Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi rất tán thành việc bỏ chấm điểm ở Tiểu học

30/05/2016 07:37
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - GS Ngô Bảo Châu đánh giá: “Việc bỏ chấm điểm khi đánh giá thường xuyên ở tiểu học, tôi rất tán thành”.

Trước khi thực hiện theo mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN), mỗi tiết giảng bài của giáo viên luôn gắn chặt với bảng viết, học sinh thụ động lắng nghe, học thuộc bài khiến học sinh nhút nhát, rụt rè đặc biệt là học sinh vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Qua quá trình thực hiện, mô hình VNEN đã và đang làm thay đổi căn bản cách dạy – học, tác động đến nhận thức xã hội về cách làm giáo dục đặc biệt đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Đó là chuyển việc dạy học từ lối truyền thụ kiến thức của giáo viên sang hướng dẫn hoạt động học cho học sinh mà không làm thay đổi chuẩn kiến thức, kỹ năng và kế hoạch dạy học của chương trình hiện hành. 

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi rất tán thành việc bỏ chấm điểm ở Tiểu học ảnh 1
Sự chuyển mình mãnh liệt từ mô hình trường học mới

Đánh giá về mô hình VNEN, giáo sư Ngô Bảo Châu - Giảng viên Đại học Chicago, Mỹ cho rằng: 

“…Việc bỏ chấm điểm khi đánh giá thường xuyên ở tiểu học, tôi rất tán thành. Với học sinh lứa tuổi này, sẽ là quá sớm để dùng điểm số thường xuyên tạo sự ganh đua, gây sức ép quá cho các em.

Chủ trương này đã bắt nhịp được với xu hướng giáo dục tiểu học của thế giới. Tất nhiên, việc đánh giá bằng nhận xét với học sinh sẽ khiến các thầy cô giáo vất vả hơn. 

Tôi nghĩ, việc gì cũng vậy, ban đầu sẽ có những khó khăn, nhưng cũng không đến nỗi không thể không làm được. Những thay đổi đều tạo nên sự xáo trộn nhất định, nhưng thay đổi đúng hướng thì sẽ giúp chất lượng giáo dục được tốt hơn…
”. (Trích dẫn từ tài liệu một số ý kiến đánh giá về Dự án mô hình trường học mới Việt Nam của Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT))

Giáo sư Ngô Bảo Châu: Tôi rất tán thành việc bỏ chấm điểm ở Tiểu học ảnh 2

Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người

(GDVN) - Cần thay đổi nhận thức của phụ huynh từ việc hỏi “Con được mấy điểm?” thành “Con học được gì?”, đó chính là mong muốn của VNEN.

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông đại chúng là ý kiến đa chiều xoay quanh việc thực hiện VNEN từ sổ sách giáo viên đến khâu nhận xét học sinh. 

Có cuộc gặp gỡ với cô Đảng – giáo viên một trường Tiểu học thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế, cô cho rằng: “Tại trường nơi tôi công tác thì giáo viên không nặng về vấn đề sổ sách vì theo yêu cầu của lãnh đạo, giáo viên chỉ phải viết học bạ cho học sinh vào cuối kì, cuối năm học còn việc giáo viên ghi chép theo dõi học sinh thì không bắt buộc.

Do địa bàn tôi giảng dạy 100% là học sinh dân tộc thiểu số nên trước đây các em rất tự ti, ngại giao tiếp nhưng kể từ khi thực hiện theo mô hình VNEN đã giúp học sinh tự tin hơn rất nhiều. 

Có chăng khó khăn chúng tôi gặp phải thì vẫn là sách giáo khoa vì ở đây nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa mua được sách
”. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tâm – giáo viên của một trường Tiểu học thuộc tỉnh Đắk Lắk cho rằng: “Là một giáo viên dạy học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tôi thấy VNEN đã đạt hiệu quả khi thực hiện ở nơi có số lượng học sinh ít hơn 30 em/lớp. 

Mặc dù quá trình thực hiện còn gặp khó khăn từ nhận thức giáo viên, phụ huynh và điều kiện cơ sở vật chất nhưng rõ ràng, khi dạy theo cách truyền thống thì thầy cô dạy theo giáo án, học sinh học theo những gì thầy cô giảng nên các em thụ động trong việc học, không có tính sáng tạo. 

