Đừng xét tuyển đại học chỉ căn cứ vào điểm học bạ!

02/08/2021 06:51
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bởi lẽ, khi đối chiếu với điểm thi tốt nghiệp với kết quả học bạ lớp 12 ở nhiều môn có độ chênh rất cao, thậm chí lên tới hơn 3 điểm.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố báo cáo so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương.

Theo đó, Tiếng Anh và Lịch sử là hai môn thi có điểm trung bình thấp so với các môn thi khác. Nhưng khi đối chiếu với kết quả học bạ lớp 12 lại có độ chênh nhiều hơn so với các môn khác, thậm chí lên tới hơn 3 điểm.

Qua đó thấy rằng, kết quả học tập ở của học sinh còn hạn chế; quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này trong trường phổ thông có phần "nương tay".

Chính sự “nương tay” của thầy cô khiến nhiều chuyên gia cho rằng việc xét tuyển bằng hình thức học bạ làm tiêu chí duy nhất sẽ không công bằng, không loại được những yếu tố tiêu cực như cấy điểm, mua điểm.

Nhất là khi năm nay phương thức xét tuyển học bạ được hơn 100 trường đại học áp dụng và chia thành nhiều đợt nhận hồ sơ khác nhau, bắt đầu từ đầu tháng 3 và có thể kéo dài đến hết tháng 9, tùy vào tình hình thực tế mỗi trường. Đáng chú ý lượng thí sinh đăng ký phương thức này năm nay tăng đáng kể.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bảng so sánh trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 theo từng môn của từng địa phương chỉ có tính chất ở tầm vĩ mô, vùng này với vùng khác, tỉnh này với tỉnh kia chứ giả sử có gian lận, sửa điểm của thí sinh bất kỳ nào thì bảng so sánh này không phát hiện ra được.

Ảnh minh họa: Kim Chi

Ảnh minh họa: Kim Chi

Tuy nhiên không phải vì thế mà cho rằng nên bỏ 30% điểm trung bình lớp 12 trong điểm xét tốt nghiệp bởi lẽ khi xét tốt nghiệp thì cần đánh giá cả quá trình (tức là điểm học bạ) kết hợp với điểm thi vì có thể mang tính chất đột biến của thí sinh. Do đó, theo thầy Khuyến, việc có 30% điểm trung bình lớp 12 trong điểm xét tốt nghiệp là hoàn toàn hợp lý.

Nhưng để vào đại học, chỉ cần chênh nhau 0,25 điểm là thí sinh đã ở ranh giới trượt hoặc đỗ do đó nếu dùng kết quả học bạ để làm tiêu chí duy nhất để xét tuyển sẽ không công bằng.

“Ở Việt Nam, bệnh ngụy thành tích rất dữ dội. Do đó, nếu chỉ dựa vào kết quả của học bạ làm tiêu chí duy nhất thì sẽ phản ánh không chính xác. Tất nhiên, nếu tuyệt vời nhất là mình có một hệ thống giáo dục chuẩn hóa thì lúc đó không cần thi cứ xét học bạ là được rồi. Chỉ khi nào kiểm định tốt các trường, độ đồng đều như nhau thì làm thế được.

Nhưng mình chưa đạt được mức độ đó mà áp dụng đại trà lúc này là đốt cháy giai đoạn, phản tác dụng”, Tiến sĩ Khuyến nói.

Bởi theo thầy Khuyến, cứ nhìn vào những nỗi lo của ngành giáo dục thì biết. Năm nào cũng vậy, trước kỳ thi tốt nghiệp là ngành giáo dục, từ cấp bộ cho tới các trường, các hội đồng thi, cũng vất vả với chuyện tuyên truyền, rồi cả “dọa dẫm” sẽ xử nghiêm học sinh vi phạm kỷ luật phòng thi, mà nặng nhất là chuyện sử dụng tài liệu, sử dụng các thiết bị “phao” hiện đại…

Nhưng khó hơn cả những chuyện như thế, ấy là người ta vẫn gian dối đó là không cần phải ở phòng thi, trong khi thi mà họ đến tận cái phòng đựng bài thi để ung dung sửa điểm (thực chất là nâng điểm) như vụ gian lận thi cử kinh hoàng năm 2018.

Sửa điểm không phải để đơn thuần vượt qua kỳ “sát hạch” trình độ trung học phổ thông mà còn để ung dung vào cổng trường đại học nào tốt nhất, thậm chí phải như một thủ khoa, á khoa để còn hướng tới chuyện học bổng, đi nước ngoài, tiếng tăm lừng lẫy…

Một kỳ thi huy động cả hệ thống vào cuộc mà còn có đường dây, có tổ chức, tiền bạc sòng phẳng, mà tiền rất nhiều như vậy thì ai dám chắc điểm ở học bạ “không sửa, không chạy” bởi “chạy” điểm ở học bạ thì dễ gấp vạn lần, chỉ cần “chạy” giáo viên bộ môn chứ không cần “chạy” cấp trường, cấp sở mà vẫn có điểm số trong học bạ tốt nhất, để có nhiều cơ hội vào đại học.

Chưa kể, thực tế, ở mỗi trường trung học phổ thông, mỗi trung tâm giáo dục thường xuyên, mỗi một địa phương, điểm học bạ có sự chênh lệch ít hoặc nhiều so với kết quả học tập thực sự của học sinh. Điều này bắt nguồn từ quan điểm đánh giá kết quả học bạ ở mỗi địa phương, mỗi giáo viên. Chính vì vậy, điểm học bạ không thực sự phản ánh được học lực của học sinh trung học phổ thông một cách khách quan, trung thực.

Nếu trong xét tuyển đại học hiện nay phương thức xét điểm học bạ “lên ngôi” thì dẫn tới tình trạng “nương tay” như bảng so sánh chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ lớp 12 đã hiện hữu. Đơn cử, Thành phố Hà Nội “đội sổ” về sự chênh lệch trung bình điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 và trung bình điểm học bạ lớp 12 ở 4 môn thi (Địa lý, Hóa học, Sinh học và Lịch sử).

Vì vậy, để đảm bảo tính công bằng, khách quan khi xét tuyển bằng học bạ làm tiêu chí duy nhất thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một hệ thống đánh giá điểm học bạ. Hệ thống này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa việc chấm điểm học bạ giữa các địa phương với nhau và giữa các giáo viên với nhau. Và phải có một bài toán tổng thể để tránh tình trạng phụ huynh, học sinh mua điểm học bạ, giành lợi thế trong xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Thanh Sơn