LTS: Trước sự việc nhà trường ép buộc học sinh phải đi học phụ đạo tại khối 12 Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận, tác giả Việt Đăng đã có bài viết chỉ ra những tồn tại và bất cập của tình trạng này.
Theo đó, tác giả cũng đưa ra những nguyên nhân và mong muốn của các em học sinh về việc không đồng ý học phụ đạo tại trường.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhiều phụ huynh hiện có con đang theo học tại khối lớp 12 Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận có đơn phản ánh về việc nhà trường ép buộc học sinh phải đi học phụ đạo tại trường vào một số buổi chiều trong tuần.
Một số học sinh cho biết, trong buổi chào cờ đầu tuần, ông Bùi Long An hội trưởng Hội phụ huynh nhà trường đã nói về vấn đề phụ huynh thống nhất việc nhà trường dạy phụ đạo.
Một số phụ huynh lại cho biết, trong cuộc họp phụ huynh các lớp vừa qua, giáo viên thông báo cho phụ huynh biết kế hoạch nhà trường sẽ dạy phụ đạo cho học sinh khối 12 nhưng các em sẽ học với tinh thần tự nguyện và không bắt buộc.
Bởi thế, phụ huynh không có ý kiến vì nghĩ con mình không muốn học thì thôi, ý kiến để làm gì? Chứ hoàn toàn họ không hề thống nhất.
Nhưng sau cuộc họp phụ huynh, học sinh lại được phát thời khóa biểu có ghi rõ những môn phải học (Ban A: Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh), ban B (Toán, Anh, Sử, Địa và học kì 2 sẽ học thêm Văn), những buổi phụ đạo và được thầy cô căn dặn phải đi học đầy đủ, đúng giờ.
Hình ảnh thời khóa biểu của học sinh lớp 12A10 Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (Ảnh Việt Đăng). |
Học sinh cho biết “phần lớn các bạn đều không đồng tình với việc học thế này nhưng chúng con phản ứng vẫn không được".
Nhà trường lên tiếng “phụ huynh đã đồng ý”. Có thầy cô còn dẫn chứng “nhiều học sinh không cần học thêm, họ chỉ học phụ đạo trên trường sao vẫn đỗ thủ khoa?”.
Khi được hỏi “vì sao lại phản đối việc học phụ đạo ở trường?”, nhiều em cho biết lý do:
Thứ nhất, các em học 5 tiết ở trường đến 11 giờ 30 phút mới tan. Đi về tới nhà cũng hơn 12 giờ, có bạn mất gần 1 giờ nhưng 1 giờ 30 phút lại phải vào học phụ đạo nên rất mệt mỏi.
Thứ hai, các em đã tìm cho mình thầy cô để ôn luyện những môn trọng tâm thi đại học và đã theo học thầy cô này 2 năm (lớp 10 và lớp 11). Nay học phụ đạo trên trường sẽ không còn thời gian đi học theo sở thích của mình.
Nhà trường đang ép học sinh học thêm |
Thứ ba, học phụ đạo ở trường là học lại với các bạn và giáo viên ở buổi chính khóa.
Một số thầy cô dạy không nhiệt tình, dạy khó hiểu nhưng buổi chiều vẫn phải học lại những thầy cô này chắc chắn sẽ không đạt chất lượng.
Vì học chung với các bạn chính khóa, lớp học đông và đủ các trình độ nên thầy cô không thể dạy nâng cao, dạy chuyên sâu hoặc không thể phụ đạo để bù các kiến thức hổng cho học sinh yếu. Học kiểu này, chất lượng không thể nâng lên.
Thứ tư, (một số học sinh giỏi có ý kiến) không phải giáo viên nào cũng có khả năng ôn luyện thi đại học. Học mà không được chọn thầy cô theo ý thích thì rất là chán.
Thứ năm, học phụ đạo nhà trường buộc học nhiều môn vừa tốn tiền lại mất thời gian. Trong khi tự mình đi học có thể chỉ chọn một vài môn mình cần tập trung, cần nâng cao kiến thức.
Thứ sáu, học phụ đạo giờ giấc cố định nên rất mệt mỏi. Học tự do khỏe thì đi học, mệt nghỉ cũng chẳng sao. Tự học sinh sẽ sắp xếp thời gian để học như thế nào cho linh động.
Hình ảnh đơn kiến nghị của phụ huynh không muốn cho con em mình học phụ đạo tại trường (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Phụ huynh cho rằng nhà trường chưa có sự thông báo và tham khảo ý kiến phụ huynh mà đã tự ý quyết định (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Sau khi đưa ra những lý do để không đồng ý việc học phụ đạo trên trường thì một số em cũng đưa ra mong muốn:
Nếu buộc phải học phụ đạo, yêu cầu nhà trường sẽ cho học sinh được chọn giáo viên mình yêu thích. Nhà trường cần tổ chức sát hạch để xếp học sinh vào từng lớp cho phù hợp.
Phải có lớp nâng cao để thi vào trường đại học tốp trên, lớp phụ đạo kiến thức đã mất căn bản cho học sinh yếu kém, lớp trung bình để luyện thi tốt nghiệp, lớp khá để thi vào các trường đại học, cao đẳng top thường…
Dù bây giờ nhà trường vẫn nói đã xếp lớp theo trình độ nhưng thực chất một học sinh ban A năm ngoái có điểm tổng kết bằng một học sinh ban B nhưng trình độ nhận thức thật sự là khác xa nhau.
Một Phó hiệu trưởng nói về hậu quả khôn lường của ép buộc học thêm |
Với kiểu dạy phụ đạo áp đặt như thế, học sinh sẽ càng bị áp lực chuyện học nhiều hơn. Không ít em nói “dù đi học phụ đạo trên trường thì tối về con vẫn phải đi học thêm nhà thầy cô con đã chọn”.
Nói thế, sẽ có nhiều học sinh cả ngày đi học trên trường. Tối về, vẫn phải miệt mài đi học thêm. Thế là cả tuần sẽ chẳng khi nào các em được nghỉ ngơi, thư giải dù là một ngày.
Áp lực học đã nặng lại càng căng thẳng hơn. Có em cho biết “không còn thời gian ngủ nên lên trường sẽ rất mệt mỏi”.
Một phụ huynh có con học lớp 12 tại trường chia sẻ “Một tháng phải có 600 nghìn đồng để nộp cho nhà trường quả là quá sức của gia đình tôi. Nếu các em được tự chọn môn học thêm, cháu nói nó chỉ cần học 2 môn là đủ”.
Việc Trường trung học phổ thông Lý Thường Kiệt thị xã La Gi tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh mà không có được sự đồng thuận từ phía học sinh và phụ huynh liệu có đúng với tinh thần dạy thêm học thêm tự nguyện hay đây chỉ là hình thức ép buộc dạy thêm trá hình núp bóng nhà trường?