Việt Nam dưới góc nhìn của các Nhà giáo Đức

28/05/2018 06:41
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Các bạn Đức sẽ bình luận tiếp tục ở Đức để quảng bá "hãy đến thăm Việt Nam", một đất nước với rất nhiều khuôn mặt trẻ, đầy sức sống vươn lên và rất mến khách…

LTS: Là một nhà giáo đã về hưu tại Cộng hòa Liên bang Đức, tác giả Đinh Tuyết Mai tiếp tục gửi đến độc giả những chia sẻ của nhóm Nhà giáo có trình độ Tiến sĩ, về đất nước và con người Việt Nam sau chuyến "du lịch bụi" của họ tại Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tình bạn của chúng tôi được bắt đầu từ những năm đại học. Bây giờ lại cùng sinh hoạt ở hội hưu trí Stuttgart nên các bạn Đức được nghe tôi kể nhiều điều tốt đẹp về Việt Nam và đặc biệt là được mời ăn các món ăn đặc sản Việt do tôi "đạo diễn" vào những dịp lễ, tết…

Các bạn khoái nhất là ăn nem rán, phở và bánh rán nhân đậu xanh với hạt vừng trắng bọc ngoài, nhìn rất đẹp và hấp dẫn.

Bây giờ đã nghỉ hưu cả rồi, song chúng tôi vẫn còn sung sức. Vì vậy, các bạn thổ lộ nguyện vọng được tôi đưa đi "du lịch bụi" 2 tuần ở Việt Nam.

Các bạn muốn chứng kiến tận mắt "người thật, việc thật" tại quê hương tôi. 

Qua bài viết này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc một vài bình luận dí dỏm và rất tinh tế của nhóm Nhà giáo có trình độ Tiến sĩ, về đất nước và con người Việt Nam.

Chúng tôi hạ cánh 6 giờ sáng ở Tân Sơn Nhất, trước khi đến khách sạn, lái xe đưa chúng tôi đi một chuyến tham quan để tìm hiểu tổng quan Thành phố Sài Gòn. 

Tôi rất vui và tự hào khi các bạn trầm trồ ca ngợi vẻ đẹp của "Hòn ngọc viễn đông" với City Hall, Notre Dame, Nhà bưu điện chính, chùa Ngọc Hoàng, đền Trần Hưng Đạo… và đặc biệt là kiến trúc hiện đại của Sky Deck Sài Gòn trên tòa nhà "Bitexco Financial Tower".

Sài Gòn có Sky Deck thật tuyệt vời và đầy ấn tượng (Ảnh: tác giả cung cấp).
Sài Gòn có Sky Deck thật tuyệt vời và đầy ấn tượng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ngày hôm sau chúng tôi đi thăm chợ Bến Thành.

Vừa bước chân vào chợ, nhìn thấy mấy ông bà tây da trắng, mắt xanh, nhiều nhân viên bán hàng ào đến mời chào: "Hello Madam, wanna buy T-Shirt"; "Good Morning, Madame buy coffee"…

Tôi đang bận rộn tìm mua cho bạn Carmen một chiếc kính râm thì bà Julia đã gặp phải một tình huống không lường tới. 

Một phụ nữ trẻ níu cánh tay bà, dẫn đến quầy hàng của chị ta ở gần đó và đưa ra 1 chiếc khăn lụa mỏng mời chào. 

Julia sững người, không biết phản ứng thế nào, với thói quen lịch sự bà cười và trả lời: "xin hãy đợi một chút".

Tôi hiểu là Julia muốn chờ sự giúp đỡ của tôi. Song, thế là nguy hiểm rồi!

Chị bán hàng dịu dàng quàng chiếc khăn lên cổ Julia và tiếp tục tấn công "very good, happy hour, only 70.000 đồng". 

Julia không có cách nào khác là buộc phải trả tiền và nhận chiếc khăn để được yên thân. Rõ khổ cái thân già, không có ý định mua mà "bị ép mua".

Rất may là "màn hài kịch bất đắc dĩ" ở chợ Bến Thành đã được quên nhanh nhờ chuyến "Du thuyền trên sông Sài Gòn" vào tối hôm đó. 

Cảnh Sài Gòn ban đêm chụp từ du thuyền (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cảnh Sài Gòn ban đêm chụp từ du thuyền (Ảnh: tác giả cung cấp).

Trong khi thuyền chạy, du khách thưởng thức bữa tối đặc sản với chương trình ca múa dân tộc. 

