Sổ liên lạc điện tử là hình thức nhắn tin qua điện thoại từ nhà trường đến số di động của phụ huynh để cập nhật tình hình học tập và sinh hoạt của các em cùng các thông báo từ nhà trường. Nhanh chóng, tiện ích và đảm bảo thông tin là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, liệu thông tin đó có chính xác và kịp thời, cùng với đó là giá phí dịch vụ, chất lượng thông tin và tính hiệu quả của sổ liên lạc điện tử?
Dưới đây là những chia sẻ cùng băn khoăn, lo lắng của thầy Nguyễn Văn Lự - giáo viên Trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc về việc sử dụng sổ liên lạc điện tử trong nhà trường hiện nay.
Ý tưởng tích cực
Sổ liên lạc điện tử là một bước tiến của ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giáo dục và đào tạo không những mang đến những tiện ích cho nhà trường, phụ huynh và học sinh mà còn góp phần thúc đẩy sự nghiệp giáo dục nước nhà. Cung cấp nhiều thông tin về tình hình học tập và sinh hoạt của học sinh định kỳ theo ngày, tuần, tháng và các thông báo của nhà trường.
Ứng dụng này trở thành cầu nối thông tin giữa nhà trường và gia đình đồng thời giúp nhà trường quản lý học sinh có hệ thống và nhanh chóng, chính xác hơn, giúp tăng thêm thu nhập cho nhà mạng và giáo viên.
Sổ liên lạc điện tử cung cấp nhiều thông tin về tình hình học tập, sinh hoạt của học sinh theo đinh kỳ ngày, tuần, tháng và các thông báo của trường. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: dantri.com.vn) |
Các tiện ích của sổ liên lạc điện tử có trả phí theo từng gói dịch vụ sẽ gửi tới phụ huynh những thông tin về chuyên cần, điểm số, hạnh kiểm và các đề xuất khác. Những thông tin nóng có thể rất cần thiết với cha mẹ học sinh có nhu cầu để giúp đỡ con tiến bộ, giúp học sinh kiềm chế hành vi chưa đúng. Qua tin nhắn tự động, Email, Website, Camera… các phu huynh có thể tra cứu nhiều thông tin được bảo mật khác về con em từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Mục đích tốt đẹp của sổ liên lạc điện tử được khá nhiều phụ huynh và nhà quản lý giáo dục thừa nhận.
Sau thời gian thử nghiệm miễn phí, sổ liên lạc điện tử đang được tiếp thị và một số trường trên cả nước thực hiện. Từ thực tế nhà trường và là phụ huynh, chúng tôi hiểu sổ liên lạc điện tử theo một góc nhìn khác.
Giá trị của thông tin
Sổ liên lạc viết giữa gia đình và nhà trường sử dụng hàng chục năm nay không tránh khỏi hình thức, kém hiệu quả. Sổ liên lạc điện tử trong điều kiện kinh tế và xã hội Việt Nam đang gây nhiều lo lắng cho phụ huynh và giáo viên. Dù tự nguyện hay không, dù mức phí dịch vụ thế nào, hình thức quản lý, trao đổi thông tin điện tử này vẫn gây lãng phí công sức, thời gian và tiền của.
Nguy hiểm “rình rập” tại một ngôi trường quốc tế
Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng hàng loạt nguy hiểm vẫn đang rình rập các em học sinh đang theo học tại trường này.
Phí theo từng gói dịch vụ của nhà mạng, từ 5000 đến hơn 50000 VND/học sinh/tháng và thu một lần là gánh nặng với phần đông gia đình học sinh Việt Nam. Phụ huynh nhắn hồi đáp hay tra cứu vẫn phải trả tiền (15000VND/tháng). Doanh thu khủng của dịch vụ (chỉ riêng công ty iEdu vn, năm 2013 ước đạt 25 tỉ- theo TECH IN ASIA 20/6/2014) hình thành một thị trường sổ liên lạc điện tử với nhiều công ty cùng tham gia quảng bá và mức hoa hồng cạnh tranh.
Thực tế, thông tin nhận được giảm dần, chung chung, khá giống nhau theo tuần, tháng (trừ thông báo đột xuất của trường), thông tin không cập nhật nên đâu nhiều giá trị.
Quy trình khó đồng bộ
Giáo viên chủ nhiệm ghi chép, báo cáo =>Văn phòng trường=> đến Trung tâm mạng xử lý=> Phụ huynh=> Trung tâm mạng => Văn phòng=> Giáo viên chủ nhiệm => học sinh hoặc giáo viên chủ nhiệm trực tiếp gửi thông tin đến phụ huynh. Dù phần mềm của nhà mạng thế nào, hệ thống truyền thông trên vẫn hoàn toàn phụ thuộc người cấp nguồn tin gốc - Giáo viên chủ nhiệm nên hầu hết dịch vụ duy trì được không lâu và không đều.
Giáo viên chủ nhiệm đâu chỉ làm mỗi việc bám lớp, ghi chép và báo cáo; văn thư cũng nhiều việc, vả lại, trên 90 % học sinh “không có vấn đề gì”, học lực trung bình, hạnh kiểm khá, tốt, thành thử ghi nhận xét khác nhau cũng khó. Các thông tin về điểm, về việc học tập, rèn luyện hàng ngày cũng ít biến động.
Không bàn phụ huynh có điện thoại hay không, có điều kiện chăm sóc con hay không, đọc thông tin chung chung, lặp lại “…chăm chỉ, ngoan, có cố gắng. Phụ huynh nhắc nhở thêm...”, các phụ huynh cùng lớp tâm trạng thế nào, còn muốn đọc lần sau? Bỏ ra cả trăm ngàn VNĐ, đủ mua tập vở cả năm, có thể chỉ để biết thông báo mới của trường! Nguồn tin gốc, giáo viên chủ nhiệm không cập nhật và sạch, chắc chắn, những tin mẫu soạn cho tất cả, giống nhau đến lạ sẽ đến với quý vị.
Tin nhắn do tin tặc – mối nguy hại khó lường của sổ liên lạc điện tử (Ảnh minh họa. Nguồn: news.go.vn) |
Hiệu quả như mong muốn?
Phụ huynh muốn trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và ngược lại, qua hệ thống sổ liên lạc điện tử làm sao kịp thời? Học sinh A, phạm lỗi vào thứ 3, cuối tuần nhận tin SMS, tuần sau học sinh được chấn chỉnh. Việc nhắc nhở thành ra chậm, đôi khi vô giá trị. Hơn nữa, bệnh thành tích vẫn còn đó, để đạt các chỉ tiêu học lực và hạnh kiểm không giáo viên chủ nhiệm nào lại công khai “những điều tế nhị”, thành thử, nhiều lớp đạo đức khá tốt và lực học đạt rất chót vót.
Tỷ lệ học sinh giỏi và tiên tiến như thế, số phụ huynh chờ tin sổ liên lạc điện tử sẽ không nhiều. Những gì bất thường, quan trọng, giáo viên chủ nhiệm vẫn phải alo không thể chậm trễ, trao đổi và thống nhất dứt điểm cách xử lý và học sinh được điều chỉnh kịp thời. Phụ huynh “con có vấn đề” sẽ quan tâm và liên lạc thường xuyên với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, thậm chí còn muốn gặp trực tiếp cho thân mật hơn.
Như thế, sổ liên lạc điện tử có khi chỉ dành cho số ít, trong khi nhiều phụ huynh phải cộng đồng chia sẻ phí dịch vụ (giá phí và hoa hồng theo gói và phụ thuộc số lượng đăng ký). Tốn tiền vài cuộc gọi hay chọn hàng giờ, hàng ngày đều đặn ngồi soạn báo cáo về từng học sinh cả lớp, nếu bạn làm giáo viên chủ nhiệm? Bạn nghĩ đến trách nhiệm hay tiền thu nhập được chi trả để hoàn thành công việc?
"Từ 34 nghìn tỷ mà giờ còn hơn 400 tỷ thì tôi cũng sợ"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thốt lên như vậy khi thảo luận về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Mặt khác, sổ liên lạc điện tử phần lớn làm cả nhà ta đều vui nhưng cũng là không khí nặng nề sau những răn đe, trừng phạt của bề trên. Sổ liên lạc điện tử, đôi khi, thành kẻ mách lẻo công nghệ cao, làm không ít học trò ghét bỏ.
Cái khó bó cái công nghệ?
Điều kiện biên chế và công việc, các nhà trường không thể bố trí người chuyên trách việc theo dõi, ghi chép, báo cáo hàng ngày và liên tục. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và văn thư chuyên nghiệp (điều không tưởng) cũng khó theo nhịp cùng phần mềm công nghệ, dù tập huấn nhiều, nên nguồn tin gốc chậm, hệ thống sổ liên lạc điện tử chậm, tin không hữu ích.
Các nước phát triển, lớp ít học sinh, họ có đội ngũ quản sinh riêng, còn ở Việt ta, giáo viên chủ nhiệm kiêm quản sinh, đoàn đội, thu tiền, tư vấn …và dạy học. Những thầy cô dù siêng năng và đầy trách nhiệm có thể ngồi thêm tiết thứ 6 để viết và gửi báo cáo hàng ngày cho trung tâm hay nhắn tin tới phụ huynh? Hơn nữa, khoản thù lao (nếu có) rất nhỏ bé có tương xứng cho công sức thầy cô? Sổ điểm điện tử, Học bạ điện tử được triển khai cũng chỉ bổ sung thông tin định kỳ, tin gốc của giáo viên chủ nhiệm mới thật sự có ý nghĩa.
Giả sử, mỗi tuần hãy viết một mẩu tin cho một người về con mình, bạn sẽ hình dung điều đó dễ làm hay khó? Công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế bố mẹ và thầy cô chủ nhiệm gặp gỡ, trao đổi trong giáo dục học sinh, nhất là học sinh yếu kém. Áp lực nhận xét, soạn thông tin và đọc nhận tin, trả lời dành cho cả thầy cô và phụ huynh khá lớn.
Thận trọng là nhân văn
Những thông tin trên báo chí về sự ủng hộ, đồng tình, về tính thiết thực, hữu ích của Sổ liên lạc điện tử liệu có xác thực? Công nghệ bảo mật không thể chắc chắn các tin nhắn của sổ liên lạc điện tử đều đúng, đều đáng tin. Không hẳn phụ huynh, học sinh và giáo viên đều đón nhận tích cực sổ liên lạc điện tử. Với số ít học sinh yếu kém, tin nhắn có thể phản tác dụng. Nhiều trường làm thử sổ liên lạc điện tử vài năm qua đã thất bại và từ bỏ. Gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hay qua điện thoại vẫn là cách hiệu quả, đỡ tốn kém phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm tin dùng.
Đến nay, chưa có bất cứ Quy định nào của Ngành Giáo dục và chưa Sở Giáo dục nào bắt buộc về sổ liên lạc điện tử. Tất cả vẫn là tự nguyện, tự phát và tự thu chi như một dịch vụ có đóng phí.
Các dịch vụ thu tiền đang hướng vào mảnh đất màu mỡ, lãnh địa dễ thuyết phục, dễ thành công: trường học. Khoản tiền hoa hồng khấu trừ hấp dẫn có thể thông qua nhiều chương trình dịch vụ khiến phụ huynh và giáo viên chỉ còn biết tuân theo. Người làm giáo dục có nên làm giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho phụ huynh trước những ý tưởng lợi lớn cho kinh doanh hơn là giáo dục học sinh?