ lệ đậu là 55,65%.

Cụ thể, cả nước có 5.812 thí sinh đến từ 70 đơn vị tham gia dự thi ở 12 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc. Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.351 thí sinh đạt giải chiếm 55,65%.

Năm học 2022-2023, số lượng thí sinh tham gia dự thi là 4.589 thí sinh; có 2.283 thí sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 49,75%.

Trong khi, nhiều địa phương tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh bậc Trung học cơ sở chỉ lấy dưới 30% là điều đáng băn khoăn cho thầy cô và học sinh ôn thi. Bởi lẽ, đến được với kỳ thi này đã là một quá trình phấn đấu không mệt mỏi nhưng không ít em đạt điểm cao mà vẫn không có giải vì sở giáo dục khống chế tỉ lệ %.

Thứ ba: cấp sở, phòng giáo dục khi tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cần rạch ròi giữa khâu ra đề, chấm bài và ôn thi. Tuyệt đối không phân công, điều động những giáo viên đang ôn thi ở các nhà trường đi ra đề hoặc chấm thi để tạo sự công bằng, khách quan, hoặc ít ra là tạo được niềm tin cho đồng nghiệp ở các trường khác. Đồng thời, tránh được những thị phi không cần thiết.

Thứ tư: cấp cấp sở, phòng giáo dục cũng cần có hướng dẫn các trường tính số tiết ôn thi cho giáo viên theo từng cấp. Tránh cách làm tự phát của các nhà trường hiện nay mỗi đơn vị mỗi cách tính.

Đồng thời, những giáo viên có học sinh đạt giải cao, sở, phòng giáo dục cũng cần có giấy chứng nhận và khen thưởng để tạo động lực cho giáo viên. Hiện nay, một số địa phương chỉ khen học sinh đạt giải, còn giáo viên bồi dưỡng học sinh đạt giải xem như là những người “ngoài cuộc chơi” vậy.

Đừng tổ chức kỳ thi học sinh giỏi bậc Trung học cơ sở khi mà người trực tiếp bồi dưỡng, người trực tiếp ôn thi chẳng có quyền lợi gì đáng kể nhưng quyền lợi của những người làm việc trung gian thì luôn được đảm bảo, đủ đầy.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG GIANG