Các điệu múa nón, múa quạt uyển chuyển của chị em đã để lại những ấn tượng không thể nào quên cho nhóm bạn Đức.

Múa quạt trên du thuyền (Ảnh: tác giả cung cấp).
Múa quạt trên du thuyền (Ảnh: tác giả cung cấp).

Hôm sau chúng tôi rời Sài gòn đi thăm Mekongdelta. Cảnh mua bán tấp nập, hối hả trên sông Mekong tại chợ nổi Cái Răng diễn ra rất độc đáo. 

Thuyền lớn, thuyền nhỏ len lách để mua, bán theo "luật giao thông cha truyền, con nối". 

Bà Corinna sửng sốt thốt lên: "Chợ trên thuyền thật nhộn nhịp, hỗn độn một cách hoàn hảo" và bà chụp ảnh lia lịa.

Tối hôm đó Corinna chỉ cho chúng tôi một bức ảnh bà chụp được và khoái chí với 2 nhận xét rất hóm hỉnh từ bức ảnh:                 

"Những chiếc nón không chỉ đơn thuần là thời trang mà còn để chống nắng và quạt mát khi nóng bức cho phụ nữ trên chợ thuyền. Thật thông minh, đẹp và tiện dụng quá!

"Đáng nể chị em Việt Nam quá! Hầu hết phụ nữ đều ngồi xổm hàng tiếng đồng hồ trên thuyền mà không hề mệt mỏi. Tại sao không trang bị ghế để ngồi?".

Tôi nhanh ý tìm lời giải thích: "thuyền nhỏ, hàng hóa nhiều, không đủ chỗ đặt ghế. Hơn nữa các chị phải vận động liên tục khi mua bán, có thể chiếc ghế sẽ gây cản trở, thậm chí gây ra tai nạn". 

Tối hôm đó ở khách sạn, bà Carmen đề xuất "thử ngồi xổm" và được cả nhóm ủng hộ. Nhưng chỉ ngồi được vài ba phút các bạn của tôi đã ngã đổ kềnh. Chúng tôi cười chảy nước mắt.

Cảnh mua bán tấp nập trên sông Mekong tại chợ Cái Răng (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cảnh mua bán tấp nập trên sông Mekong tại chợ Cái Răng (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đồng bằng sông Cửu Long với chợ nổi Cái Răng và cảnh đẹp ở Cần Thơ như: chùa bà Khmer, chùa Phật học cộng với bữa ăn hải sản tươi ở nhà hàng tại bến cảng Ninh Kiều đã để lại trong chúng tôi một kỷ niệm rất thú vị, không thể nào quên...

Sau khi hạ cánh ở sân bay Nội Bài sáng thứ 2, một tài xế trẻ đón chúng tôi về khách sạn ở trung tâm thủ đô.

Trong khi xe chạy trên đường cao tốc, bất chợt chúng tôi rùng mình hoảng sợ khi nhìn thấy 2 thanh niên từ luồng đường của chúng tôi, trèo qua bức tường ngăn sang luồng đường ngược chiều bên kia và chạy thật nhanh vào khu phố bên đường. 

Anh lái xe ái ngại giải thích: "khu vực này là trung tâm thương mại của địa phương từ lâu đời. Từ khi có đường cao tốc cắt ngang đây, mặc dù nhân dân kêu ca rất nhiều song Nhà nước không xây dựng cầu vượt cho người đi bộ. 

Vì vậy thỉnh thoảng có hiện tượng "du kích liều mạng vượt cắt đường" để tiết kiệm thời gian. May mắn là cho đến nay chưa có vụ tai nạn nào xảy ra.

Chiến thuật "du kích đánh nhanh, thắng nhanh" của Việt Nam đó. 

Chúng tôi cùng cười và thở phào nhẹ nhõm. 

Trước khi đến khách sạn, xe chở chúng tôi đi tham quan để nhìn tổng quan thành phố Hà Nội. 

Đường phố tràn ngập các loại xe 2 bánh, 3 bánh và 4 bánh…, tiếng còi ô tô inh ỏi đã làm chúng tôi quên lập tức sự kiện "du kích vượt ngang đường cao tốc" vừa qua. 

Sáng hôm sau, chúng tôi đi bộ thăm khu phố cổ và trung tâm thủ đô. Khác với châu Âu, các vỉa hè đường phố ở Hà Nội luôn đầy ắp người, khắp nơi đều là những điểm mua bán nhộn nhịp, không theo một trật tự nào. 

