Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên được coi là kỳ thi "nóng" nhất trong năm, không chỉ bởi diễn ra vào đúng thời điểm nắng nóng đỉnh điểm mà còn đến từ những áp lực về tỉ lệ chọi.
Các trường trung học phổ thông chuyêntrực thuộc trường đại học ở Hà Nội không chỉ là niềm mơ ước của học sinh ở Thủ đô, mà còn đối với nhiều thí sinh ở tỉnh thành lân cận.
Để được tham gia kỳ thi, phần lớn các bạn đã phải trải qua quá trình ôn luyện căng thẳng. Còn đối với các bậc làm cha mẹ, họ cũng sẵn sàng bỏ công sức, tiền bạc, thời gian để cùng đồng hành với mong muốn, nguyện vọng của các con.
Tại Hà Nội, kỳ thi vào lớp 10 của Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội diễn ra vào ngày 1/6 có hơn 6.100 thí sinh đăng ký tham gia.
Sau đó, ngày 3/6 là đến thời gian thi vào lớp 10 Trường trung học phổ thông Chuyên Ngoại ngữ; kỳ thi của Trường trung học phổ thông Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) diễn ra vào ngày 4/6 và Trường trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) tổ chức thi tuyển lớp 10 vào hai ngày 4-5/6.
Em Hoàng Anh Khôi, học sinh Trường trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Hà Nội) được bố động viên sau khi hoàn thành xong bài thi. |
Theo đó, các thí sinh đăng ký tham gia dự thi ở 2-3 trường chuyên này sẽ phải trải qua lịch trình thi cử dày đặc. Đồng nghĩa với việc các phụ huynh sẽ đồng hành cùng con trong khoảng thời gian 1 tuần.
Không chỉ có không khí căng thẳng của các thí sinh trong phòng thi, ở bên ngoài các bậc cha mẹ cũng đứng ngồi không yên.
Chia sẻ về hành trình đưa con trai dự thi vào chuyên Toán của Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, một phụ huynh (quê Bắc Ninh) kể: "Hai vợ chồng đã đưa con đến Hà Nội từ ngày hôm trước (tức ngày 31/5/2023), do không còn phòng để thuê nên phải ở nhờ nhà người thân. Đến sáng 1/6/2023 cả nhà đã đi từ rất sớm, nhưng đến gần trường lại tắc đường, hai mẹ con phải xuống xe để chạy bộ cho kịp giờ vào phòng thi".
Trong thời gian cậu con trai làm bài thi 2 môn chung vào buổi sáng, hai vợ chồng chia nhau đi tìm nhà nghỉ gần trường với hy vọng buổi trưa cho con hưởng chút điều hòa, nhưng đều đã hết phòng.
Một phụ huynh không tìm được nhà trọ phải mua chiếu để tranh thủ nằm ngả lưng buổi trưa. |
Chờ con thi xong, cả nhà đến căng tin của trường để dùng bữa trưa, vị phụ huynh cho biết: "Giờ ăn trưa rất đông cha mẹ và thí sinh thi, nhà tôi phải chờ gần 1 tiếng mới có cơm để ăn. Nhìn con ăn vội vàng, vừa tranh thủ ôn lại kiến thức khiến tôi xót xa. Bố mẹ cũng không ăn được vì lo lắng, sốt ruột".
Sau khi ăn trưa, ông bố lưng áo ướt thẫm mồ hôi chạy vội đi mua chiếc chiếu nhỏ mang vào nhà thi đấu trải xuống sàn để nằm nghỉ.
Vào đến đây, từ các hàng ghế đến không gian sàn chật kín các bậc phụ huynh và học sinh nghỉ trưa. Nhiều gia đình không kịp chuẩn bị chiếu đành trải áo chống nắng để nằm tạm, tranh thủ chợp mắt.
Nhiều cha mẹ nằm nghỉ trên hàng ghế trống trong nhà thi đấu của trường trong khi con làm bài thi. |
Phụ huynh tránh nóng trong nhà thi đấu của Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội |
Theo chia sẻ của vị phụ huynh, để cổ vũ, động viên tinh thần cho cậu con trai, hai vợ chồng cùng xin nghỉ phép ở cơ quan để đưa con đi thi. Sau khi kết thúc bài thi môn chuyên vào buổi chiều cả nhà lại tức tốc về Bắc Ninh để hôm sau trở lại với công việc.
