Trong thời đại công nghệ và truyền thông phát triển, ngành Đồ họa không còn là một lĩnh vực hoạt động thuần nghệ thuật mà trở thành mắt xích không thể thiếu trong sáng tạo, quảng bá thương hiệu, thiết kế trải nghiệm người dùng và tương tác số.

Nắm bắt xu thế này, Trường Đại học Đông Á đã tích cực đổi mới chương trình đào tạo ngành Đồ họa theo hướng ứng dụng và kết hợp chuyển đổi số.

Chú trọng tính ứng dụng trong đào tạo

Chia sẻ về tính cấp thiết của việc đổi mới chương trình đào tạo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lân - Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng (đơn vị đào tạo ngành Đồ họa), Trường Đại học Đông Á cho biết: “Ngành công nghiệp sáng tạo đã và đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh mẽ từ phương thức thiết kế thủ công truyền thống sang thiết kế tích hợp công nghệ. Tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền tảng số, mạng xã hội, thương mại điện tử, và các thiết bị công nghệ di động đã mở rộng phạm vi hoạt động của ngành Đồ họa, từ ấn phẩm in ấn sang các không gian kỹ thuật số như website, ứng dụng di động, mạng xã hội, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI).

Chính sự biến đổi đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với người làm thiết kế, không chỉ có thẩm mỹ và kỹ năng sử dụng phần mềm, mà còn phải có tư duy hệ thống, hiểu biết công nghệ, khả năng làm việc liên ngành và giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo.

Đồng thời, các nhà tuyển dụng cũng ưu tiên những ứng viên có năng lực thực hành cao, quen thuộc với môi trường số, biết sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định thiết kế và có thể làm việc độc lập hoặc theo nhóm trong môi trường đa văn hóa, đa nền tảng.

Trước thực tế đó, giáo dục đại học về đồ họa buộc phải đổi mới toàn diện từ nội dung đào tạo đến phương pháp giảng dạy, từ cơ sở vật chất đến môi trường học tập”.

z6782620460201-b206c9f8fce2ac115808ad8538c8034b.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lân - Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Đông Á. Ảnh: NVCC.

Được biết, Khoa Mỹ thuật ứng dụng phát triển ngành Đồ họa theo hướng tiếp cận năng lực, gắn với tiêu chuẩn nghề nghiệp, ngoài giảng dạy còn tổ chức các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, triển lãm nghệ thuật, tích cực xây dựng không gian học tập ngoại khóa và môi trường thực hành nghề nghiệp cho sinh viên.

Chương trình đào tạo ngành Đồ họa được thiết kế theo hướng tích hợp đa chiều giữa kiến thức nền tảng kỹ thuật số và ứng dụng thực tiễn. Tổng thời lượng chương trình đào tạo 4 năm, chia làm 8 học kỳ, bao gồm các học phần Giáo dục đại cương, Giáo dục chuyên ngành, trong đó có 3 module nghề nghiệp, đồ án thực hành và kỳ thực tập doanh nghiệp.

Sinh viên sẽ trải qua một lộ trình học tập đi từ vẽ tay truyền thống, bố cục tạo hình, màu sắc, đến thiết kế số, chuyển động, UX/UI, thiết kế thương hiệu, đồ họa truyền thông.

Điểm nổi bật của chương trình là cách bố trí từng học phần theo mô hình sinh viên học lý thuyết kết hợp thực hành ngay tại xưởng thiết kế, được giao đề bài và làm việc nhóm theo hướng dẫn của giảng viên như trong môi trường dự án nghề nghiệp. Mỗi học kỳ đều có học phần đồ án, giúp sinh viên rèn luyện khả năng phân tích, xây dựng ý tưởng, tổ chức thiết kế và thuyết trình sản phẩm.

Chương trình không đi theo một hướng truyền thống đơn thuần, mà mở rộng nhiều module chuyên sâu để sinh viên lựa chọn và phát triển theo định hướng nghề nghiệp cá nhân. Tất cả các module đều được biên soạn trên cơ sở phân tích xu hướng tuyển dụng, tiêu chuẩn nghề nghiệp và phản hồi từ doanh nghiệp.

z6782704477423-1ef47f7fc4dcd193d7d321cd0cfadf7a.jpg
Sinh viên dự thi vẽ Manga và truyện tranh Việt Nam trong Chuỗi sự kiện Seminar - Workshop “Manga - The Japanese Cultural Industry". Ảnh: NTCC.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế

Trong bối cảnh đổi mới chương trình, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Lân nhấn mạnh về vấn đề chuyển đổi số trong đào tạo. Vị Trưởng khoa bày tỏ: “Chuyển đổi số trong giáo dục không đơn thuần là việc đưa công nghệ vào giảng dạy. Đó là quá trình tái cấu trúc toàn diện về tư duy đào tạo, phương pháp học tập và môi trường học thuật.

Đối với giảng viên, vai trò của chúng tôi không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn dắt và kích hoạt tư duy sáng tạo của sinh viên. Giảng viên ngành Đồ họa được định hướng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng linh hoạt, thực hành và lấy người học làm trung tâm.

