Tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo năm 2022, một số Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu đi vào từng cấp học vậy nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch thi tốt nghiệp như thế nào ngay từ bây giờ.
Chia sẻ về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ, Bộ chưa có hướng dẫn cụ thể về thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 (tức là khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng đầy đủ từ lớp 1-12) khiến nhà trường gặp khó trong việc chuẩn bị trước “thềm” năm học 2022-2023 đối với học sinh lớp 10.
Thứ nhất, khi nhà trường tiến hành khảo sát đối với học sinh lớp 9 ở các trường trung học cơ sở thuộc địa bàn tuyển sinh cho thấy, phần lớn các em lựa chọn tổ hợp môn học theo cảm tính. Chính vì vậy, khi trúng tuyển vào lớp 10, vai trò của trường trung học phổ thông trong việc tư vấn chọn tổ hợp môn học cho các em là rất quan trọng.
Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh cũng đã thành lập các tổ tư vấn sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp khi học sinh trúng tuyển vào trường, tuy nhiên chỉ có thể phổ cập được cho học sinh rõ hơn về tổ hợp môn học như thế nào, còn định hướng nghề nghiệp hay thi tốt nghiệp, trường không thể thông tin tới các em vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Thứ hai, hiện nhiều học sinh và phụ huynh thắc mắc rằng khi vào trường các em lựa chọn môn A nhưng sau một khoảng thời gian theo học thấy môn học không phù hợp với năng lực của mình, muốn đổi sang môn B thì có được không?
Rõ ràng, việc học sinh đổi môn hay tổ hợp lựa chọn sẽ làm mất đi tính liên tục, xuyên suốt về mặt kiến thức. Ví dụ học sinh chọn môn Lịch sử để học năm lớp 10 nhưng đến lớp 11 lại muốn học môn Địa lý, trong khi kiến thức môn Địa lớp 11 là phần nâng cao hơn của lớp 10 thì bắt buộc học sinh phải dành riêng một khoảng thời gian để bổ sung kiến thức.
Ảnh minh họa: Ngọc Ánh |
Cũng theo thầy Lương Văn Minh, cùng với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chắc chắn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia sẽ có điều chỉnh.
"Hiện nay, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học quốc gia được rất nhiều trường đại học chọn làm phương thức tuyển sinh. Ở chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài các môn bắt buộc thì học sinh sẽ học các môn mà chính các em đăng ký lựa chọn. Nếu khi đó đề thi đánh giá năng lực vẫn bao trùm chung toàn bộ các môn học của chương trình thì chắc chắn học sinh sẽ gặp khó, thậm chí không làm được bài”, thầy Minh nêu quan điểm.
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Cần Thạnh cho biết thêm, vì chưa có hướng dẫn về việc thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học từ năm 2025 thế nào nên nhà trường dự kiến tổ chức dạy các chuyên đề học tập là các môn cần thiết ngoài những môn học sinh đã lựa chọn.
“Mỗi năm học có 105 tiết chuyên đề học tập, nhà trường dùng số thời gian đó để bổ sung thêm kiến thức những bộ môn cần thiết khác cho các em ngoài những môn mà học sinh đó lựa chọn.
Tôi hy vọng rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông ra sao với chương trình giáo dục phổ thông mới để các trường có sự chuẩn bị và lên phương án phù hợp.
Ngoài ra, các môn mà học sinh lựa chọn có thuộc tổ hợp xét tuyển đại học, cao đẳng không, vấn đề này cũng cần phải rõ ràng để học sinh và nhà trường yên tâm học và dạy”, thầy Lương Văn Minh kiến nghị.
Cùng những băn khoăn đó, thầy Đỗ Cao Phước, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Phước) cho hay, việc chuyển môn học rất khó, vì vậy bản thân học sinh cần có sự định hướng môn học rõ ràng ngay từ khi vào trường.
“Một trong những vấn đề nan giải là học sinh chuyển nơi học từ địa phương này sang địa phương khác, trong trường hợp trường mới không có tổ hợp môn mà em học sinh đó đã chọn khi học ở trường cũ thì giải quyết như thế nào? Điều này cũng cần Bộ Giáo dục đưa ra những chỉ đạo rõ ràng”, thầy Phước nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thầy Đỗ Duy Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chơn Thành (Bình Phước) cho rằng, hiện nhà trường đang khá rối trong việc tổ chức tư vấn học sinh.
“Khi có danh sách trúng tuyển chính thức, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn học sinh lựa chọn môn học theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về cơ bản, nhà trường chỉ có thể phổ biến rõ hơn về từng tổ hợp môn cho các em học sinh nắm được, còn để tư vấn được cụ thể, định hướng nghề nghiệp hay tổ hợp môn thi tương lai thì nhà trường chưa có cơ sở chính xác để tư vấn cho học sinh.
Bởi đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra hướng dẫn đánh giá và xếp loại học sinh theo chương trình phổ thông 2018 như về đạo đức, hạnh kiểm, học lực, còn về thi và xét tuyển đại học, cao đẳng thì chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Tôi mong Bộ sớm đưa ra hướng dẫn để nhà trường có thể định hướng cách dạy và học sao cho hiệu quả, thống nhất”, thầy Đỗ Duy Bình nói.