Dọc theo vỉa hè, một nhóm đàn ông ngồi đánh cờ vua. Bên cạnh đó là một "hiệu cắt tóc ngoài trời". 

Chúng tôi hùa nhau thuyết phục ông Hans ngồi cắt tóc ở đây. 

Thợ cắt tóc khoảng 45 tuổi, rất vui vẻ và tự hào khi nhận được một ông khách mắt xanh, mũi lõ. 

Trong suốt cuộc đời, các bạn Đức của tôi chưa từng chứng kiến một dịch vụ "nhanh, rẻ và đẹp" như thế này ở Hà Nội. 

Ông Hans cắt tóc ở vỉa hè dưới sự tò mò quan sát của chúng tôi (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ông Hans cắt tóc ở vỉa hè dưới sự tò mò quan sát của chúng tôi (Ảnh: tác giả cung cấp).

Liền kề đó là quán bán xôi, bún, phở...với những bộ bàn ghế rất đơn giản. Người lớn, trẻ em tấp nập ngồi ăn tự nhiên, không hề quan tâm đến khói bụi mù mịt từ ống xả của xe máy, ô tô. Thêm vào đó xuất hiện mấy chị bán hoa quả rong trên đường phố.

Bà Carmen tự hỏi: Ở Hà nội có định kỳ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm ở các quán ăn vỉa hè hay không?

Có lẽ các món ăn vỉa hè tươi, ngon và rẻ hơn nên vấn đề vệ sinh ít được khách hàng quan tâm?

Chúng tôi nhất trí cùng ăn phở ở một quán vỉa hè đông khách nhất gần đó. Khi ngồi xuống ghế của một bàn còn trống, các bà bạn lập tức nhìn thấy cô bán hàng trẻ rửa nhiều chén, bát…trong cùng một chậu nước, sau đó chén bát không được tráng lại bằng nước sạch, chỉ lau khô rồi dùng tiếp.

Thế là các bạn tôi không còn hứng để ăn phở nữa rồi. Ông Hans chụp vội vàng một vài bức ảnh làm kỷ niệm, sau đó chúng tôi trả tiền và tạm biệt quán ăn.

Ăn phở tại vỉa hè Hà Nội (Ảnh: tác giả cung cấp).
Ăn phở tại vỉa hè Hà Nội (Ảnh: tác giả cung cấp).

Đặc biệt thú vị khi chúng tôi ngồi nghỉ và quan sát quang cảnh quanh hồ Hoàn Kiếm. Buổi sáng nhiều bạn trẻ chạy bộ vài vòng xung quanh hồ, trong khi các ông bà hưu trí tập thể dục nhịp điệu theo nhạc. 

Cách đó không xa, một phụ nữ chọn nhạc thích hợp từ Radio, sau đó mời các thành viên trong tốp nhảy của chị cùng nhảy Disco Fox, rất tự nhiên và hào hứng.

Không khí văn nghệ, thể thao của "câu lạc bộ ngoài trời" quanh hồ Hoàn Kiếm thật giản dị và sôi động.

Mọi người từ già đến trẻ, nếu ai có thời gian, đều có thể cùng tham gia "Câu lạc bộ ngoài trời" mộc mạc này mà không phải trả bất cứ lệ phí nào.

Ông Hans thốt lên: tuyệt vời quá! Rồi kéo các bà bạn đứng dậy cùng tham gia nhảy múa.

Nhảy múa tập thể ven hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: tác giả cung cấp).
Nhảy múa tập thể ven hồ Hoàn Kiếm (Ảnh: tác giả cung cấp).

Khoảng gần 11 giờ trưa, chúng tôi rời "Câu lạc bộ ngoài trời", muốn đi bộ qua đại lộ Đinh Tiên Hoàng sang thăm tượng đài vua Lý Thái Tổ. 

Chúng tôi đứng ở vị trí "đường ngựa vằn" dành cho người đi bộ để qua đường. Song, ô tô, xe máy phóng liên tục, không thèm đếm xỉa gì đến việc phải dừng lại để nhường đường cho người đi bộ theo đúng luật giao thông. 

May quá, một phụ nữ dắt xe đạp làm bức tường chắn và dẫn chúng tôi cùng băng qua đường ngựa vằn. 

Chị giải thích: "nếu cứ chờ xe dừng lại mới đi qua đường thì phải chờ đến tối…". 

