F1 đã tiêm vắc xin, không triệu chứng nên được đến trường

13/03/2022 06:52
Mỹ Tiên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên thì không thể vừa dạy trực tiếp, vừa trực tuyến vì mất thời gian, bất tiện và không hiệu quả nên cần có cách xác định F1 mới hơn từ Bộ Y tế.

Ngày 21/02/2022, Bộ Y tế ban hành Công văn 796/BYT-MT hướng dẫn công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 796 ban hành là cần thiết, tuy nhiên việc quy định đối tượng học sinh F1 phải nghỉ học cách ly 5-7 ngày không còn phù hợp trong giai đoạn bình thường mới hiện nay.

Nhiều trường hợp, giáo viên, học sinh F1 không có triệu chứng đã tiêm vắc xin từ đủ 2-3 liều phải nghỉ học chưa phù hợp tình hình hiện nay hay nói đúng hơn là Công văn 796 quy định với F1 không triệu chứng phải nghỉ học, cách ly không còn phù hợp tình hình “bình thường mới”.

Thầy và trò đều đang nỗ lực học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh. (Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Thầy và trò đều đang nỗ lực học tập trong hoàn cảnh dịch bệnh. (Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, cứ 1 học sinh là F0 sẽ có từ 5 - 10 thậm chí vài chục học sinh F1 phải nghỉ ở nhà từ 5 ngày nếu đã tiêm đủ vắc xin là không còn phù hợp.

Bởi hiện nay nhiều trường hợp F1 khỏe mạnh, không có triệu chứng và sau đó test kháng nguyên âm tính nhưng phải nghỉ học 5 ngày ảnh hưởng lớn đến nhà trường, giáo viên, việc học của học sinh và ảnh hưởng đến gia đình các em.

Hơn nữa, hiện nay do việc xuất hiện chủng Omicron lây lan nhanh, đa số ở thể nhẹ, nếu xác định F1 như hiện nay thì học sinh, giáo viên liên tục là F1, có trường hợp học sinh mới được xác định F1 nghỉ học 5 ngày vừa xong, khi vừa đi học trở lại tiếp tục được xác định là F1 tiếp tục nghỉ học.

Nếu không thay đổi thì có thể từ đây đến cuối năm nhiều em không được đến trường do liên tục là F1.

Giáo viên thì không thể vừa dạy trực tiếp, vừa trực tuyến vì mất thời gian, bất tiện và không hiệu quả nên cần có cách xác định F1 mới hơn từ Bộ Y tế.

Cách xác định F1, mỗi nơi một kiểu khác nhau, có nơi nếu có 1 F0 thì chỉ xác định 2, 3 em là F1, có nơi xác định cả hàng chục F1 nên ảnh hướng lớn đến các trường, quá tải ngành y tế.

Hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng ở trẻ em, nguy cơ nhiễm bệnh và diễn tiến nặng của trẻ không cao, nhất là đối với những trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin, vì vậy đã có thể xem xét cho trẻ là F1 được đến trường học trực tiếp.

Nên người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có tham mưu với Bộ Y tế với học sinh từ khối trung học cơ sở trở lên đã tiêm đủ liều vắc xin nếu trở thành F1 không có triệu chứng xét nghiệm âm tính thì nên cho các em đến trường, sau 3-5 ngày xét nghiệm kháng nguyên để xác định lại.

Đối với các em học sinh F0 thì nếu triệu chứng nhẹ, có thể cho các em học trực tuyến, các em F1 có triệu chứng nhưng xét nghiệm âm tính có thể cho các em đến trường nhưng học ở phòng riêng, ngăn cách các phòng khác và giáo viên dạy tuân thủ nguyên tắc 5K, đảm bảo an toàn cho các em và xử lý khi có sự cố, tiến hành test nhanh theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với các em khối tiểu học, chưa tiêm vắc xin nếu không có triệu chứng thì có thể theo dõi trẻ tại nhà 2 - 3 ngày, sau đó để trẻ đến trường.

Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kết thúc năm học. Cứ mỗi lần trong lớp có F0 thì học sinh F1 phải nghỉ học ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch của nhà trường. Nếu các em nghỉ dài ngày thì hậu quả sẽ vô cùng lớn. Nên rất mong Bộ Y tế nghiên cứu xem xét cho giáo viên, học sinh F1 không có triệu chứng, đã tiêm vắc xin được đến trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên