Giờ lại thêm Covid với những khó khăn gấp bộ về học tập và sinh hoạt, du học sinh ngày càng phải đối mặt với nhiều nỗi lo âu, áp lực. Đừng ngại tìm sự giúp đỡ, hỗ trợ về tâm lý nhé!
Những vấn đề thường dễ xảy ra với tâm lý sinh viên
Không phải ai cũng có tâm lý vững vàng khi bước vào môi trường đại học, càng khó hơn cho du học sinh khi phải học bằng ngôn ngữ thứ hai (không phải tiếng mẹ đẻ) và tại các nền giáo dục hàng đầu, chất lượng cao thì cũng đòi hỏi cao như Mỹ, Anh, Canada…
Quá tải bài tập về nhà, áp lực vì không theo kịp bài giảng trên lớp, âu lo vì khó hoà đồng do khác biệt văn hóa, mệt mỏi với công việc làm thêm… là những trường hợp mà phần lớn sinh viên năm đầu đều gặp phải mỗi ngày.
Mỗi sinh viên đều có thể gặp những khó khăn cần được chia sẻ. |
Với sinh viên có tâm lý nhạy cảm mà buộc phải ở một môi trường tập trung nhiều cá tính khác nhau như ký túc xá với rất nhiều tiểu tiết va chạm hàng ngày như người sạch - người bẩn, người gọn gàng – người bừa bãi…. đều có thể dẫn đến xung đột, dù thể hiện hay ngấm ngầm chịu đựng nhau.
Thậm chí, không có gì cũng thành chuyện: Một du học sinh mắc chứng bất an đã chia sẻ rằng bạn và người ở cùng phòng hiếm khi nói chuyện với nhau, đấy cũng là lý do bạn cảm thấy khó chịu khi ở trong phòng với cô bạn kia.
Điều làm bạn thoải mái nhất là chờ đến kì nghỉ để dọn ra khỏi ký túc và thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt này.
Những cảm xúc tiêu cực được tác động và dồn nén thường xuyên về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sinh viên. Đặc biệt là với du học sinh, những người rời xa quê nhà để đến một nơi xa lạ, cô đơn, có trở ngại với việc hoà nhập vào cộng đồng hơn.
Với đa số bạn thì đây là cảm xúc tạm thời sẽ nhanh biến mất, phần lớn có thể tự chịu đựng và xử lý được vấn đề.
Nhưng cũng có những bạn, việc dồn nén và chịu đựng những việc tác động xấu đến bản thân không có cách giải tỏa khiến nỗi âu lo và mệt mỏi bị tích tụ lớn hơn.
Nếu vấn đề mà bạn nghĩ bản thân có thể tự xoay sở được ngày càng bị tồn đọng chồng chất, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì đừng ngần ngại tìm sự hỗ trợ.
Các trường phổ thông hay đại học chất lượng đều có các chuyên gia và tổ chức hỗ trợ tâm lý cho sinh viên.
Chăm sóc sức khoẻ tâm lý cho sinh viên góp vai trò quan trọng trong cuộc sống đại học. |
Hỗ trợ sức khoẻ tâm lý tại trường – cần thiết và kịp thời
Một du học sinh trường Đại học Michigan chia sẻ: vào năm học thứ 2 bạn đã khám phá ra mạng lưới hỗ trợ tâm lý do nhóm sinh viên dẫn dắt.
Mạng lưới này hoạt động với mục đích phổ biến về các tình trạng tinh thần xấu thường gặp, đồng thời thúc đẩy tâm lý sinh viên tích cực hơn thông qua các buổi thảo luận với chủ đề đa dạng.
Dù chỉ là những người xa lạ nhưng việc được quan tâm và cổ vũ đã khiến bạn cảm thấy rất ấm áp và biết ơn, kể cả khi gặp những khó khăn bạn cũng không bị suy sụp nếu chọn cách chia sẻ để được giúp đỡ.
Không chỉ có những câu lạc bộ hay tổ chức sinh viên tự đứng lên, nhiều trường còn thành lập trung tâm hỗ trợ sức khoẻ tinh thần chính thức, ví dụ như trường Đại học bang Pennsyvalnia.
Trường đại học này đã khảo sát được có đến 30% số sinh viên đang cần được trợ giúp về mặt tâm lý trong suốt những năm từ 2009 đến 2015.
Ngay sau khi thành lập trung tâm này, số lượng sinh viên đăng ký vào học tại trường đã tăng lên đến 5%.
Theo như trung tâm của trường phân tích cho thấy khoảng một nửa số sinh viên tìm đến chuyên viên tư vấn trong năm trước có một số triệu chứng trầm cảm.
Nỗi âu lo thường nhật đã chiếm tới 62% nguyên nhân gây ảnh hưởng tới cuộc sống của những bạn sinh viên này.
Trong đó, có đến một phần ba trong những người tìm kiếm sự trợ giúp đã có ý định kết thúc cuộc sống khi rơi vào thời điểm không thể chịu đựng được.
Tại Đại học Nam California, những sinh viên gặp phải khủng hoảng và khó khăn lên đến cả nghìn bạn và được các cố vấn khủng hoảng giúp đỡ ngay lập tức với hàng giờ tư vấn, chăm sóc tinh thần cho đến khi ổn định.
Tại Đại học Texas - Austin, các cố vấn đã được đưa vào hoạt động khắp nơi trong khuôn viên trường.
Mô hình hoạt động này được nhận xét là sự kết hợp giữa sự tương tác gần với sinh viên với những chuyên gia được đưa vào các nhóm xã hội thu nhỏ, tiếp cận những vấn đề cụ thể thiết thực của từng nhóm sinh viên.
Đặc biệt là với du học sinh Việt Nam, đây là phương pháp chăm sóc thiết thực và hữu ích. Trong tình hình bệnh dịch COVID-19 đang hoành hành, rất nhiều bạn đang kẹt lại tại Mỹ và không thể trở về quê nhà.
Rơi vào trạng thái này, việc cảm thấy hoang mang, lo sợ là điều tất yếu bởi các bạn không thể biết tương lai sẽ đi về đâu khi dịch bệnh khiến mọi thứ trở nên bất an.
Điều kiện học tập ngày càng khó khăn vì phải học trực tuyến, lại ở xa gia đình và bạn bè nên không nhận được sự trợ giúp tinh thần.
Trong giai đoạn dịch bệnh đặc biệt khó khăn này, tất cả các trường đều đã tiên lượng được sự cần thiết phải có các đường dây nóng, các bộ phận chuyên chăm sóc hỗ trợ tinh thần cho sinh viên.
Thông tin về các bộ phận này sẽ được cập nhật liên tục qua email cho từng học sinh, qua website, bản tin trường hay có thể hỏi tại các văn phòng…
Đừng ngần ngại mà hãy sẵn sàng gọi một cuộc điện thoại để được hẹn lịch và các chuyên gia cùng các tổ chức tình nguyện sẽ ngay lập tức cùng bạn gỡ rối các khúc mắc. Hãy nhớ, sức khỏe Tâm lý cũng quan trọng chẳng kém gì sức khỏe thể chất, nếu không nói là hơn.
Chúc các bạn luôn bình an để hoàn thành tốt mục tiêu học tập cũng như tận hưởng thời sinh viên sôi nổi của mình.