LTS: Phản ánh những vất vả của giáo viên trong cuộc sống mưu sinh với đồng lương ít ỏi, cô giáo Phan Tuyết cất lên tiếng nói của rất nhiều giáo viên đang phải tìm cách sống tốt với nghề.
Theo đó, với định kiến của xã hội nên giáo viên rất khó có thể làm những công việc làm thêm mà mọi người gán cho là "tầm thường". Vì vậy, muốn có tiền để trang trải cuộc sống, giáo viên buộc phải dạy thêm.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Đây chính là sự ghi nhận và tôn vinh nghề dạy học, một nghề luôn được xem là “cao sang, danh giá” nhất.
Điều này, vừa mang lại niềm vui, niềm tự hào nhưng cũng chính là sự áp lực không nhỏ cho các nhà giáo.
Nếu như các diễn viên, ca sĩ hay hoa hậu, á hậu thường bị soi vì họ là người của công chúng thì những thầy cô giáo bình thường từ làng quê đến thị thành cũng luôn là tâm điểm để mọi người để ý, bàn luận.
Ngoài dạy thêm, giáo viên còn có thể làm thêm việc gì? (Ảnh minh họa: Báo Tuổi trẻ) |
Nhiều người luôn thần thánh hóa các nhà giáo nên trong mắt họ đã là thầy cô là phải có tác phong đạo mạo, có cốt cách thanh cao.
Bởi thế, dù cuộc sống có đói khổ, thầy cô cũng không thể ngồi bán hàng rong nơi đầu đường xó chợ, không được vào quán bưng bê, hay rửa chén bát thuê cho các quán xá, nhà hàng, không được chạy xe ôm hay làm bốc vác, cửu vạn, càng không thể làm anh lơ xe, có mồi, chạy mánh…
Nhiều người cho rằng, đã là thầy cô giáo nhất định không được làm những công việc “tầm thường” như thế. Nếu làm những công việc này, sẽ mất hết hình ảnh một nhà giáo dục.
Nhưng nghẹt nỗi, thầy cô không thể sống một mình mà vẫn phải lo cho cả gia đình và còn có biết bao mối quan hệ khác.
Chẳng hạn như, tiền bỉm sữa, tiền quần áo cho con, tiền thuốc thang mỗi khi con trở bệnh, tiền đóng học hàng tháng, rồi tiền ăn hàng ngày chưa nói đến tiền cưới hỏi, đám đình, tiền lễ Tết.
Học nếm - Dạy thêm và câu chuyện tựu trường sớm |
Rồi việc sắm sửa xe cộ, mua đất đai để xây dựng cái chòi làm nơi tá túc…
Biết bao cái phải chi tiêu nhưng tất cả chỉ trông chờ vào mấy đồng lương còm hàng tháng sau khi đã cấn trừ hàng chục khoản mang tên ủng hộ.
Thế nên, đa phần tiền lương thầy cô chưa cầm nóng tay đã bay hết.
Công việc tưởng là chính đáng nhất của giáo viên đó là dạy thêm thì bị coi là vấn nạn.
Thầy cô chỉ dùng kiến thức của mình đã được học bao nhiêu năm để giúp cho học sinh có được những kiến thức cần thiết nhưng điều này cũng bị ngăn cấm bởi hết Thông tư này đến Nghị định kia ban hành.
Có người so sánh, học sinh Nhật Bản, Singapore hay học sinh trường quốc tế không học thêm sao vẫn giỏi? Giáo viên họ cũng chẳng ai dạy thêm mà vẫn sống đàng hoàng…
Sao không ai so sánh chương trình học của họ có áp lực, nặng nề về kiến thức như chương trình học của ta hay không?
Nhiều ba mẹ có bằng thạc sĩ nhưng vẫn hay than vãn không thể giải nổi bài toán lớp 3 cho con, không thể dạy trẻ theo chương trình mới.
Rồi nước họ có học sinh ngồi học lớp 5 mà kiến thức chưa bằng một học sinh lớp 1 giống như nhiều lớp học ở ta hay không?
Và một điều quan trọng không kém, sao không thấy ai so sánh lương của giáo viên Singapore gấp đến 30 lần lương một giáo viên ở Việt Nam?
Học trò cần được học thêm những kiến thức mà trên trường đã không đủ thời gian để dạy. Hoặc được học rồi nhưng các em vẫn chưa thể tiếp thu.
Thầy cô phần vì muốn giúp trò học tốt, phần cũng muốn giúp chính gia đình mình duy trì được một cuộc sống bình thường (điều mà nhà nước cũng chưa thể làm được).
Dạy thêm có phải là xấu? và đáng bị lên án như thế hay không? Đương nhiên là không! Bởi, giáo viên chỉ dùng kiến thức của mình để giảng dạy, giúp đỡ các em mà nhờ thế nhiều học sinh đã học tốt hơn.
Có ai khổ như giáo viên tiểu học không? |
Nhưng có không ít giáo viên vì nôn nóng muốn có tiền, vì có tiền rồi lại muốn có nhiều hơn nên đã bất chấp cả đạo lý, đạp lên cả danh dự của nhà giáo để dùng quyền lực của mình ép buộc phụ huynh phải cho con em đi học thêm bằng được.
Giữa việc dạy của những nhà giáo chân chính và những thầy cô mang đầy thủ đoạn đã bị đánh đồng bằng bốn từ “vấn nạn dạy thêm”.
Không thể phân định rạch ròi giữa lằn ranh sáng-tối và việc nghiêm cấm dạy thêm được xem là giải pháp tình thế.
Phần đông, thầy cô giáo cũng chẳng ham gì ngoài giờ lên lớp lại lao đầu vào dạy ở các lớp học thêm.
Công việc giảng dạy trên trường đã mệt mỏi, áp lực nhưng đêm về và những ngày lễ tết khi thiên hạ đang vui chơi thì những thầy cô giáo chúng tôi vẫn phải chúi đầu chúi mũi vào việc soạn giáo án, chấm bài, làm biết bao hồ sơ sổ sách.
Không làm được những công việc khác mà dạy thêm cũng không thể thì giáo viên chúng tôi biết sống và nuôi con bằng gì đây?