Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người

26/05/2016 08:12
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Cần thay đổi nhận thức của phụ huynh từ việc hỏi “Con được mấy điểm?” thành “Con học được gì?”, đó chính là mong muốn của VNEN.

Sáng 25/5, tại Hải Phòng, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai mô hình trường học mới Việt Nam theo dự án GPE-VNEN (VNEN). 

Báo cáo những thành tích đạt được và khó khăn hạn chế trong quá trình triển khai mô hình trường học mới VNEN, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là địa phương thuộc nhóm ưu tiên 3, năm học 2012-2013, Hải Phòng chỉ có 1 trường được tham gia dự án mô hình trường học mới (VNEN). Đó là trường Tiểu học Đằng Lâm, quận Hải An. 

Với lộ trình rà soát, đánh giá thực trạng hàng năm, đồng thời giao quyền chủ động cho từng nhà trường trong việc lựa chọn tham gia mô hình trường học mới VNEN, bằng những kết quả đạt được về chất lượng học sinh, về đổi mới phương pháp, tính đến năm 2015-2016, Hải Phòng đã có 55833 học sinh tương ứng 1586 lớp của 128 trường thuộc 12/15 quận, huyện đã tham gia dạy học theo mô hình trường học mới Việt Nam VNEN. 

Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người ảnh 1
Sáng 25/5, tại Hải Phòng, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm triển khai mô hình trường học mới Việt Nam

Tính đến nay, ngoài các nhà trường tham gia nhân rộng dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, các thầy cô giáo đang dạy các lớp học truyền thống cũng đã chủ động tìm hiểu, học tập và áp dụng cách dạy của thầy cô, cách tổ chức lớp học theo nhóm, hướng dẫn học sinh tự học theo mô hình trường học mới ở một số tiết học. 

Theo kết quả đánh giá chất lượng giáo dục toàn diện của Sở GD&ĐT Hải Phòng khi thực hiện mô hình VNEN cho thấy:

-Về năng lực: tỷ lệ học sinh Đạt ở mức 98,6%. 

-Về phẩm chất: tỷ lệ học sinh Đạt ở mức 98,8%.

- Đối với môn Toán: tỷ lệ học sinh Hoàn thành ở mức 98,8%.

- Đối với môn Tiếng Việt: tỷ lệ học sinh Hoàn thành ở mức 99,3%. 

Kết quả đạt được

Sau 3 năm triển khai dạy học theo mô hình VNEN, giáo dục Tiểu học Hải Phòng đã đạt được một số kết quả nhất định:

- VNEN đã cơ bản được giáo viên thực hiện theo đúng định hướng của Dự án, không dạy học đồng loạt mà dạy học đã hướng đến sự phù hợp và phát triển năng lực của từng học sinh, có giải pháp kỹ thuật và vật chất để đổi mới phương pháp dạy, phương pháp học. 

Riêng tại quận Hải An, năm học 2012-2013 Phòng GD&ĐT đã lựa chọn và chỉ đạo trường Tiểu học Đằng Lâm triển khai VNEN theo dự án của Bộ GD&ĐT. Đến nay, phòng GD&ĐT quận Hải An đã chỉ đạo triển khai nhân rộng đến 7/7 trường Tiểu học trong quận”, cô Trịnh Thị Thu Huyền- Hiệu trưởng trường Đằng Lâm cho biết. 

Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người ảnh 2

Lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An đi 8 trường xem thực hiện VNEN

(GDVN) - Khi nghe chính những người trực tiếp thực hiện mô hình VNEN, từ giáo viên đến cán bộ quản lý đều nói khác với những gì mà tôi đã đọc được.

- Đa số giáo viên đã nắm được phương pháp dạy học, cách tổ chức lớp học theo mô hình VNEN, linh hoạt, chủ động điều chỉnh nhịp độ học tập tùy theo đối tượng học sinh của mình. Tập trung vào việc quan sát, hướng dẫn, tổ chức học tập, hỗ trợ, thúc đẩy quá trình học tập của học sinh. 