Tay cầm chiếc quạt giấy quạt liên tục, chị Thúy Anh (Hoàn Kiếm - Hà Nội) chia sẻ: “Dù ở Hà Nội nhưng tôi vẫn phải đặt phòng nghỉ ở gần điểm thi trước 2 tuần để lấy chỗ cho con về nghỉ trưa, đảm bảo sức khỏe. Nắng như thế này, về nhà xong lại đi vừa mất thời gian mà con không được nghỉ ngơi. Tôi thuê theo tiếng, tính ra mất khoảng 450.000 đồng”.
Tận dụng tối đa cơ hội cho con thử sức, nhiều cha mẹ ở các tỉnh/thành ngoài Hà Nội cũng không ngần ngại cùng các con chinh phục các kỳ thi tuyển vào 10 của 2-3 trường chuyên.
Chị Thủy, chị Thơm, chị Minh và chị Thúy (từ trái qua phải) ngồi chờ con hoàn thành bài thi môn chuyên. |
Chị Thủy, chị Thơm (quê Hà Nam) và chị Minh (quê Thái Bình), chị Thúy (quê Nam Định) đã quen nhau từ ngày đưa các con tham gia kỳ thi thử tại Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Lần này đưa con đi thi chính thức, các chị lại cùng nhau tìm thuê trọ, ở chung cho bớt đắt đỏ. Theo chia sẻ, 4 bà mẹ đã liên lạc để tìm thuê nhà trọ cách ngày thi gần 1 tháng với giá dao động từ 500-700 nghìn đồng/ngày.
Chị Thủy cho biết: “Các con đều đăng ký tham gia thi ở 2 trường chuyên nên chúng tôi xác định nghỉ làm 1 tuần để đưa các con đi thi. Con tôi thi vào lớp Chuyên Toán của Trường trung học phổ thông Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và Chuyên Khoa học Tự nhiên.”
Cùng chung tâm trạng, chị Thơm bộc bạch: “Xuống Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ, thời tiết thì khắc nghiệt. Ngồi ngoài chờ con cứ đếm từng phút một. Con thi xong lại lo lắng điểm số, không biết con có làm tốt và đỗ nguyện vọng không, từ lúc ôn thi đến khi biết điểm tinh thần, tâm lý lúc nào cũng căng như dây đàn”.
Phụ huynh đứng nắng chờ con làm bài thi vào 10 chuyên |
Có con thi vào 10 chuyên Toán của hai trường, mẹ lại bận bịu vì là giáo viên ôn thi đại học cho học sinh khối 12 của trường, chị Hoa (quê Thái Bình) xác định phải đi đi về về chứ không thuê nhà trọ ở Hà Nội được.
Chị Hoa cho hay: “Tôi là giáo viên khối 12 nên cũng phải đảm bảo công việc giảng dạy, ôn luyện cho các em. Cố gắng lắm cũng chỉ xin nhà trường cho nghỉ các ngày con thi, chờ con thi xong tôi lại cùng con bắt xe khách về quê. Đến ngày 4/6 lại xuống Hà Nội để con tham gia thi vào lớp chuyên của Trường trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên”.
Bà mẹ nghẹn ngào bày tỏ, hai mẹ con như chạy đua với thời gian, nhiều lúc mệt mỏi, áp lực nhưng vì nguyện vọng, ước mơ của con, chị Hoa lại có động lực để đồng hành cùng con.
Chị kể, trường chị dạy cách nhà 20km nên phải cắm cơm từ sáng, chiều đón con đi học về phải tranh thủ nấu thêm đồ ăn thật nhanh để con kịp ăn và học tiếp ca tối.
"Chỉ mong con làm bài hết khả năng, dù kết quả có ra sao mình vẫn vui vẻ vì hai mẹ con đã rất cố gắng", chị Hoa nói.
Hành trình trưởng thành của các em được đổi lấy bằng tình yêu thương của bố mẹ. Cùng con chinh phục nấc thang học thức, có hy sinh và đánh đổi nhưng người cha, người mẹ chưa bao giờ đặt áp lực lên các con, họ coi đây là một trải nghiệm quý báu, nơi con trẻ được thể hiện mình và lưu giữ kỉ niệm đáng nhớ.