Bộ sẽ chỉnh lý tài liệu hướng dẫn học VNEN phù hợp với sách giáo khoa sắp tới

28/05/2016 06:09
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu những kinh nghiệm từ mô hình VNEN để đưa vào dự thảo mới Điều lệ trường tiểu học, trung học.

Ngày 27/5/2016, tại Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, Bộ GD&ĐT, Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án. 

Tham dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các Bộ, Ban ngành có liên quan, các Cục, Vụ, Viện của Bộ GD&ĐT, các đối tác quốc tế: UNESCO, Ngân hàng Thế giới (WB)… cùng hơn 300 các cán bộ Ban quản lý Dự án cấp Trung ương và địa phương, các tác giả viết tài liệu và giáo viên có thành tích triển khai thực hiện Mô hình trường học mới.

Mô hình Trường học mới được Ngân hàng thế giới và UNESCO hỗ trợ để các chuyên gia giáo dục hàng đầu thế giới thiết kế cho các nước đang phát triển và đã triển khai thành công ở nhiều nước, trong đó có Cộng hòa Colombia.  
Mô hình này đã giành được một số giải thưởng quốc tế, là một trong số ít mô hình phù hợp nhất với điều kiện giáo dục của các nước đang phát triển. Vì vậy, Ngân hàng thế giới đã giới thiệu và hỗ trợ Việt Nam tham quan mô hình tại một số quốc gia. 

Mô hình Trường học mới được triển khai ở Việt Nam theo quan điểm: lựa chọn nội dung phù hợp, những cách làm hay của các nước trên cơ sở đảm bảo những nguyên lý, quy luật nhận thức và những thành tựu khoa học giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Đồng thời, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm tốt của giáo dục Việt Nam, vận dụng mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

VNEN đổi mới đồng bộ nhiều nội dung dạy – học

Tại hội nghị tổng kết, TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), Giám đốc Dự án VNEN cho biết, thời gian triển khai dự án là 41 tháng (từ 1/2013 đến hết tháng 5/2016). 

TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tổng kết Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam vào sáng 27/5
TS Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo tổng kết Dự án Mô hình trường học mới Việt Nam vào sáng 27/5

Sau thời gian thí điểm vào năm học 2011-2012, tại 6 tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đăk Lăk và Khánh Hòa), cho 12 huyện, 24 trường và 48 lớp 2, Dự án Mô hình Trường học mới chính thức được triển khai vào năm học 2012-2013, cho tất cả 63 tỉnh, Thành phố trong toàn quốc, với 1.447 trường. 

Theo từng năm học, số trường tiểu học tự nguyện áp dụng mô hình VNEN (chấp nhận không có sự hỗ trợ kinh phí của dự án) không ngừng tăng lên.

Năm học 2013-2014 tăng thêm 257 trường ở 20 tỉnh, thành; năm học 2014-2015 có 1.039 trường ở 31 tỉnh, thành phố và năm học 2015-2016 có tất cả 2.730 trường (ở 53 tỉnh, thành) tự nguyện áp dụng mô hình, nâng tổ số trường áp dụng mô hình lên 4.177 trường, chiếm gần 30% tổng số trường tiểu học trong toàn quốc.

Sau khi thí điểm mô hình taị 24 trường THCS thuộc 6 tỉnh vào năm học 2014-2015, đến năn 2015-2016 đã triển khai áp dụng mô hình trường học mới ở hơn 1700 trường THCS thuộc 61 tỉnh, thành.

Cũng theo TS Phạm Ngọc Định, sau 4 năm triển khai dự án dựa trên quan điểm Giáo dục định hướng phát triển năng lực người học, trong đó coi trọng giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, VNEN đã tập trung đổi mới đồng bộ một số nội dung. Cụ thể: 

Đổi mới phương pháp dạy - học:

Giáo viên chuyển đổi từ lối dạy giảng giải, truyền thụ kiến thức cho cả lớp sang tổ chức, hướng dẫn học sinh hoạt động học tập thông qua các hình thức học cá nhân, học theo nhóm; chú ý quan tâm đến từng học sinh

Học sinh chủ động thực hiện các hoạt động học dựa theo Tài liệu hướng dẫn học (sách giáo khoa). Học sinh được tự học thông qua tương tác với SGK (học cá nhân, đọc và suy ngẫm), thảo luận cặp đôi và thảo luận trong nhóm, trong lớp và thảo luận với giáo viên để tự lĩnh hội kiến thức mới, rèn luyện kĩ năng, phát triển phẩm chất và năng lực.