Minh chứng điều này, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài- giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Ngô Quyền cho biết: 

Tôi tìm hiểu kỹ học sinh của mình ngay từ đầu năm học như: số lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh nhanh nhẹn, mạnh dạn, nói to…

Từ đó, tôi xây dựng kế hoạch kiện toàn Hội đồng tự quản của lớp mình dựa trên cơ sở yêu cầu về Hội đồng tự quản mà mô hình VNEN đặt ra. 

Tôi đưa ra những tiêu chí để lớp lựa chọn các bạn trong ban Hội đồng tự quản thật chính xác như: phải nhanh nhẹn, năng nổ; phải mạnh dạn, tự tin, có trách nhiệm, có năng lực học tập tốt;…

Sau đó, thực hiện đúng theo các bước, đúng tinh thần và mục tiêu của mô hình trong việc thành lập Hội đồng tự quản: tự nguyện, bình đẳng và tôn trọng nhau”. 

- Đặc biệt mô hình VNEN đã tiếp cận các đánh giá học sinh, coi trọng đánh giá thường xuyên, đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, đúng với tinh thần của Thông tư 30.

- Học sinh quen dần với cách học, bước đầu đạt hiệu quả trong việc phát huy khả năng tự học, tương tác trong nhóm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, biết lắng nghe, bày tỏ ý kiến, chia sẻ với bạn bè.

Hội đồng tự quản ở một số lớp, trường làm khá tốt vai trò của mình. Việc điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học đã giúp học sinh chủ động, tăng khả năng làm việc cá nhân cũng như các kỹ năng tự giải quyết vấn đề. 

- Học sinh được hình thành phát triển tốt về năng lực, phẩm chất, các em có môi trường, có cơ hội để tự quản-tự học-tự đánh giá, các hoạt động tổ chức lớp học giúp các em biết tự chủ-tự giác-tự tin trong học tập cũng như trong cuộc sống. Quá trình học tập giúp học sinh được trải nghiệm-khám phá-chiếm lĩnh-sáng tạo-phát triển. 

Theo kết quả đánh giá của Phòng GD&ĐT huyện Cát Hải cho thấy, học sinh học theo mô hình VNEN được phát triển, hình thành những năng lực cơ bản như: làm việc cá nhân, làm việc nhóm (nhất là kỹ năng đọc hiểu, giao tiếp, phối hợp, hợp tác với bạn trong nhóm…). 

Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người ảnh 3

Dạy học thảo luận nhóm, biết là "thuốc" tốt sao ít dùng?

(GDVN) - Có phải “học trò lười, ngại thảo luận, giao tiếp kém, năng lực ngôn ngữ yếu…” hay nhà giáo chưa hiểu hoặc chưa biết cách sử dụng phương pháp thảo luận nhóm?

Đại đa số học sinh có tiến bộ, mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập, giao tiếp. Nhiều học sinh có cơ hội thể hiện phẩm chất năng lực trong quá trình đánh giá mà vẫn đảm bảo mức độ 100% hoàn thành về kiến thực kỹ năng của các môn học. 

- Hầu hết các trường tham gia mô hình, không gian lớp học, các góc học tập, thư viện lớp học được đầu tư chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa, góp phần thay đổi không khí, cảnh quan sư phạm, diện mạo nhà trường, tạo không khí dân chủ, thân thiện, góp phần đổi mới quan hệ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa gia đình, nhà trường với cộng đồng. 

Tại địa bàn huyện Cát Hải, các trường triển khai VNEN đều thực hiện nghiêm túc việc trang trí không gian lớp học gồm các phần cứng như: Bảng ghi 10 bước học tập, sơ đồ cộng đồng, sơ đồ hội đồng tự quản, hòm thư điều em muốn nói, góc sinh nhật, bảng chuyên cần, nhịp cầu bè bạn, thư viện lớp học, góc chia sẻ, bảng thi đua, góc sản phẩm tự làm của học sinh…tất cả đều được trang trí thân thiện, gần gũi, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh. 

Một số lớp còn được trang bị thiết bị hiện đại như tivi, màn hình chiếu, máy chiếu vật thể, máy tính kết nối Internet như trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Đoàn Đức Thái…phục vụ tốt cho việc giảng dạy và học tập. 

-Nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ mô hình VNEN vì thấy được sự tiến bộ của con em mình qua việc thể hiện kỹ năng sống như tự tin, mạnh dạn hơn trong gia đình và ngoài xã hội.

Hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều hạn chế như:
 
-Những lớp sĩ số cao, số học sinh trong nhóm đông, việc học theo nhóm có những hạn chế nhất định. Với trường hợp giáo viên năng lực, sức khỏe có hạn chế, việc bao quát lớp, kiểm soát tất cả học sinh trong giờ học, không bỏ rơi học sinh còn gặp khó khăn. 

-Là những năm đầu tiên thực hiện nên chưa có đồ dùng cơ bản cho các môn học, các tường chưa có thiết bị đồ dùng tự làm tích lũy từ năm trước, thời gian giáo viên làm việc trên lớp cả ngày nên việc làm đồ dùng dạy học cho các môn học chưa được như mong muốn. 

Riêng giáo dục Tiểu học quận Hải An cho thấy, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học còn hạn chế so với nhu cầu thực tế. Số học sinh tăng nhanh hàng năm dẫn đến không đủ phòng học đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày. Số học sinh trong lớp đông, diện tích phòng học chật nên phần nào ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động dạy và học.

Trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người ảnh 4

Đâu phải lúc nào học sinh cũng là trung tâm?

(GDVN) - Dù có đổi mới phương pháp và hình thức dạy học thế nào thì mục đích cuối cùng cũng là nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.

 
Kinh phí hạn chế nên việc mua sắm, tổ chức làm đồ dùng dạy học cho các lớp VNEN còn nhiều bất cập. 

Đời sống nhân dân địa phương còn thấp. Một bộ phận dân cư đời sống kinh tế còn khó khăn, thiếu sự quan tâm đúng mức đến điều kiện học tập của con em đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục của nhà trường. 

- Việc điều chỉnh tài liệu giúp học sinh tự học tốt hơn rất nhiều, tuy nhiên quỹ thời gian, năng lực của giáo viên, các tổ chuyên môn chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu nên kết quả điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học, chuyển đổi tài liệu hiện hành các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức sang tài liệu Hoạt động hướng dẫn học còn hạn chế. 

- Hiện, do sĩ số các trường đang trong giai đoạn có chiều hướng gia tăng, nhiều trường thiếu giáo viên vì vậy các trường không có điều kiện lựa chọn giáo viên tâm huyết, có năng lực, nghiệp vụ tốt tham gia mô hình. Những giáo viên còn hạn chế chưa hiểu rõ bản chất của mô hình, kỹ thuật dạy học theo mô hình còn phải có thời gian tiếp tục bồi dưỡng. 

- Hầu hết các trường, diện tích phòng học chật hẹp, các điều kiện cơ sở vật chất thực sự chưa đáp ứng được yêu cầu, không có đủ không gian cần thiết cho các em học tập và hoạt động. 

- Một số giáo viên tuổi cao, nhiều năm trong nghề nên việc tiếp cận, đổi mới phương pháp còn chậm, chưa linh hoạt trong việc xử lý tình huống sư phạm, chưa phát huy được tính tích cực của học sinh (tiết dạy vẫn còn mang tính áp đặt). 

- Đối với học sinh lớp 2 đầu năm học, các em đọc, viết chưa thật tốt; kỹ năng điều hành của nhóm trưởng chưa quen, chưa tốt; học sinh thao tác chậm, chưa mạnh dạn, còn nhút nhát; nhiều học sinh chưa biết hợp tác trong học tập nên giáo viên còn vất vả, mất thời gian hướng dẫn, theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra nhiều lượt trong từng hoạt động cho học sinh để đáp ứng yêu cầu của chương trình. 

- Còn một số phụ huynh học sinh lo ngại con em mình trong lớp học tập chưa sôi nổi nên không theo được cùng các bạn trong lớp. 

