Khi được giao quyền tự chủ, các phương thức xét tuyển của nhiều trường cũng đa dạng hơn, trong đó có phương thức xét điểm học bạ được rất nhiều trường sử dụng.
Với phương thức xét học bạ, thí sinh có thể chủ động chọn tổ hợp môn thế mạnh, đăng ký vào nhiều trường, nhiều ngành và vẫn thụ hưởng được điều kiện học tập, bằng cấp như những phương thức khác.
Năm nay phương thức xét tuyển học bạ được hơn 100 trường đại học áp dụng và chia thành nhiều đợt nhận hồ sơ khác nhau, bắt đầu từ đầu tháng 3 và có thể kéo dài đến hết tháng 9, tùy vào tình hình thực tế mỗi trường.
Nếu trong xét tuyển đại học hiện nay phương thức xét điểm học bạ “lên ngôi” thì nhiều chuyên gia đặt băn khoăn rằng liệu có tình trạng học sinh giỏi ở các trường, các lớp “bị” tăng quá nhanh?
Bởi lẽ, thực tế cho thấy ở mỗi một trường trung học phổ thông, mỗi một địa phương, điểm học bạ có sự chênh lệch không có sự đánh giá thống nhất mang tính quốc gia trên một mặt bằng chuẩn do nhiều nguyên nhân.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, dư luận lo ngại việc nâng và sửa điểm học bạ đã râm ran từ vài năm nay rồi kể từ khi có chính sách cộng 50% rồi sau là 30% điểm học lực theo học bạ lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (ảnh: NVCC) |
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh lý giải: “Lẽ ra nên bỏ chính sách này nhưng rất tiếc cách làm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành chính sách cộng điểm học lực lớp 12 vào điểm thi tốt nghiệp đã không nghiên cứu thấu đáo, đến khi chính sách đi vào thực tế lại cũng không có đánh giá tác động của nó đến việc học thật và dạy thật thế nào nên "thích" thì 50% mà không "thích" 50% thì nhích xuống 30% một cách tùy tiện sao không phải 35 hay 40% hoặc 20, 25%. Ít có quốc gia nào làm chính sách như vậy.
Một khi hạ xuống 30% điểm học lực năm lớp 12 để cộng vào điểm tốt nghiệp thì như một lẽ tự nhiên một bộ phận giáo viên có thể sẽ nâng mạnh điểm học lực lên để bù vào cái 20% mất đi kia của năm trước cộng những 50% để năm sau không tụt tỷ lệ tốt nghiệp so với năm trước. Kết quả là xu hướng lạm phát điểm học bạ gia tăng”.
Việc cho điểm đánh giá học lực trung học phổ thông chắc chắn sẽ khó có một chuẩn thống nhất giữa các giáo viên, ở các trường và trên các vùng miền khác nhau.
Ở đâu, trường nào giáo viên làm nghiêm túc thì có thể học sinh sẽ thiệt thòi hơn so với những nơi dễ dãi trong đánh giá học lực nếu lấy học bạ làm chuẩn xét tuyển. Điều đó gây ra sự mất công bằng trong xét tuyển vào đại học. Việc dựa vào một cái tưởng là chuẩn nhưng không chuẩn sẽ mất chuẩn và gây ra các hệ lụy tiêu cực khác.
Đặc biệt thời gian gần đây học sinh học nghề được các trường nghề mời chào các khóa học sau lớp 9 có hai văn bằng một lúc là bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) và bằng tốt nghiệp trung cấp cũng do cái 30% cộng vào điểm thi và việc trượt tốt nghiệp trung học phổ thông có khi khó hơn đi lên trời.
Một hệ lụy tiêu cực khác nữa cần chú ý tới là học sinh rất có thể phải đi học thêm ở nhà những giáo viên phụ trách môn học xét tuyển để cho đẹp học bạ và việc dẹp bỏ học thêm lại có điều kiện trỗi dậy mạnh hơn.
Mặt khác, do có sự đánh giá thiếu nghiêm túc mà ảnh hưởng đến xu hướng chọn lựa con đường học tập của một số thí sinh do nhầm tưởng mình học lực khá để vào đại học thay vì các em biết sức học thật của mình chuyển đi học nghề thì cơ hội thành công có thể cao hơn. Lỡ vào học vài năm sức học đuối lại bị ra khỏi trường đại học hoặc lưu ban (nếu trường đại học giữ nghiêm mức chất lượng) thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các em sau này và lãng phí sức người, tiền của và chi phí cơ hội.
Từ những phân tích đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định nếu dựa vào điểm học bạ để xét đầu vào đại học dựa trên một cái chuẩn điểm học bạ thì đương nhiên không chuẩn.
Một thực tế hiện nay trong tuyển sinh đang có sự cạnh tranh mạnh ở các trường đại học do cần bổ sung nguồn tài chính của mình nên một số trường sẵn sàng hạ barrier xuống để tuyển đủ và vượt định mức theo điều kiện tối thiểu đảm bảo chất lượng.
Ở đầu vào như vậy, còn trong quá trình đào tạo ở những trường có khó khăn trong tuyển sinh thì thường có xu hướng buông lỏng chất lượng đào tạo, quyết giữ chân bằng được sinh viên dẫn tới nhiều em ngộ nhận và được học đại học nhưng sau này ra trường chưa chắc đã làm được việc và rất có thể ra nhập vào đội quân thất nghiệp trong xã hội.
Như thế thì thầy cô dạy ở phổ thông nâng điểm học bạ tuỳ tiện cho học trò mình thì về lâu dài là làm hại học trò mình hơn là giúp các em vào được đại học. Đành rằng yếu tố học lực đầu vào không hẳn dã quyết định chất lượng học tập của sinh viên, nhưng đầu vào thấp, nhà trường lại không có biện pháp giúp cải thiện năng lực học tập của sinh viên thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên. Rất khó để "không có bột mà gột lên hồ".
Cuối cùng, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh khẳng định: “Nói thế để thấy đấu tranh với tệ học giả, dạy giả hoàn toàn thách thức trong xã hội ta mà một trong những nguyên nhân là thói không trung thực và bên cạnh đó là lỗi trong làm chính sách không tính hết các đặc điểm văn hoá và kinh tế, quá nhấn mạnh vào yếu tố mang tính kỹ thuật.
Nhưng với thói quen thiếu trung thực, tư duy làm chính sách thiếu tính hệ thống (đảm bảo chất lượng đồng bộ ở giáo dục phổ thông và giáo dục đại học) thì khi cơ quan ra chính sách, một bộ phận nào đó trong hệ thống rất dễ có đối sách. Thêm một lần nữa dư luận đang trông chờ vào một kế hoạch cụ thể về HỌC THẬT, DẠY THẬT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã từng nói trước công luận trong thời gian qua”.