Đường phố Hà Nội vào giờ cao điểm tại khu vực trung tâm càng hỗn độn hơn. Số lượng ô tô và xe máy nhiều lên gấp bội, song đường phố thì vẫn như ngày xưa, không rộng hơn và cũng không nhiều lên… 

Người lái ô tô chiếm lấn tất cả mọi luồng đường một chiều. Do vậy người đi xe máy chỉ còn cách chen được vào đâu thì chen, tắc quá thì trèo lên vỉa hè mà lách…

Bà Corinna bình luận: "Giao thông hỗn độn trên đường phố Việt Nam được điều khiển bằng những luật lệ sinh tồn rất tinh tế.

Có lẽ đây là luật giao thông được ngầm hiểu qua luồng điện sinh học hoàn hảo của riêng người Việt Nam". 

Tại sao Nhà nước không xây dựng cầu vượt cho người đi bộ và xe đạp để giải thoát hiện tượng tắc đường giờ tan tầm?

Tiếp đó chúng tôi đi thăm vịnh Hạ Long để thư giãn và thưởng thức phong cảnh thiên nhiên nổi tiếng được UNESCO công nhận. 

"Hạ Long đẹp như tranh vẽ" là nhận định của các bạn tôi…3 ngày 2 đêm trên thuyền, được hít thở không khí trong sạch của vịnh Hạ Long và thưởng thức các món ăn đặc sản tươi sống với sự phục vụ chu đáo, cởi mở của nhân viên trên tàu đã giúp chúng tôi phục hồi sức khỏe, chuẩn bị cho chuyến bay dài trên 11 tiếng trở về Đức sắp tới.

Hòn Gà chọi trên vịnh Hạ Long là bức tranh thiên nhiên duy nhất và đẹp nhất, đó là bình luận của nhóm bạn Đức (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hòn Gà chọi trên vịnh Hạ Long là bức tranh thiên nhiên duy nhất và đẹp nhất, đó là bình luận của nhóm bạn Đức (Ảnh: tác giả cung cấp).

Chúng tôi từ Hạ Long về Hà Nội vào chiều thứ 6 (ngày 18/5/2018). Hôm sau, sáng thứ 7, chúng tôi đi dạo quanh trung tâm Hồ Hoàn Kiếm để tạm biệt Hà Nội.

Kỳ lạ thay, các đường phố trung tâm thủ đô thật thanh bình, không có tiếng còi inh ỏi của xe máy, ô tô, không có hiện tượng giao thông chen chúc, hỗn độn, ồn ào như thường lệ. 

Một cảnh sát cho biết: từ hơn 1 năm nay, thành phố quy định: từ 19 giờ ngày thứ 6 đến 24 giờ ngày chủ nhật và các ngày lễ, tết, tuyệt đối cấm các loại xe đi vào trung tâm. 

Do đó khu vực Hồ Gươm trở nên đẹp hơn, thanh bình hơn và an toàn hơn cho nhân dân và khách du lịch nước ngoài… 

Nhờ đó, đại lộ Đinh Tiên Hoàng vào cuối tuần đã trở thành nơi tập luyện cho các nhóm bạn trẻ yêu nghệ thuật như hòa nhạc, hát, nhảy hiện đại hoặc chụp ảnh cưới, chụp ảnh tập thể…

Nhóm thanh nữ luyện tập điệu nhảy hiện đại ven Hồ Gươm (Ảnh: tác giả cung cấp).
Nhóm thanh nữ luyện tập điệu nhảy hiện đại ven Hồ Gươm (Ảnh: tác giả cung cấp).

Ở trung tâm các thủ đô lớn trên thế giới như Berlin, Viena, Rom, Paris, London, New York…, có những khu phố chỉ dành cho người đi bộ và cấm các loại xe chạy bằng động cơ. 

Quy định này đã được thực hiện từ rất nhiều năm. Bởi vì thủ đô là bộ mặt của một quốc gia, vì vậy mỗi người dân đều phải cố gắng để góp phần xây dựng thủ đô sạch, đẹp và trở thành trung tâm văn hóa.

Chúng tôi hy vọng rằng: Trong thời gian tới, trung tâm Hồ Hoàn Kiếm của thủ đô, sẽ chỉ dành cho người đi bộ vào tất cả mọi ngày…

Tối 19/5/2018 chúng tôi tạm biệt Việt Nam. Các bạn Đức sẽ bình luận tiếp tục ở Đức để quảng bá "hãy đến thăm Việt Nam", một đất nước với rất nhiều khuôn mặt trẻ, đầy sức sống vươn lên và rất mến khách…

Đinh Tuyết Mai