Dự thảo Quy chế Hội thi NCKH kỹ thuật: 2 điểm thay đổi giúp kỳ thi thực chất hơn

22/11/2023 08:42
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Vào tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động của cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, trong đó có câu hỏi có nên dừng cuộc thi này hay không.

Thời điểm đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến giáo viên trong bối cảnh, các phương tiện truyền thông đã phản ánh nhiều tồn tại, bất cập, có dấu hiệu tiêu cực của cuộc thi khoa học kỹ thuật ở cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai

Đến giữa tháng 11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông để lấy ý kiến.

Người viết (giáo viên trung học phổ thông) nhận thấy, dự thảo Thông tư này có 2 nội dung đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, bỏ nội dung: "Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học".

Thứ hai, sửa đổi nội dung: Rút từ 22 lĩnh vực dự thi xuống còn 8 lĩnh vực: 1) Toán; 2) Vật lí và Thiên văn; 3) Hoá học; 4) Sinh học; 5) Tin học; 6) Kĩ thuật và Công nghệ; 7) Khoa học Trái Đất và Môi trường; 8) Khoa học xã hội.

Theo tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi 2 nội dung này sẽ giúp cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ dần đi vào thực chất hơn như mục tiêu của dự thảo Thông tư đề ra.

Cụ thể, "cuộc thi góp phần hiện thực hoá mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn".

"Góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá; thúc đẩy giáo dục STEM trong phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học".

Cùng với đó, nội dung dự thảo Thông tư tránh được sự can thiệp của các nhà khoa học (các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân) vào dự án của học sinh.

Theo dõi cuộc thi khoa học kĩ thuật hàng năm của học sinh phổ thông tôi thấy rằng, một số đề tài (nhất là các đề tài cấp quốc gia, quốc tế) quá tầm so với lứa tuổi, khả năng của học sinh trung học, kể cả các nhà khoa học chuyên ngành.

Ví dụ, một số dự án liên quan đến việc phát hiện, điều trị bệnh hiểm nghèo (ung thư), vật liệu mới, thiết bị công nghệ cao trong y tế, phòng chống COVID-19, chống biến đổi khí hậu, cứu hộ... là quá sức với trình độ của học sinh trung học cơ sở (lớp 8, lớp 9), trung học phổ thông.

Việc học sinh nghiên cứu về ung thư khiến các nhà khoa học "sốc", bởi lẽ "các em chưa có kiến thức căn bản về y học, trong khi ung thư đang là thách thức của nhân loại".

Vậy nên, có dư luận cho rằng, học sinh phổ thông rất khó làm được các đề tài như thế và đề nghị ngành giáo dục cần làm rõ có hay không đó là sản phẩm của người lớn làm thay để các em mang đi dự thi.

Đó cũng là lí do khiến một số chuyên gia, nhà khoa học và giáo viên phổ thông đã có đề xuất nên dừng tổ chức cuộc thi này.

Tuy vậy, tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những cải tiến phù hợp với khả năng nhận thức và sự hiểu biết của các em về lĩnh vực và dự án dự thi.

Đó là, việc học sinh đóng góp bao nhiêu phần trăm công sức cho dự án và khả năng ứng dụng thực tiễn của các sản phẩm đạt giải đến đâu là những câu hỏi cần làm rõ.

Hoặc cần có thêm có thêm quy định, giám khảo phải dùng phần mềm chống đạo văn để chấm thi và chú ý cách thể hiện, chỉ báo xem có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không.

Thiết nghĩ, những nội dung này cũng nên đưa thêm vào dự thảo Thông tư để giáo viên có ý kiến thêm.

Liên quan đến cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2022-2023, cách chấm thi của giám khảo đã có những thay đổi so với những năm học trước.

Đó là chú ý về nội dung, phương pháp thực hiện dự án xem có phù hợp với các yếu tố thời gian, cơ sở vật chất, phương tiện nghiên cứu hay không; so sánh đối chiếu dự án dự thi với các nghiên cứu trước đó và giữa các dự án cùng đề tài…

Cùng với đó, lãnh đạo các nhà trường phải đảm bảo về dự án dự thi của học sinh. Ở vòng chung khảo cấp Thành phố, nội dung phỏng vấn của ban giám khảo với học sinh đặc biệt được chú trọng.

Các câu hỏi của ban giám khảo không chỉ giúp học sinh thể hiện được rõ nét năng lực của bản thân mà còn xác minh tính trung thực của dự án.

Bên cạnh việc đồng tình với những nội dung được sửa đổi trong dự thảo Thông tư thì tôi vẫn còn băn khoăn về một số quy định như:

"Một người (giáo viên) chỉ được hướng dẫn 01 (một) dự án dự thi trong 01 (một) lần tổ chức Hội thi" (thay vì tối đa 02 dự án) như quy định hiện hành.

Tôi có ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định một người được phép hướng dẫn 2 dự án để phát huy khả năng học thuật của giáo viên và tạo thêm cơ hội cho học sinh đam mê nghiên cứu khoa học có người dìu dắt.

Cùng với đó, dự thảo Thông tư cho phép học sinh lớp 8, lớp 9 tham gia dự thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật cũng là điều nên cân nhắc.

Học sinh lớp 8 (14 tuổi) chưa được trang bị đầy đủ tri thức khoa học cần thiết để có thể tự thân (hoặc cùng nhóm) nghiên cứu một dự án độc lập. Nếu thầy cô giáo can thiệp quá nhiều vào dự án sẽ khiến các em ngộ nhận về thành tích - nếu đoạt giải.

Riêng học sinh lớp 9 (15 tuổi), bên cạnh việc học tập ở trường, các em còn phải lo ôn thi tuyển sinh vào 10 nên không còn thời gian làm dự án ở trường, phòng thí nghiệm hay phạm vi ngoài nhà trường.

Thực tiễn dạy học cho thấy, đến năm lớp 10 thì học sinh mới được học sơ bộ về nghiên cứu khoa học trong môn Ngữ văn qua "Viết báo cáo kết quả nghiên cứu có sử dụng trích dẫn, cước chú và phương tiện hỗ trợ" (bộ Chân trời sáng tạo).

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/co-nen-dung-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-post228734.gd

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-lay-y-kien-du-thao-quy-che-hoi-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-post239203.gd

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/thong-tu-38-2012-tt-bgddt-quy-che-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-150866.aspx

[4] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-32-2017-TT-BGDDT-sua-doi-Thong-tu-38-2012-TT-BGDDT-Quy-che-thi-nghien-cuu-khoa-hoc-373110.aspx

[5] https://laodong.vn/ban-doc/nhung-tranh-cai-ve-cuoc-thi-khkt-quoc-gia-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-hoc-sinh-nghien-cuu-ung-thu-bac-si-choang-876005.ldo

[6] https://tuoitre.vn/tp-hcm-dung-phan-mem-chong-dao-van-de-cham-thi-khoa-hoc-ky-thuat-2023020317204597.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên