Ép học sinh học thêm trực tuyến là tội ác, tôi ủng hộ Bộ trưởng cấm triệt để

16/11/2021 09:58
MINH KHÔI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nên có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về dạy thêm và tìm những giải pháp tốt để hạn chế về dạy thêm là một trong những việc cấp thiết trong giáo dục.

Một trong những vấn đề giáo dục mà người dân, các bậc cha mẹ học sinh đặc biệt quan tâm là tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, dạy thêm online thu tiền gây rất nhiều bức xúc trong dư luận trong thời gian qua.

Cũng có người cho rằng học thêm là nhu cầu, là cần thiết, thậm chí con em họ đỗ đạt là nhờ học thêm, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp vì học thêm quá mức khiến một học sinh căng thẳng, càng lên cao càng học yếu hay thậm chí có học sinh bỏ học do không có tiền học thêm,… khốn khổ do bị ép học thêm.

Chính vì vậy theo quan điểm của cá nhân người viết thì nên có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về dạy thêm và tìm những giải pháp tốt để hạn chế việc dạy thêm cưỡng bức là một trong những việc cấp thiết trong giáo dục.

Ép học sinh học thêm trực tuyến là hành vi đáng lên án

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 ngày 28/8 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã có phát biểu chỉ đạo về vấn đề dạy thêm như sau:

“Tình trạng học thêm, dạy thêm vẫn còn phổ biến; học chưa gắn với hành. Chưa đặt đúng tầm công tác giáo dục về truyền thống lịch sử, văn hóa, các giá trị tốt đẹp của dân tộc…”

Về giải pháp hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Cần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm bằng giải pháp thiết kế chương trình học, cơ chế thi cử, chế độ đãi ngộ giáo viên phù hợp, cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng học dễ thi khó, “học một đằng thi một nẻo”…[1]

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường Quốc hội ngày 11/11, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã phát biểu:

“Việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Việc gần đây xuất hiện là dạy trực tuyến, dạy online, nảy sinh hiện tượng dạy tăng thêm giờ, dạy thêm trực tuyến, thái độ của Bộ như thế nào? Tôi phải khẳng định ngay là bình thường thì đã cần phải ngăn. Trong khi học trực tuyến, học sinh còn căng thẳng hơn, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung thì càng là công việc chúng ta cần phải lên án.”

Rõ ràng vấn đề dạy thêm, học thêm trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành đã và đang vắt kiệt sức lực học sinh, làm thủng hầu bao của không ít gia đình, những giáo viên chỉ chăm chăm dạy thêm đã không còn sức để dạy trên lớp, dạy không hiệu quả, nhiều phụ huynh đã rất vất vả vay mượn tiền để cho con được học thêm.

Đó là một gánh nặng không hề nhỏ, hệ lụy của việc dạy thêm chui, lôi kéo chèn ép học sinh các lớp chính khóa đến lớp của giáo viên học thêm đã và đang làm mất đi hình ảnh cao quý thiêng liêng của nghề giáo; những việc o ép học sinh, dạy trước chương trình, mớm đề, dạy theo văn mẫu, dạy lấy điểm,… là những thực tế có thật được xã hội phản ánh.

Việc thiếu công cụ giám sát, quản lý, xử lý,… trong thời gian qua khiến cho việc dạy thêm học sinh chính khóa tràn lan như “dịch bệnh” làm môi trường học méo mó, quan hệ thầy trò méo mó, nhân dân bất bình, dư luận mất lòng tin,… nhưng vẫn có một số người vì thu nhập cao mà sẵn sàng bất chấp.

Do đó, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cả quan điểm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về hạn chế dạy thêm tràn lan là một chủ trương, chỉ đạo vô cùng đúng đắn, hợp lý, hợp tình được nhân dân chờ đợi.

Không thể so sánh việc ép học sinh chính khóa học thêm với việc làm thêm của bác sĩ

Một số quan điểm đặt vấn đề tại sao giáo viên không được dạy thêm còn bác sĩ được phép làm thêm, nếu đặt trong tình huống dạy thêm học sinh chính khóa (giáo viên dạy thêm cho chính học sinh mình đang dạy trên lớp) là một so sánh có phần khập khiễng, chưa hiểu hết bản chất của vấn đề.

Tôi rất tán đồng quan điểm của tác giả Thuận Phương trong bài viết “Vì sao xã hội dị ứng với giáo viên dạy thêm, còn bác sĩ làm thêm không ai soi?

Bác sĩ không có quyền ép bệnh nhân đến phòng mạch riêng nếu họ không muốn, nhưng giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập thì khác, một số giáo viên đang giảng dạy ở các trường công lập vì lòng tham có thể dùng nhiều thủ đoạn ép học sinh đến lớp học thêm, dù chính các em và phụ huynh đôi khi không muốn học.

Ngay trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có những tiếng kêu cứu của phụ huynh Trường Tiểu học Kim Nỗ, Trường Trung học cơ sở Kim Nỗ huyện Đông Anh, Hà Nội về tình trạng con em họ bị ép học thêm trực tuyến.

Sau phản ánh, Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh ra văn bản phê bình 2 Hiệu trưởng trường Tiểu học, trường Trung học cơ sở Kim Nỗ và hạ 1 bậc thi đua với người đứng đầu 2 đơn vị để xảy ra việc dạy thêm trực tuyến.

Cấm ép học sinh học thêm, không cấm dạy thêm - học thêm theo nhu cầu

Chúng tôi phải khẳng định cho rõ hiện nay không có văn bản nào cấm giáo viên dạy thêm mà chỉ yêu cầu giáo viên dạy thêm đúng quy định, không cấm giáo viên làm thêm để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống,…

Ngay cả ở bậc tiểu học ở Thông tư 17 về dạy thêm học thêm có quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống,…” tức là ở bậc tiểu học vẫn cho dạy thêm, rèn luyện thêm cho học sinh về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống,… mà việc này cần thiết hơn là việc nhồi nhét kiến thức cho học sinh.

Nhiều nhà giáo vẫn làm thêm như viết sách tham khảo; sáng tạo phần mềm quản lý, dạy học; làm youtuber về dạy học,… bên cạnh đó có thể làm thêm các công việc khác,… trong khuôn khổ quy định cho phép.

Như vậy, không có việc cấm dạy thêm, làm thêm mà dạy và làm thêm theo đúng quy định, việc có giáo viên dạy thêm lén lút, dạy học sinh khai báo gian dối,… xuất phát từ việc dạy thêm trái phép thì cần phải lên án.

Còn việc dạy thêm của những nhà giáo chân chính, giúp học sinh học tốt, phát huy năng lực, giúp học sinh thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp hoặc thi tuyển đại học mang lại hiệu quả tích cực là điều cần khuyến khích nhằm thúc đẩy giáo dục phát triển, nâng cao vai trò vị thế nhà giáo và cải thiện một phần thu nhập cho nhà giáo lao động chân chính mà không phải dạy thêm, học thêm tràn lan, o ép học sinh học thêm từ mẫu giáo như hiện nay.

Do đó, để giảm dạy thêm, học thêm tràn lan người viết xin được kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy định mới về dạy thêm học thêm phải được cụ thể, rõ ràng.

Hiện nay, Thông tư 17/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dạy thêm, học thêm đã có rất nhiều điều hết hiệu lực, tuy nhiên chưa có Thông tư mới thay thế.

Hy vọng lần ban hành quy định theo hướng chặt chẽ, quy định đối tượng giáo viên nào được dạy thêm và quy định cụ thể về việc xử lý khi vi phạm dạy thêm học thêm, quy định cụ thể thời gian dạy thêm của giáo viên, số lượng tối đa mỗi nhóm, trình độ của học sinh học thêm trong nhóm,… đó chính là giải pháp để hạn chế dạy thêm, cũng như quản lý khoa học, chặt chẽ hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://mpm.chinhphu.vn/hoat-dong/thu-tuong-pham-minh-chinh-phai-co-gang-cao-nhat-quan-tam-sau-sac-nhat-den-hoc-sinh-va-giao-vien-trong-thoi-khac-kho-khan-20927.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả.

MINH KHÔI