Không thu tiền giữ chỗ vào lớp 10, lãnh đạo nhiều trường tư thục nêu lý do

09/03/2024 08:10
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Khi các trường chạy đua giữ chân học sinh bằng kinh tế có thể tạo ra định kiến và làm méo mó bức tranh giáo dục đối với hệ thống trường tư thục.

Thời điểm hiện tại, dù Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội chưa chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập, nhưng nhiều trường tư thục ở Hà Nội đã đưa ra các mức phí giữ chỗ trong mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có bài viết “Thu phí giữ chỗ hàng chục triệu, trường tư thục nói để hạn chế tỷ lệ ảo” ghi nhận các ý kiến từ đại diện một số trường trung học phổ thông tư thục tại Hà Nội đang và sẽ thực hiện việc này.

Sau bài viết, nhiều độc giả đã bày tỏ băn khoăn, lo ngại về việc, liệu rằng tại những địa bàn đang có sự mất cân đối giữa tỷ lệ học sinh và trường học, nếu không có tiền đóng phí cọc giữ chỗ thì các học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có cơ hội được đi học tại trường gần nhà hay không?.

Để có thêm góc nhìn, phóng viên đã trao đổi với một số lãnh đạo trường trung học phổ thông tư thục khác trên địa bàn Hà Nội. Đây là những trường hiện đang không thực hiện việc thu phí đặt cọc giữ chỗ đối với việc tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới.

Tuyển không đủ chỉ tiêu không hẳn là do trường không thu phí đặt cọc giữ chỗ

Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc thu phí giữ chỗ giúp cho nhà trường và phụ huynh được yên tâm. Tuy nhiên, vị này băn khoăn rằng, nếu học sinh đỗ vào trường khác xin rút cọc tại các trường đã đóng cọc có được hay không? Trong trường hợp, nếu không được rút thì số tiền mà phụ huynh đã đóng cọc đó sẽ được các trường sử dụng ra sao?

"Đối với Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế khi thực hiện việc tuyển sinh đầu năm học chúng tôi có quan điểm rằng, nhu cầu được đi học là nhu cầu chính đáng của tất cả học sinh và không phân biệt hoàn cảnh gia đình của từng học sinh ra sao.

Chính vì lẽ đó mà bao lâu nay, Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế không thực hiện việc thu phí giữ chỗ dù địa bàn quận Hoàng Mai dân cư khá đông và chúng tôi hoàn toàn có thể đưa ra một số phương án để chọn lọc học sinh.

Tuy nhiên chúng tôi muốn tạo điều kiện học tập cho tất cả học sinh. Vì thế, ở trường tôi học sinh nào đăng ký trước được nhận trước đến khi đủ chỉ tiêu thì dừng, nhà trường không thu tiền giữ chỗ hay bán hồ sơ".

photo-1642908502699-1642908504075499044553.jpg
Tiến sĩ Phạm Kim Thư - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế. Ảnh: website nhà trường

Qua đó vị này cho rằng, có thể cách làm hiện tại của trường như vậy sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng đó là do nhà trường đang bị thiếu học sinh nên không cần thu phí giữ chỗ và nhận hồ sơ cũng “dễ dàng” hơn so với các trường khác. Tuy nhiên, vị này khẳng định, điều đó là không đúng và hiện tại trong đợt tuyển sinh vào lớp 10 năm nay nhà trường “tự tin” là sẽ tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

“Để nắm chắc số lượng học sinh vào trường trong mỗi đợt tuyển sinh, tôi nghĩ yếu tố lớn nhất quyết định vẫn là thương hiệu của mỗi trường. Thực tế qua các mùa tuyển sinh tại Hà Nội cho thấy, vẫn có hiện tượng phụ huynh bỏ cọc để cho con sang trường khác dù phí đặt cọc giữ chỗ đã nộp khá cao.

Vì thế, nếu như năm nay nhà trường tuyển không đủ lượng học sinh như kỳ vọng thì tôi cho rằng, đó là do trường chưa đủ sức để thu hút học sinh. Và cái đó nhà trường cần rà soát, bổ sung chứ không phải do vấn đề không thu phí đặt cọc.

Khi điều kiện nhà trường chưa đủ sức hút để giữ học sinh thì họ bỏ đi là việc bình thường phải chấp nhận", lãnh đạo nhà trường nói thêm.

Ngoài ra, vị này cũng cho biết thêm, kể cả học sinh vào trường, dù không mất khoản tiền đặt cọc giữ chỗ nhưng khi học sinh đỗ vào trường khác tốt hơn, nếu phụ huynh có nguyện vọng nhà trường vẫn tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh ấy chuyển trường.

