Đắk Lắk: Thiếu thiết bị dạy học, thiếu GV, chọn sách giáo khoa cũng gặp khó khăn

19/04/2023 06:32
Nguyên Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số trường học tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk hiện đang thiếu thiết bị dạy học, thiếu giáo viên khi triển khai chương trình mới.

Trải qua gần 3 năm học triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bức tranh giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song quá trình thực hiện vẫn còn đó nhiều khó khăn, đặc biệt là bài toán về đội ngũ và cơ sở vật chất.

Trường chưa có thiết bị dạy học khối lớp 6, 7

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Lê Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, việc thực hiện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 tương đối khả thi và phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Nhà giáo Lê Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu. Ảnh: Nguyên Phương

Nhà giáo Lê Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu. Ảnh: Nguyên Phương

Quá trình triển khai, trường luôn nhận được sự quan tâm đầu tư của Uỷ ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột; Phòng giáo và dục đào tạo, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh. Đội ngũ giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn cao, nhiệt tình, trách nhiệm.

Song song với việc thực hiện đổi mới chương trình, nhà trường cũng chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Môn Ngữ văn thực hiện cách thức kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với khối lớp 6, lớp 7.

Đối với môn Lịch sử tăng cường câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ; câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến của mình về các vấn đề Lịch sử.

Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét khuyến khích thực hiện đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học.

Tuy nhiên, qua 2 năm thực hiện chương trình mới, nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể, sách giáo khoa chưa đầy đủ đối với các bộ sách nhà trường lựa chọn. Việc thực hiện chương trình cũng khó khăn với một số học sinh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn như ở nhà thuê, cha mẹ làm ăn tự do; một số em ở trung tâm bảo trợ xã hội.

Khuôn viên nhà trường có diện tích nhỏ nên việc thực hiện giáo dục thể chất và hoạt động ngoại khóa còn hạn chế.

Về việc lựa chọn sách giáo khoa, nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá bản mẫu sách giáo khoa; tiến hành bỏ phiếu kín lựa chọn một bộ sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Sau đó, thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa tiến hành thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất; lựa chọn một sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu trong giờ học. Ảnh: Nguyên Phương

Học sinh Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu trong giờ học. Ảnh: Nguyên Phương

Tuy nhiên, việc lựa chọn sách giáo khoa còn gặp khó khăn, giáo viên chưa có bản in mà đọc qua bản sách điện tử, một số sách không vào được đường link.

Thời gian gấp rút, giáo viên vừa thực hiện công tác giảng dạy vừa tập huấn giới thiệu sách, lựa chọn sách cho năm học sau; môn Tiếng Anh có quá nhiều bộ sách (9 bộ) nên rất vất vả cho giáo viên trong quá trình đọc và lựa chọn.

Cô Mai Anh cho biết, tại Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, nhà trường đang xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Trường thừa 3 giáo viên tiếng Anh và thiếu 4 giáo viên các bộ môn Tin học, Lịch sử, Công nghệ, Khoa học tự nhiên.

Về việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhà trường vẫn thực hiện đúng phân môn đào tạo.

Về cơ sở vật chất thực hiện chương trình mới, trường chưa có thiết bị dạy học khối 6, 7; khả năng đáp ứng về trang thiết bị dạy học còn hạn chế. Hiện nay, trang thiết bị phục vụ các môn học của lớp 6, 7 đa số đang sử dụng thiết bị của những năm trước.

Bên cạnh đó, phòng hiệu bộ chưa có nên phải dùng phòng học để làm phòng làm việc.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu đề xuất, thời gian tới cần bổ sung giáo viên cho các bộ môn: Lịch sử, Tin học, Khoa học tự nhiên, Công nghệ.

Bổ sung kinh phí, cấp thêm thiết bị dạy- học: Tivi; phòng máy tính; máy photo để đáp ứng nhu cầu dạy- học chương trình mới.

Hợp đồng thỉnh giảng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên

Chia sẻ với phóng viên, Nhà giáo Đoàn Thị Tuyết Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, quá trình triển khai chương trình mới, nhà trường luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, biến những khó khăn thành cơ hội để hoàn thành những mục tiêu giáo dục đề ra.

Cô Đoàn Thị Tuyết Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu. Ảnh: Nguyên Phương

Cô Đoàn Thị Tuyết Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu. Ảnh: Nguyên Phương

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới là thời điểm nhà trường đối mặt với nhiều khó khăn nhất, sách giáo khoa chưa được cung cấp đầy đủ, lại đúng thời điểm bùng phát dịch Covid-19, phương pháp, định hướng đổi mới giáo dục cho giáo viên chưa thực sự rõ ràng.

Dù vậy, các thầy cô cũng nhanh chóng thích nghi, chủ động, linh hoạt để thực hiện, từ việc chọn sách giáo khoa đến tổ chức dạy học.