- Giáo viên ở một số đơn vị nhân rộng mô hình ở ngoại thành, chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với mô hình mới nên còn bỡ ngỡ, lúng túng trong tổ chức các hoạt động trong lớp học.

Lắng nghe những thành tích cũng như khó khăn còn tồn tại khi triển khai mô hình VNEN tại Hải Phòng, TS Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận xét: 

Trước tiên, mặc dù trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi rất vui mừng vì cảm nhận rất rõ về tâm huyết với giáo dục của Hải Phòng từ giám đốc Sở, Phòng GD&ĐT đến các giáo viên với mong muốn đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng thông qua việc triển khai tốt các chương trình Bàn tay nặn bột, Tiếng việt công nghệ giáo dục, dạy Mỹ thuật mới của Đan Mạch…

Qua những báo cáo của Hải Phòng, tôi thấy hạnh phúc vì VNEN bước đầu đạt được thành tích như giáo viên có nhiều thay đổi về nhận thức, tổ chức dạy học, giáo viên năm vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh còn trò thì tự tin, mạnh dạn hơn…theo đúng tinh thần trước đây, giáo dục nặng về dạy chữ thì giờ chuyển sang dạy làm người. 

TS Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận xét về thành tích và tháo gỡ những khó khăn Hải Phòng còn gặp phải
TS Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) nhận xét về thành tích và tháo gỡ những khó khăn Hải Phòng còn gặp phải

Dạy theo VNEN là không nói tới điểm số, học sinh được học kiến thức, không gây áp lực vì chúng ta hiểu rằng nếu áp lực thì sẽ mất khả năng sáng tạo, bày tỏ ý kiến và khả năng tự học, tự hiểu kiến thức. 

Nhiều người cho rằng, không châm điểm thì học sinh không có động lực học tập tuy nhiên TS.Phạm Ngọc Định lý giải, nếu trước đây bài kiểm tra học sinh được 7 điểm thì phụ huynh chỉ áng chừng con cái học như thế chứ không hề biết kiến thức con cái ở mức độ nào.

Nay học sinh không được 7 điểm nữa nhưng chính học sinh đó và phụ huynh sẽ nắm được những thiếu xót, vướng mắc gì cần cải thiện để đạt kết quả cao hơn. 

Hơn nữa, rõ ràng giáo viên phải chấp nhận tình trạng học lực học sinh không đồng đều nhưng khi thực hiện theo mô hình VNEN thì về mặt tiến độ mọi học sinh đều phải hoàn thành nên những học sinh yếu chắc chắn được giáo viên bám sát hơn. 

Về mặt thiết bị dạy học, thầy Phạm Ngọc Định cho rằng, nếu giáo viên kêu ca đi dạy cả ngày nên không có thời gian làm thiết bị cho học sinh là không đúng với mục tiêu của mô hình VNEN. Vì mọi thiết bị dạy học cần thầy cô tổ chức để kéo học sinh, phụ huynh cùng tham gia, cùng làm, để học sinh lao động. 

Muốn giáo viên tâm huyết thì không còn cách nào khác ngoài cùng nhau sinh hoạt chuyên môn, tôn trọng lắng nghe nhau để cùng thực hiện và cần thay đổi nhận thức của phụ huynh từ việc hỏi “Con được mấy điểm?” thành “Con học được gì?”, đó chính là mong muốn của VNEN. 

Rồi đến khi khen thưởng thì cần phải phản ánh đúng, cụ thể, học sinh nào giỏi Toán thì khen giỏi Toán, học sinh nào giỏi Hát thì khen giỏi Hát, nếu có cả 2 thì khen cả 2 chứ không nên khen thưởng theo kiểu chung chung rằng: “Học sinh giỏi”. 

Kết thúc buổi tổng kết, TS Phạm Ngọc Định nhắn nhủ tới giáo viên Hải Phòng nói riêng, giáo viên cả nước nói chung rằng: VNEN là xu hướng nâng nâng cao chất lượng giáo dục nên chúng ta cần thận trọng trong từng bước đi, không cần đi nhanh mà trước tiên cần chuẩn bị đội ngũ và cơ sở vật chất tốt.

Bài và ảnh: Thùy Linh