Tập huấn giáo viên, chọn người nghe hay người báo cáo?

03/05/2017 09:07
Thuận Phương
(GDVN) - Chất lượng các lớp tập huấn giảm đi theo từng cấp. Và thực tế, chất lượng buổi tập huấn phụ thuộc nhiều vào trình độ của các báo cáo viên.

LTS: Phản ánh thực tế công tác tập huấn giáo viên chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa", cô giáo Thuận Phương cho rằng chất lượng tập huấn hiện nay phụ thuộc nhiều vào người báo cáo.

Do vậy, để đổi mới hiệu quả, cô giáo Thuận Phương cho rằng cần để giáo viên được trực tiếp lắng nghe những chuyên gia giáo dục báo cáo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cứ mỗi lần triển khai một mô hình, một phương pháp dạy học mới hoặc ban hành một Thông tư, Nghị định… ngành Giáo dục thường tổ chức tập huấn cho toàn thể giáo viên được biết. 

Do số lượng nhà giáo quá đông nên không thể tổ chức tập huấn một cách đại trà mà thường được tổ chức theo kiểu phân cấp. Bởi thế, chuyện tập huấn đôi khi cũng mang hình thức “cưỡi ngựa xem hoa” là chính.

Đối tượng được cử đi tập huấn cấp trung ương thường là chuyên viên cấp Sở, Phòng Giáo dục và một số Phó Hiệu trưởng của các trường trong huyện thị. 

Về cơ sở, những hạt giống này sẽ tập huấn lại cho những Phó Hiệu trưởng còn lại và một vài Tổ trưởng chuyên môn các trường. Về trường, giáo viên sẽ được Phó Hiệu trưởng và Tổ trưởng chuyên môn báo cáo lại. 

Công tác tập huấn giáo viên vẫn còn mang tính "cưỡi ngựa xem hoa". (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)
Công tác tập huấn giáo viên vẫn còn mang tính "cưỡi ngựa xem hoa". (Ảnh minh họa: hongbang.edu.vn)

Chất lượng đợt tập huấn phụ thuộc trình độ người báo cáo

Chất lượng các lớp tập huấn giảm đi theo từng cấp. Chẳng hạn, ở lớp tập huấn trung ương, người đi tập huấn được nghe trực tiếp các chuyên gia giáo dục báo cáo. 

Về cấp tỉnh, đối tượng được cử đi là chuyên viên cấp Phòng và một vài Phó Hiệu trưởng.

Cấp huyện thị được đi tập huấn là tất cả những Phó Hiệu trưởng còn lại và một vài Tổ trưởng chuyên môn. Cuối cùng về trường mới là toàn thể giáo viên.

Chất lượng buổi tập huấn phụ thuộc nhiều vào trình độ của các báo cáo viên.

Đã có không ít người dù là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn nhưng khả năng tiếp thu vấn đề không nhạy bén, khả năng tổng hợp, logic không cao dẫn đến tình trạng hiểu nửa vời. 

Cộng với khả năng truyền đạt vừa thiếu, vừa yếu nên chất lượng buổi tập huấn cũng đạt ở mức trung bình không hơn. 

Đã có người khi triển khai một vấn đề cứ phải nhìn chằm chằm vào từng trang sách. Hoặc khi học viên hỏi lại lúng túng không biết trả lời ra sao? 

Phần vì do họ thiếu kinh nghiệm giảng dạy nên không thể hình dung ra những tình huống thật sự xảy ra trong thực tế. 

Tập huấn giáo viên, chọn người nghe hay người báo cáo? ảnh 2

Tập huấn, bồi dưỡng, thầy cô giáo chán ngán đến… cổ

(GDVN) - Nhiều thầy cô phổ thông đến nơi tập huấn, bồi dưỡng liền biến nơi ấy thành cơ hội, thành dịp để gặp gỡ, nói chuyện riêng tư, tụ tập, đi mua sắm…

Giáo viên, thành phần quan trọng nhất truyền tải tất cả những mục tiêu, nhiệm vụ của những mô hình, những phương pháp mới hay các Thông tư, chỉ thị lại chỉ được tập huấn sau cùng mà các báo cáo viên lại chính là những Phó Hiệu trưởng và Tổ trưởng chuyên môn. 

Trong những buổi tập huấn của giáo viên cũng đã có nhiều thắc mắc, nhiều trăn trở được các thầy cô giáo nêu lên nhưng không phải lúc nào họ cũng được giải đáp một cách thỏa đáng. 

Câu nói quen thuộc giáo viên thường được nghe các báo cáo viên nói lại “Chúng tôi ghi nhận và sẽ đề đạt ý kiến lên cấp trên, khi nào có câu trả lời, chúng tôi sẽ thông báo lại”. 

Và thế là đôi khi chẳng bao giờ được nghe “thông báo lại”. Có không ít người đã phải thốt lên “Đi tập huấn mà cũng như không, thà ở nhà đọc tài liệu còn hữu ích hơn nhiều”.

Bởi thế, dù được tập huấn chung nhưng khi về lại các trường vẫn mạnh trường nào trường ấy thực hiện. 

Vì điều này đã xảy ra không ít chuyện rắc rối khi trường này đến thanh tra trường kia không bằng lòng với cách thực hiện ấy đã chê bai, bắt bẻ gân nên nhiều hiềm khích. 

Hoặc giáo viên trường này đi thi bị nhắc nhở, giáo viên trường khác lại được tuyên dương…

Sẽ tập huấn chương trình mới thế nào?

Tránh những đợt tập huấn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” như thế, ngành Giáo dục cần có những kế hoạch tổ chức tập huấn cho giáo viên thật hiệu quả. 

Cần xác định, giáo viên mới là những nhân tố quan trọng nhất trong đợt tập huấn, họ cần được nghe trực tiếp những chuyên gia giáo dục báo cáo cũng như đề đạt những thắc mắc và nhận lại được những giải đáp một cách kịp thời, thấu đáo.

Một khi đã hiểu thì việc thực hiện sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Thuận Phương