"Thậm chí, ở Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế hiện tại còn có trường hợp học sinh nợ học phí hàng chục triệu đồng nhưng chúng tôi vẫn để các em đó đi học bình thường. Chúng tôi quan niệm, việc đóng học phí là của người lớn, trẻ con cần được đi học theo quyền lợi mà các em cần được hưởng.

Vì vậy, cốt lõi của vấn đề vẫn là việc đảm bảo cơ sở vật chất, đặc biệt là gia tăng số lượng trường công lập trên địa bàn Hà Nội để cân bằng với tốc độ tăng dân số và tỷ lệ học sinh của từng khu vực.

Ngoài ra ngành giáo dục có thể xem xét xây hệ thống phần mềm tuyển sinh trực tuyến có chức năng lọc ảo như vậy một học sinh có thể đăng ký được nhiều trường", thầy Thư nêu quan điểm.

Giữ chân học sinh bằng tiền cọc có thể khiến xã hội có cái nhìn méo mó về giáo dục

Đồng quan điểm về vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Khắc Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đặng Thai Mai (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho rằng, có thể điều kiện các trường ở khu vực nội thành có tính chọn lựa học sinh cao nên mới có việc thu phí giữ chỗ. Nhưng theo nhìn nhận của vị này, dù bất cứ nguyên nhân nào thì trong việc này, có thể đối tượng chịu thiệt thòi sẽ là học sinh con nhà khó khăn.

Được biết, Trường Trung học phổ thông Đặng Thai Mai cũng là đơn vị tư thục không thực hiện việc thu phí đặt cọc giữ chỗ với học sinh tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 trên địa bàn Hà Nội.

“Trong giáo dục tư thục có yếu tố kinh doanh giáo dục , tuy nhiên trong yếu tố kinh doanh này cũng cần người đứng đầu có tâm giáo dục và cần hướng đến nhu cầu học tập thiết thực của học sinh. Qua đó phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, khi các trường thực hiện việc thu phí đặt cọc giữ chỗ, nếu trong cùng một cộng đồng cư dân đó, người yếu thế chắc chắn sẽ chịu thiệt thòi.

Trong khi đó, mục tiêu đã đặt ra đối với ngành giáo dục hướng tới là để không một ai bị "bỏ lại phía sau" thì việc gián tiếp hạn chế quyền được học tập thông qua tác động vào kinh tế như vậy cũng cần được các trường có sự cân nhắc, suy xét.

Thậm chí, nếu các trường chạy đua theo việc này, tôi e rằng trong tương lai nó sẽ tạo sự bất bình đẳng trong giáo dục. Cơ hội học tập của người nghèo sẽ bị giảm đi”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mai Hắc Đế chia sẻ thêm.

Theo đó, trong việc này thầy Sỹ bày tỏ quan điểm rằng, cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách nên quan tâm đến việc bổ sung hệ thống trường lớp trên địa bàn các khu vực có mật độ gia tăng dân số đông đúc của Hà Nội.

384566992_645358700917170_3922852366826691094_n.jpg
Thầy Đàm Khắc Sỹ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đặng Thai Mai (áo trắng). Ảnh: fanpage nhà trường

Bên cạnh đó, thầy Sỹ cũng cho rằng: “Việc thu phí giữ chỗ mà các trường đang thực hiện có thể là “có lợi” cho nhà đầu tư, cho nhà trường. Dẫu biết rằng việc huy động các nguồn lực trong xã hội để phục vụ cho mục đích hoạt động giáo dục là điều bình thường. Tuy nhiên, khi quá lạm dụng thì vô tình nó nguồn lực đó nó không tạo ra nhiều giá trị.

Chưa kể, trong các mùa tuyển sinh vừa qua, việc thu phí đặt cọc giữ chỗ tại một số trường đã xảy ra tình trạng phụ huynh bỏ cọc, thậm chí là chấp nhận bỏ số tiền cọc rất lớn để chuyển con sang trường khác ưng ý. Đó cũng là một sự lãng phí rất lớn trong việc huy động nguồn lực phục vụ cho giáo dục.

Tất nhiên, nếu phụ huynh mạnh tài chính thì việc bỏ cọc để chạy theo nguyện vọng của học sinh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, khi các trường chạy đua theo việc giữ chân học sinh bằng kinh tế có thể tạo ra định kiến và làm méo mó bức tranh giáo dục đối với hệ thống các trường trung học phổ thông tư thục.

Đối với Trường Trung học phổ thông Đặng Thai Mai, trong các năm học gần đây, ngoài việc không thu phí đặt cọc giữ chỗ với học sinh khi tuyển sinh lớp 10 vào trường, trong quá trình học tập của học sinh tại đây, trường còn tự bỏ tiền ra để thuê giáo viên người nước ngoài về dạy ngoại ngữ cho học sinh”.

Trung Dũng