Gần 3.000 học sinh không có chỗ học, Đắk Lắk xin kinh phí mở thêm lớp 10

10/08/2023 13:46
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-2.930 HS học xong lớp 9 chưa được học ở các cơ sở giáo dục, Sở GD Đắk Lắk đề xuất bố trí kinh phí cho trung tâm GDNN-GDTX mở thêm lớp 10.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, công tác tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 của tỉnh được thực hiện theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh; đảm bảo công khai, khách quan và minh bạch.

Kết quả có 29.702 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Trong đó, số học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông công lập và tư thục là 23.087 (tỉ lệ 77,73%). Số học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông là 6.615.

Số chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố; các trường trung cấp, cao đẳng nghề là 3.685 học viên (trong đó 2.779 học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 906 học viên ở các trường trung cấp, cao đẳng nghề).

Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk hiện còn 2.930 học sinh học xong lớp 9 (chiếm tỉ lệ 9,8%) chưa được học tại các cơ sở giáo dục.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du. (Ảnh: baodaklak).

Thí sinh tham dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Du. (Ảnh: baodaklak).

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, với 2.930 học sinh học xong lớp 9, hiện trên địa bàn nhiều huyện chưa có trường để các em có thể vừa học nghề vừa học văn hoá. Các em cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các trường đào tạo nghề trên địa bàn cả nước. Và đây cũng là vấn đề một số phụ huynh đang có ý kiến.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố mặc dù có cơ sở vật chất, phòng học nhưng đội ngũ giáo viên dạy văn hoá được giao biên chế còn hạn chế, kinh phí chi thường xuyên cấp chưa đảm bảo.

Đặc biệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk nhận được Báo cáo số 463/BC-UBND ngày 7/8/2023 của Uỷ ban nhân dân huyện Ea H’Leo về việc xin chủ trương và bổ sung kinh phí để tuyển sinh thêm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Ea H’Leo.

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: PM).

Tiến sĩ Đỗ Tường Hiệp – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: PM).

Theo thầy Hiệp, trung học phổ thông không phải là cấp phổ cập mà là cấp phân luồng. Như vậy không phải tất cả học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhất thiết vào học tại các trường trung học phổ thông.

Chia sẻ về việc ngày 7/8/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk có văn bản Số: 1279/SGDĐT-KHTC về việc đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mở thêm lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên năm học 2023-2024, thầy Hiệp cho biết, về mặt hành chính, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên không thuộc quản lý của Sở. Do đó, Sở đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện, thị xã có thể cấp thêm kinh phí để thực hiện việc mở lớp 10, tạo cơ hội để trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tiếp nhận học sinh vào học nghề và học chương trình văn hóa.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và của cả nước nói chung đảm bảo yếu tố tuyển chọn học sinh có nguyện vọng, năng lực vào học cấp trung học phổ thông. Còn những học sinh sau trung học cơ sở không đủ điều kiện để học tại các trường trung học phổ thông thì vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cao đẳng nghề,…

“Hiện nay, khi các trường trung học phổ thông công lập và tư thục nhận đủ học sinh theo chỉ tiêu, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mới nhận học sinh. Tuy nhiên, kinh phí được cấp cho các trung tâm hạn hẹp (nhất là trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị xã) nên nhiều khi trung tâm không tuyển sinh đủ về chỉ tiêu.

Để tạo điều kiện cho cho 2.930 học sinh học xong lớp 9 chưa được học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính cân đối bố trí thêm kinh phí và cho chủ trương các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên mở thêm lớp và hợp đồng giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn để giảng dạy và chi trả theo tiết”, thầy Hiệp chia sẻ.

Cũng theo thầy Hiệp, công tác tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông được thực hiện theo chương trình giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 522). Theo đó, 70% học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ vào trung học phổ thông, còn lại học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Chỉ ra những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông, thầy Hiệp cho biết, việc phân tuyến tuyển sinh bất cập ở những vùng giáp ranh giữa các huyện, thị xã, thành phố và giáp ranh giữa các xã, phường, thị trấn.

“Trong 7-8 năm qua, tỉnh Đắk Lắk tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức xét tuyển nên có hạn chế như: học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không có cơ hội để chọn trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố vì đã được phân tuyến.

Kết quả kiểm tra, đánh giá học lực, hạnh kiểm giữa các trường trung học cơ sở không đồng đều nên khó khăn trong công tác xét tuyển. Chưa tạo được cơ sở khoa học để đánh giá chính xác chất lượng giáo dục của các trường trung học cơ sở, từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên và nhà trường.

Ngoài ra, công tác đào tạo nghề chưa gắn với sử dụng nên chưa thu hút được học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp, cao đẳng nghề”, thầy Hiệp cho biết.

Để khắc phục bất cập này, Sở đã nhiều lần đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức tuyển sinh bằng phương thức thi tuyển trên địa bàn toàn tỉnh nhưng đến nay vẫn đang cân nhắc triển khai do khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội.

Thầy Hiệp cho biết thêm, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của tỉnh hiện trên 75%. Tỷ lệ này đang cao, có nghĩa là tỷ lệ học sinh đi học nghề vẫn mức độ thấp. Do đó, quyền học tập của học sinh vẫn được đảm bảo theo năng lực.

Ngọc Mai