Còn khi thực hiện theo mô hình trường học mới, giáo viên phải chạy theo nhu cầu, đòi hỏi của học sinh nên thầy cô gần gũi học sinh hơn, học sinh được quan tâm hơn.

Khi dạy theo mô hình VNEN, giáo viên không phải soạn giáo án thì thời gian ấy sẽ giúp chúng tôi có thời gian bổ sung, điều chỉnh nâng cao chất lượng chuyên môn của mình".  

Trong vai trò là một nhà quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Ánh Lệ - Hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Tân, Đồng Nai đánh giá về VNEN cô cho rằng: “Trước đây khi thực hiện Thông tư 32 thì giáo viên vừa phải chấm điểm vừa nhận xét, nay dạy học theo chương trình VNEN, giáo viên phải đánh giá thường xuyên học sinh bằng nhận xét khích lệ động viên, không chấm điểm nên buộc giáo viên phải cẩn trọng hơn trong cách sử dụng từ ngữ và nét chữ. 

Hơn nữa, đội ngũ giáo viên của nhà trường là những người có kinh nghiệm trong giảng dạy truyền thống nên khi áp dụng mô hình VNEN đã gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng VNEN giúp học sinh trau dồi rất nhiều về năng lực, kỹ năng và trải nghiệm
”. 

Sau thời gian thí điểm vào năm học 2011-2012, tại 6 tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đăk Lăk và Khánh Hòa), cho 12 huyện, 24 trường và 48 lớp 2, Dự án Mô hình Trường học mới chính thức được triển khai vào năm học 2012-2013, cho tất cả 63 tỉnh, Thành phố trong toàn quốc, với 1.447 trường. 

Theo từng năm học, số trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình VNEN (chấp nhận không có sự hỗ trợ kinh phí của dự án) không ngừng tăng lên.

Năm học 2013-2014 tăng thêm 257 trường ở 20 tỉnh, thành; năm học 2014-2015 có 1.039 trường ở 31 tỉnh, thành phố và năm học 2015-2016 có tất cả 2.730 trường (ở 53 tỉnh, thành) tự nguyện áp dụng mô hình, nâng tổ số trường áp dụng mô hình lên 4.177 trường, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc.

Sau khi thí điểm mô hình taị 24 trường THCS thuộc 6 tỉnh vào năm học 2014-2015, đến năn 2015-2016 đã triển khai áp dụng mô hình trường học mới ở hơn 1700 trường THCS thuộc 61 tỉnh, thành.

Mô hình VNEN thực hiện theo nguyên tắc:

Học sinh ngồi học theo nhóm, 4-6 học sinh/nhóm, được khuyến khích giao tiếp, tương tác trực tiếp với nhau. Lớp học có Hội đồng tự quản học sinh, do học sinh bầu ra và hoạt động vì học sinh, tạo điều kiện cho mọi học sinh tự tin, hòa nhập với tập thể và phát huy tốt nhất các năng lực cá nhân và giá trị đích thực của mỗi em. 

Giáo viên không thuyết giảng một chiều mà tổ chức, hướng dẫn học sinh tự học theo tài liệu hướng dẫn học được viết dưới dạng các hoạt động học tập, bao gồm: Hoạt động cơ bản, hoạt động thực hành, hoạt động ứng dụng, nhằm hình thành cho học sinh năng lực: độc lập, hợp tác, sáng tạo, cách thức giải quyết vấn đề. 

Học sinh có tài liệu hướng dẫn học được viết dưới dạng các hoạt động học tập thay cho sách giáo khoa. Học sinh tự học (học cá nhân, cặp đôi, nhóm) theo tài liệu hướng dẫn học và hướng dẫn của giáo viên, biết sử dụng các công cụ học tập, biết tìm sự trợ giúp của bạn vè và giáo viên khi gặp khó khăn. 

Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, chấp nhận sự khác biệt của học sinh. Không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên, không so sánh các học sinh với nhau.

Học sinh được khuyến khích bày tỏ ý kiến, được tự đánh giá mình và đánh giá bạn.

Cha mẹ học sinh và cộng đồng có trách nhiệm tham gia và hỗ trợ tích cực các hoạt động giáo dục của nhà trường. Đồng thời tiếp nhận, bổ sung tri thức từ nhà trường thông qua học sinh.

Bài và ảnh: Thùy Linh