Đổi mới về tổ chức và không gian lớp học: 

Lớp học có Hội đồng tự quản học sinh do tập thể lớp bầu ra (của học sinh), tự quản và dân chủ hoạt động (do học sinh), qua đó học sinh phát huy tính tự tin, tự giác hòa nhập với tập thể và phát huy tốt nhất năng lực cá nhân và giá trị đích thực của mỗi em (vì học sinh).

Không gian lớp học có chỗ dành cho học sinh trưng bày các sản phẩm học tập, tủ sách lớp học, đồ dùng học tập…

Đổi mới về đánh giá học sinh:


VNEN thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học từ năm học 2012 – 2013 theo nguyên tắc đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, chú trọng đánh giá ngay trong quá trình học, chấp nhận sự khác biệt của từng học sinh, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên, không so sánh các học sinh với nhau, học sinh được tự đánh giá và đánh giá bạn. 

Kết quả này là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng và ban hành Thông tư 30/2014 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GD&ĐT .

Đại diện học sinh tham gia tọa đàm đánh giá về VNEN
Đại diện học sinh tham gia tọa đàm đánh giá về VNEN

Đổi mới về cách thức huy động sự tham gia của cha mẹ, cộng đồng trong quá trình giáo dục. Mỗi bài học đều có phần yêu cầu học sinh vận dụng hoặc tìm hiểu kiến thức vào/từ thực tế địa phương, gia đình. Các em mạnh dạn tìm hiểu, học hỏi từ người khác thì mới đạt kết quả tốt.

Nhà trường chủ động đề xuất những nội dung cụ thể để cộng đồng, phụ huynh tham gia hỗ trợ nhà trường, hỗ trợ học sinh; được mời cùng dự và tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Đổi mới sinh hoạt chuyên môn (SHCM): 

SHCM thông qua nghiên cứu bài học, chú trọng hoạt động dự giờ minh họa để trao đổi, chia sẻ, học hỏi chuyên môn trong tổ, trường, cụm trường, được xem điểm đổi mới mấu chốt trong Mô hình trường học mới, nhằm khắc phục những hạn chế của tình trạng sinh hoạt chuyên môn nặng về hành chính, phê phán trước đây, nâng cao năng lực quản lí, năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm cho cán bộ, giáo viên. 

Dự án xây dựng trang mạng riêng để giáo viên cả nước trao đổi với nhau các kinh nghiệm, sản phẩm giáo dục; trang mạng này hiện nay đã được kết nối với trang mạng “trường học kết nối”.

Đổi mới các hoạt động quản lý nhà trường. Mô hình trường học mới đã thực hiện đổi mới quản lý nhà trường theo hướng dân chủ hóa, xã hội hóa, giao quyền và tạo cơ chế tự chủ cho giáo viên và tự quản của học sinh.

Những đổi mới này đã và đang tác động trực tiếp tới ba chủ thể chính của giáo dục là giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, với những mức độ khác nhau ở các trường, các địa phương, đã tạo ra những thay đổi tích cực.

Hi vọng những bài giảng trong VNEN được đưa vào chương trình sách giáo khoa sắp tới

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao những nỗ lực của ban quản lý dự án cấp trung ương và 63 tỉnh thành phố. 

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định dự án VNEN trển khai trong một thời gian ngắn nhưng đã đạt được kết quả rất tốt, tạo bước chuyển quan trọng về nhận thức và cách thức thực hiện mục tiêu giáo dục là nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu những kinh nghiệm từ mô hình VNEN để đưa vào dự thảo mới Điều lệ trường tiểu học, Điều lệ trường trung học.

Đồng thời, chỉ đạo việc hoàn thiện, chỉnh lý tài liệu hướng dẫn học hiện nay để phù hợp với chương trình mới, phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa

Đồng hành cùng Việt Nam thực hiện VNEN, đại diện Ngân hàng thế giới, chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp Suhas D.Parandekar cho biết: Dự án VNEN đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về một cách tiếp cận giáo dục mới đặc biệt là cách quản lý giáo dục trở nên cởi mở, dân chủ hơn, lớp học lấy học sinh làm trung tâm

Tuy nhiên, để thực hiện tốt và đạt được kết quả đưa ra thì dự án vẫn cần nỗ lực hơn nữa đặc biệt những giáo viên thực hiện tốt thì cần giúp đỡ, chia sẻ với đồng nghiệp nhất là giáo viên vùng khó khăn, giáo viên thực hiện chưa tốt để VNEN hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, ông Suhas D.Parandekar hi vọng những bài giảng trong VNEN tiếp tục phát huy được những hiệu quả để có thể được đưa vào chương trình sách giáo khoa sắp tới của Việt Nam trong công cuộc tiến hành căn bản toàn diện nền giáo dục. 

Bài và ảnh: Thùy Linh