Việc tích hợp các nền tảng và công cụ số như Figma trong thiết kế UX/UI, Canva để dạy bố cục truyền thông, các công cụ AI (như Midjourney, Adobe Firefly, ChatGPT) để khơi gợi ý tưởng và hỗ trợ sản xuất thiết kế nhanh. Giảng viên áp dụng mô hình flipped classroom (lớp học đảo ngược), học tập kết hợp (blended learning), và đánh giá linh hoạt (e-portfolio, phản biện nhóm, trình bày dự án trên nền tảng số…

Chuyển đổi tư duy giảng dạy không chỉ làm mới lớp học mà còn mở ra một môi trường sáng tạo, nơi giảng viên và sinh viên cùng đồng hành, cùng học hỏi, và cùng tạo ra giá trị thiết kế thực tiễn.

Đối với sinh viên, việc ứng dụng công nghệ số giúp các em tiếp cận với không gian học tập linh hoạt, đa nền tảng và cập nhật theo xu thế nghề nghiệp. Bên cạnh đó, sinh viên được khuyến khích sử dụng các phần mềm thiết kế và công cụ hỗ trợ sáng tạo để thực hành, nghiên cứu và phát triển ý tưởng.

Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo cũng được đầu tư hiện đại, bao gồm hệ thống máy tính đồ họa chuyên dụng, bảng vẽ kỹ thuật số nhằm hỗ trợ hiệu quả quá trình thực hành và sáng tạo.

Việc tổ chức hoạt động học tập được mở rộng vượt ra ngoài mô hình lớp học truyền thống, chuyển dịch dần sang các studio chuyên ngành, nơi sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp ngay trong quá trình học”.

Đáng chú ý, chương trình đào tạo ngành Đồ họa đã tích hợp học phần mới “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế” - một phản ứng kịp thời trước làn sóng chuyển đổi số.

Việc triển khai học phần này không chỉ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của người học, mà còn mở ra cơ hội kết nối với xu thế thiết kế hiện đại. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số được xem là quá trình phát triển toàn diện năng lực công nghệ số thay vì chỉ dừng lại ở việc sử dụng công cụ.

Vừa qua, Khoa Mỹ thuật ứng dụng tổ chức seminar với chủ đề “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế đồ họa” và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ sinh viên thông qua các công cụ công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ giúp sinh viên tối ưu hóa quy trình thiết kế mà còn phát triển ý tưởng.

Em Bùi Liên Khanh - sinh viên năm 4 là một trong những người có đồ án tiêu biểu để lại ấn tượng tại triển lãm cuối kỳ. Thiết kế minh họa truyện tranh “Tận lộ minh quang” của em được nhận xét là đã vận dụng hiệu quả công nghệ tạo hình bằng AI - Midjourney kết hợp xử lý hậu kỳ bằng Photoshop và Procreate, mang đến những hình ảnh giàu cảm xúc và có chiều sâu nghệ thuật.

Chia sẻ thêm về hành trình học tập cũng như việc thực hiện đồ án, em Bùi Liên Khanh bày tỏ: “Trong quá trình thực hiện đồ án em đã áp dụng những kiến thức nền tảng về đồ hoạ được chỉ dạy khi đi học. Bên cạnh đó, nhờ được làm quen với việc sử dụng phần mềm em đã có thể hoàn thiện đồ án dễ dàng hơn.

Cụ thể, trong đồ án, ở phần lên nhân vật 3D, ban đầu em thiết kế 2D của 4 mặt (trước, sau, trái, phải) rồi đưa vào phần mềm Al 3D giúp dựng khối nhân vật. Sau đó, từ bản Al, em sẽ tinh chỉnh để ra sản phẩm hoàn thiện.

Em nhận thấy, việc sử dụng công cụ AI giúp giảm phần nhiều thời gian nhưng chúng ta không thể phụ thuộc vào quá nhiều. Vì ngành Đồ họa vẫn là ngành sáng tạo và ở đó mỗi người phải thể hiện phong cách cá nhân. Chúng ta cần có tư duy kiểm soát công nghệ, hiểu rằng AI là công cụ hỗ trợ, không thay thế tư duy thiết kế, cảm quan thẩm mỹ của con người”.

Em Bùi Liên Khanh cho biết, trong tương lai, em dự định phát triển công việc dựng phim và kết hợp thiết kế 2D và 3D. Để sẵn sàng gia nhập thị trường lao động trong bối cảnh 4.0 và Al bùng nổ như hiện tại, em sinh viên cho rằng bản thân phải nâng cao kiến thức chuyên môn và biết kết hợp, sử dụng công cụ Al.

Ngoài ra, em cũng cần rèn luyện những kĩ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm để kết nối các cá nhân. Đây có thể sẽ là chìa khoá mang lại thành công trong công việc và các mối quan hệ xã hội.

z6783370204907-6c8a1292ea4848097ea5def687b92bec-side.jpg
Em Bùi Liên Khanh và thiết kế minh họa truyện tranh “Tận lộ minh quang”. Ảnh: NVCC.

Kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong giảng dạy

Mô hình đào tạo của ngành Đồ họa còn có sự kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, studio và chuyên gia trong ngành. Thầy Lân bày tỏ: "Ngay từ năm nhất, sinh viên ngành Đồ họa được tham gia các chuyến tham quan doanh nghiệp theo chủ đề từng học kỳ, giúp hình dung rõ môi trường làm việc thực tế và định hình định hướng nghề nghiệp.

Một điểm nổi bật trong chương trình đào tạo là việc khuyến khích sinh viên triển khai các dự án thiết kế thực tế từ năm 2, năm 3, dưới hình thức dự án nhóm hoặc đồ án cá nhân có tính ứng dụng vào đề tài thiết kế nhận diện thương hiệu bao gồm truyền thông hình ảnh, thiết kế logo, bao bì, ấn phẩm quảng bá, giao diện số (UX/UI) cho đến chiến dịch truyền thông trên nền tảng đa phương tiện.

Các em cũng được tham gia các buổi workshop, seminar chuyên đề có sự trình bày của các doanh nghiệp lớn, họa sĩ thiết kế truyện tranh, chuyên gia về thương hiệu, hoặc trực tiếp thuyết trình sản phẩm với đại diện doanh nghiệp để nhận phản biện".

Cùng chia sẻ về vấn đề hợp tác doanh nghiệp - đơn vị đào tạo, bà Võ Ngọc Anh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FVG Travel, đơn vị thành viên của Tập đoàn FVG cho biết: "Tại các đơn vị thành viên của FVG, vị trí việc làm liên quan đến Đồ họa ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong hoạt động truyền thông – marketing.

Là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, du lịch, xây dựng, chúng tôi càng chú trọng nhiều hơn vào các sản phẩm mang tính nhận diện thương hiệu, nâng cao thẩm mỹ, tập trung vào trải nghiệm tiêu dùng của khách hàng.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực, từ năm 2020 đến nay, Tập đoàn FVG đã có nhiều hợp tác với một số trường đại học, trong đó có Trường Đại học Đông Á để tiếp nhận sinh viên năm 3, năm 4 đang học ngành Đồ họa về các đơn vị thành viên thực tập với số lượng mỗi kì từ 4 – 5 người, thực tập tại các khách sạn, khu du lịch.

Trên cơ sở làm việc qua 2 kì thực tập nghề nghiệp, chúng tôi đánh giá cao khả năng thích ứng linh hoạt trong công việc thực tế, tư duy hiện đại, khả năng tiếp cận thiết bị máy móc tốt, tinh thần ham học hỏi và tác nghiệp công việc theo nhóm của sinh viên viên ngành Đồ họa, khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Đông Á.

Chúng tôi cũng bất ngờ về trình độ, kỹ năng của sinh viên tiến bộ nhanh qua 2 kì nhất là khả năng sáng tạo độc đáo - điều rất cần thiết trong xu hướng làm truyền thông – marketing hiện nay".

Bà Võ Ngọc Anh khẳng định, trong giai đoạn thị trường có nhiều thay đổi nhanh chóng như hiện nay, việc hợp tác liên kết đào tạo, tuyển dụng chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực là vô cùng cần thiết.

Qua các lần tiếp nhận sinh viên, đơn vị có đánh giá kết quả công việc thực tế của các em, trên cơ sở đó góp ý cho nhà trường chương trình đào tạo sát hơn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Việc liên kết còn giúp công ty tiết kiệm được ngân sách, thời gian trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao mà không mất nhiều thời gian kiểm chứng, rà soát bằng thời gian thử việc.

z6780243524263-271673f43ba02db2c94fb1c8dfa0440f.jpg
Bà Võ Ngọc Anh - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Tập đoàn FVG Travel. Ảnh: NVCC.

Theo bà Võ Ngọc Anh, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu công việc, ngoài trình độ chuyên môn, thành thạo các phần mềm và tư duy thiết kế sáng tạo, sinh viên hiện nay nên xây dựng cho bản thân các kỹ năng xử lý linh hoạt và tăng cường khả năng học hỏi, tiếp cận xu hướng công nghệ mới (AI).

"Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, đặc biệt là trong ngành sáng tạo, nơi công nghệ có thể thay đổi cục diện rất nhanh. Việc hội nhập là điều tất yếu, vì vậy các bạn trẻ cần chủ động nắm bắt công nghệ, tư duy toàn cầu, làm việc linh hoạt và không ngừng đổi mới.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đánh mất đi cái tôi nghề nghiệp. Bản sắc cá nhân, chất riêng chính là “chìa khóa” để tạo nên sự khác biệt bền vững trong môi trường nhiều cạnh tranh.

Doanh nghiệp rất cần những nhân lực vừa nhạy bén, vừa đủ chiều sâu và bản lĩnh để tạo ra giá trị mang dấu ấn riêng. Làm chủ công nghệ thay vì để công nghệ điều khiển và kết hợp với đam mê, trách nhiệm nghề nghiệp, đó chính là hướng đi lâu dài cho các bạn trẻ trong kỷ nguyên 4.0" - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn FVG Travel nói.

Hồng Linh