Cũng theo cô Yến, song song với việc triển khai chương trình mới, lãnh đạo thành phố đã có sự quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất cho nhà trường. Trong ba năm lại đây, nhiều phòng học đã được xây dựng để đảm bảo việc dạy học đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Năm 2020, trường được đầu tư xây 8 phòng học, năm vừa qua, nhà trường cũng đã đề xuất thay phòng học cũ để đảm bảo đáp ứng thực hiện chương trình mới, lãnh đạo thành phố cũng đã quan tâm, khảo sát đưa vào lộ trình để bổ sung.

Liên quan đến đề án bán trú của tỉnh để hướng đến dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, nhà trường cũng đã được quan tâm xây dựng khu nhà ăn cho các em.

Những năm học trước, trường đã đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh, nhưng năm nay có công trình phòng học đang xây dựng nên trường chưa đảm bảo được cho tất cả lớp học được học 2 buổi/ngày, nhà trường vẫn nỗ lực để đảm bảo cho học sinh học tập theo khung chương trình.

Trường Tiểu học Tô Hiệu hiện đã đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Ảnh: Nguyên Phương

Trường Tiểu học Tô Hiệu hiện đã đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp. Ảnh: Nguyên Phương

Tại Trường Tiểu học Tô Hiệu, năm đầu thực hiện chương trình mới cũng gặp khó về bài toán giáo viên.

“Thiếu giáo viên, trường phải chủ động hợp đồng thỉnh giảng, nhưng điều này cũng không dễ, vì nguồn tuyển khó, và chúng ta cũng phải chọn lọc chứ không thể “vơ bèo vạt tép”, vì thực hiện chương trình mới đòi hỏi chuyên môn giáo viên cao.

Hơn nữa, lương chi trả cho giáo viên hợp đồng thấp nên cũng khó thu hút tuyển dụng.

Về vấn đề này, lãnh đạo trường cũng đã tham mưu với Uỷ ban Nhân dân thành phố để điều tiết.

Đến nay, năm học này, trường đã đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện trường còn 6 cô giáo chưa đạt chuẩn trình độ. Có 2 giáo viên đang học nâng chuẩn. Nhà trường luôn động viên các cô học tập để nâng chuẩn theo yêu cầu của Luật Giáo dục 2019”, cô Yến cho biết.

Trao đổi với phóng viên, Nhà giáo Nguyễn Thị Chín – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới tích cực, để thực hiện chương trình, các thầy cô đều được tập huấn kỹ, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Chín – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Nguyên Phương

Cô Nguyễn Thị Chín – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Nguyên Phương

Nhà trường cũng đã tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh được biết về những điểm ưu việt của Chương trình mới, giáo viên tích cực học hỏi, tìm hiểu, sáng tạo trong dạy học, đánh giá học sinh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm cũng gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất, về đánh giá học sinh, quy định về học sinh giỏi, học sinh xuất sắc yêu cầu cao hơn nên tỷ lệ học sinh đạt được thấp hơn trước đây.

Thứ hai, giáo viên dạy môn tích hợp (Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên) chưa được đào tạo nên nhà trường vẫn phải vẫn bố trí dạy theo phân môn.

“Môn khoa học tự nhiên, trường chỉ mới có một thầy giáo đảm bảo dạy học tích hợp được, vì trước thầy được đào tạo sư phạm Hoá học - Sinh học, thời gian qua, thầy đã đi học thêm Sư phạm Vật lý.

Nhưng đa số các thầy cô đều chưa đảm bảo dạy học tích hợp nên công tác dạy học vẫn còn nhiều khó khăn.

Nhà trường đã lập danh sách thầy cô dạy tích hợp gửi phòng giáo dục và đào tạo để thời gian tới các thầy cô được đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu chương trình mới.

Hiện tại, trường đang thiếu giáo viên môn Tin học, có 2 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ”, cô Chín cho biết.

Thứ ba, trong những năm đầu triển khai chương trình mới, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh phải học online, nhiều em bị hổng kiến thức. Đây cũng chính là khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã có những biện pháp nâng cao chất lượng, thực hiện “đôi bạn học tốt” để học sinh giúp đỡ nhau trong học tập.

Bên cạnh đó, thầy cô sẽ dạy phụ đạo theo môn cho những học sinh chưa đạt để cải thiện chất lượng dạy học.

Thiếu thiết bị dạy học là một trong những bài toán đặt ra khi thực hiện chương trình mới. Ảnh: Nguyên Phương.

Thiếu thiết bị dạy học là một trong những bài toán đặt ra khi thực hiện chương trình mới. Ảnh: Nguyên Phương.

Thứ tư là khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Trường đóng địa bàn thành phố nhưng cơ sở vật chất chưa đầy đủ, phòng học bộ môn đã xuống cấp và đang chuẩn bị xây lại.

Các lớp học đều đã được trang bị tivi và kết nối mạng. Tuy nhiên, thiết bị dạy học chưa được cung cấp đầy đủ, trường vẫn phải tận dụng thiết bị cũ để dạy chương trình mới.

“Thời gian tới, để thực hiện chương trình mới hiệu quả hơn, cần phải đảm bảo về bài toán đội ngũ, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên và đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường học”, cô Chín cho hay.

Nguyên Phương