Vừa qua (ngày 4/7), tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Trước thông tin trên, nhiều phụ huynh, lãnh đạo phòng giáo dục ở các huyện nghèo miền núi có con/học sinh đang theo học cấp học này bày tỏ niềm vui và phấn khởi vì có thể được giảm bớt đi một khoản phí phải lo vào đầu năm học. Nhiều chuyên gia cũng có quan điểm đồng tình đối với đề xuất trên vì đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của nhân dân.
Tuy vậy, dư luận hiện nay có luồng ý kiến cho rằng, học phí trong nhà trường cấp trung học cơ sở chỉ là phần nổi, chiếm số phần trăm khiêm tốn so với các khoản phụ thu khác. Nếu đề xuất miễn học phí trên được thực thi, liệu các trường có tăng các khoản thu này để có thể vận hành nhà trường hay không?
Xung quanh vấn đề này, thầy Hoàng Hữu Niềm – Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Kinh đô (Hà Nội), cho rằng đề xuất của vị tư lệnh ngành là rất tốt cho nhân dân vì hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc này ở bậc đại học, riêng cấp trung học cơ sở ở ta đã bàn mãi mà vẫn chưa làm được.
Theo thầy Niềm, vấn đề thu khoản phụ phí trong nhà trường hay những biến chứng như học thêm – dạy thêm từ trước đến nay vẫn diễn ra, “nhiều cái là quy luật: chống chỗ nọ, thì lại tìm đến chỗ kia”.
Thầy Hoàng Hữu Niềm – Hiệu trưởng trường Trung học Phổ thông Kinh đô (Hà Nội). Ảnh: Giaoduc.net.vn |
“Nếu như miễn học phí, nhưng lại thu khoản khác thì thực sự không giải quyết được gì cả. Nếu những vùng bình thường (trừ vùng khó khăn như miền núi, hải đảo), tôi lấy ví dụ, phụ huynh đóng học phí cho con em 100 nghìn đồng/tháng mà nhà trường dạy tốt thì còn hơn là việc miễn học phí mà phụ huynh phải đóng những khoản tiền khác gấp 2, gấp 3 lần học phí”, thầy Niềm băn khoăn khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Bàn về nguyên nhân, thầy Nguyễn Hữu Niềm cho hay, đầu tư của Nhà nước cùng nhu cầu phát triển của hệ thống giáo dục vẫn còn khoảng cách. Nếu nguồn lực của Nhà nước mà đủ để đầu tư phát triển hệ thống thì chắc chắn sẽ hết việc lạm thu, biến chứng học thêm – dạy thêm. Hiện nay, nước ta chưa làm được điều đó. Và thầy Niềm minh họa cho việc này bằng mức lương, đời sống chật vật của đội ngũ giáo viên hiện nay.
“Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng cần phải sòng phẳng, minh bạch việc nhà trường cần chi bao nhiêu tiền cho học sinh/năm; nhà nước, nhân dân đáp ứng được bao nhiêu. Tôi đề xuất, sắp tới Nhà nước cần tăng đầu tư lên; mở rộng hệ thống ngoài công lập theo nhu cầu kèm cơ chế thông thoáng để có thể "gánh" được những yêu cầu cao của nhiều phụ huynh. Lưu ý, điều này cũng phải xét tới bối cảnh ngân sách Nhà nước hiện nay có tăng được không? Chúng ta cần phải suy xét trên một góc độ toàn cục”, thầy Niềm trăn trở.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch hội đồng quản trị trường Lômônôxôp Hà Nội (Ảnh: Giaoduc.net.vn) |
Đồng quan điểm, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lômônôxôp Hà Nội, cho biết đề xuất miễn học phí của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là đúng xu thế chung, hợp tình hợp lý trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực phổ cập giáo dục.
Cùng băn khoăn việc tăng các khoản thu khác, thầy Cường bày tỏ quan điểm phải công khai, được sự đồng tình của các bên như nhân dân, nhà trường và phía cơ quan quản lý.
“Tôi lấy ví dụ như một ngôi trường, địa phương đó có nhu cầu lắp hệ thống Projector (máy chiếu – phóng viên) thì phải giải thích cụ thể cách sử dụng nó như thế nào. Muốn trang bị cho lớp, nhiều Ban đại diện phụ huynh lại đi vận động phụ huynh đóng góp mua sắm, thậm chí áp đặt; trong khi những gia đình nghèo lại không có điều kiện.
Như vậy, việc này phải rõ ràng. Tôi kiến nghị cơ quan quản lý phải tham gia, các trường không được tùy tiện. Thu thêm thì được nhưng người dân phải ủng hộ. Việc này, các tỉnh phải có sự thí điểm để có kinh nghiệm dựa theo nguồn thu nhập của từng nơi”, nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường cho hay.